Nhận học bổng 322 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới Đại học Tsinghua (Đại học Thanh hoa – Trung Quốc) – Top 20 đại học hàng đầu thế giới về công nghệ, Nguyễn Mạnh Quý theo học chuyên ngành Điện tử viễn thông trước khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Thị giác máy tính tại đây.
Về nước năm 2010, Quý vào làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và sau đó trở thành một trong những nhân sự chủ chốt trong nhiều dự án nghiên cứu phát triển hệ thống trong mạng viễn thông như: Hệ thống tính cước theo thời gian thực (OCS), Tổng tài tin nhắn (SMSC), Tổng đài chuyển mạch di động (MSC), Hệ thống chuyển mạch gói 4G (EPC), Hệ thống dịch vụ đa phương tiện trên nền tảng IP (IMS),...
Sản phẩm Viettel OCS được coi là niềm tự hào của Viettel trong lĩnh vực viễn thông khi hệ thống do những kỹ sư Việt Nam nghiên cứu phát triển. Điểm độc đáo của sản phẩm là cho phép Viettel thiết kế cho mỗi khách hàng một gói cước riêng biệt, qua đó cá thể hoá chính sách cước cho từng đối tượng khách hàng. Đến nay, Viettel OCS đã được triển khai tại tất cả các thị trường mà Viettel đầu tư, tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt về kinh doanh viễn thông so với các nhà mạng khác.
Sau 10 năm lăn lộn nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực viễn thông, Nguyễn Mạnh Quý được điều chuyển làm Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace). Kể từ đó, Nguyễn Mạnh Quý lãnh trách nhiệm đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các dự án về Trí tuệ nhân tạo (AI) – đúng với chuyên ngành thạc sĩ mà anh theo học tại Đại học Thanh Hoa nhiều năm về trước.
Trung tâm Không gian mạng Viettel bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu trí tuệ nhân tạo như thế nào?
Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) được thành lập năm 2014 với mục đích ban đầu là thực hiện lắng nghe thông tin dư luận trên không gian mạng. Theo xu thế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ cùng với các công nghệ số, trong đó công nghệ về trí tuệ nhân tạo đã có những bước phát triển đột phá nhờ vào lượng dữ liệu khổng lồ và các thuật toán học sâu.
Với nhiều lợi thế sẵn có khi tiếp cận dữ liệu lớn từ sớm, lãnh đạo Tập đoàn Viettel quyết định giao cho Viettel Cyberspace là đơn vị chủ lực trong việc nghiên cứu phát triển AI với 3 lĩnh vực chính: xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và phân tích dữ liệu.
Về công nghệ xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên thì các ứng dụng tương tác bằng tiếng Việt chưa nhiều. Các loại loa sử dụng trợ lý ảo của Google, Amazon, Microsoft… chủ yếu vẫn bằng tiếng Anh chứ chưa hỗ trợ tiếng Việt, nhất là với tiếng địa phương. Nắm bắt được điều này, Viettel Cyberspace đã phát triển các dòng sản phẩm Trợ lý ảo tương tác bằng tiếng Việt giúp người dân tiếp cận với công nghệ tiên tiến một cách dễ dàng hơn.
Với công nghệ thị giác máy tính, Viettel đã và đang triển khai nhiều dự án thành phố thông minh vì vậy có nhiều lợi thế trong việc triển khai các camera thông minh, giống như "mắt thần" có thể nhận diện người, nhận diện phương tiện giao, hiểu được ngữ cảnh, phân tích các hành vi giúp giám sát giao thông thông minh và an ninh an toàn trong các thành phố.
Còn với công nghệ quản trị và phân tích dữ liệu, đây là lĩnh vực mà Viettel đã phát triển từ rất sớm (năm 2014) ứng dụng trong các bài toán kinh doanh viễn thông. Chuyển đổi số thì cần phải số hoá dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn, và dùng AI để phân tích, dự báo, dự đoán qua đó lập các kế hoạch hành động.
Trong thời gian gần đây, chúng tôi tiếp tục mở rộng phạm vi ứng dụng của trí tuệ nhân tạo nhằm tạo ra các robot thông minh, xây dựng bản sao số của các thành phố thông minh…
Trong giai đoạn đầu đẩy mạnh phát triển các nghiên cứu, ứng dụng về AI, khó khăn lớn nhất của anh và đội ngũ Viettel Cyberspace là gì?
Thời điểm ban đầu, chúng tôi chưa có nhiều chuyên gia và kỹ sư về AI vì đây là ngành nghề mới, đồng thời cũng chưa nắm bắt được các yếu tố để thành công trong lĩnh vực này, đó là: siêu máy tính, dữ liệu lớn và thuật toán tốt. Sau khi nhận diện được vấn đề thì Viettel đã đầu tư mạnh vào ba yếu tố này.
Một là mua siêu máy tính, đồng thời hợp tác chiến lược với Tập đoàn NVIDIA – doanh nghiệp cung cấp hạ tầng AI hàng đầu thế giới thông qua chiến lược AI National. Siêu máy tính 20 PetaFlops (20 triệu tỷ phép tính/giây) của Viettel giúp cho thời gian huấn luyện máy học giảm hàng chục lần so với trước đó, vì vậy AI có thể thông minh lên hàng ngày, hàng tuần.
Về dữ liệu thì Viettel Cyberspace đã có sẵn lợi thế tiếp cận lượng dữ liệu khổng lồ trên mạng xã hội và không gian mạng từ khi thành lập. Về con người, Viettel đã tích cực tuyển dụng các chuyên gia, kỹ sư người Việt chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo ở nước ngoài (Mỹ, Pháp, Nga, Hàn Quốc…), hợp tác với các chuyên gia ở nhiều nước (Mỹ, Nhật, Singapore, Phần Lan…).
Bên cạnh đó chúng tôi cũng kết hợp với các trường đại học để đào tạo chuyên ngành thạc sỹ, tiến sĩ về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo cho lực lượng kỹ sư hiện có.
AI là một lĩnh vực mới, nhân sự chuyên môn không nhiều và Viettel sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều công ty công nghệ khác, gồm cả các startup nổi tiếng ở Việt Nam. Môi trường làm việc ở Viettel có điều gì hấp dẫn các kỹ sư giỏi về AI?
Trong lĩnh vực này, các kỹ sư muốn làm tốt và đưa sản phẩm vào ứng dụng trong thực tế sẽ cần phải có siêu máy tính và siêu dữ liệu. Hiện nay, ở Việt Nam thì Viettel có đủ cả 2 yếu tố đó. Hơn nữa, ở Viettel có nhiều bài toán lớn để nghiên cứu và ứng dụng.
Với triết lý đưa sản phẩm ra thị trường sớm nhất có thể, qua đó công nghệ sẽ phát triển nhanh hơn. Vì vậy, các sản phẩm AI ở Viettel được làm ra là có thể ứng dụng luôn trong thực tế, với số lượng người dùng lớn.
Các sản phẩm viễn thông trước đây chúng tôi phát triển cũng như vậy, nếu không được phép ứng dụng, chạy thử nghiệm thực tế nhiều lần, thì các sản phẩm trong lĩnh vực viễn thông của Viettel khó có thể đạt được kết quả như hiện nay.
Với các kỹ sư AI, việc huấn luyện một thuật toán rất cần siêu máy tính. Chúng tôi đã hợp tác chiến lược với Tập đoàn NVIDIA, đây là công ty hàng đầu thế giới trong việc cung cấp hạ tầng tính toán hiệu năng cao cho AI. Đặc biệt, Tập đoàn NVIDIA đã lựa chọn Viettel là đối tác duy nhất của họ để thúc đẩy phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam.
Với siêu máy tính ở Viettel, thời gian huấn luyện máy học được rút ngắn hàng chục lần, qua đó các kỹ sư sẽ cảm nhận được thuật toán của mình tốt lên từng ngày. Ở các công ty khác, họ cho dữ liệu vào hệ thống và phải đợi tới 1 tháng sau mới cho kết quả, so với Viettel chỉ mất 1 ngày. Có thể thấy, các kỹ sư AI ở Viettel sẽ có tốc độ phát triển nhanh gấp hàng chục lần so với các công ty bên ngoài.
Kể từ thời điểm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực AI, các anh đã trải qua những cột mốc phát triển nào?
Nếu phân chia một cách đơn giản thì năm 2019-2020 là giai đoạn chúng tôi thâm nhập, nghiên cứu công nghệ cơ bản. Thời điểm đó, Viettel xây dựng chiến lược, xác định một số công nghệ cần phải làm chủ để nâng cao sức cạnh tranh khi phát triển các sản phẩm tương lai.
Trong 2 năm 2021 và 2022, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào một số dòng sản phẩm mang tính ứng dụng cao như Trợ lý ảo, Robot thông minh, camera thông minh, phân tích dữ liệu cho nội bộ tập đoàn và các bộ ngành, chính quyền địa phương.
Trong thời gian tình hình dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, Viettel đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện hàng triệu cuộc gọi mỗi ngày cho người dân các tỉnh để đưa các thông báo kịp thời, hay tiếp nhận các cuộc gọi của bệnh nhân Covid-19. Lúc ấy, nếu không sử dụng AI thì không thể đáp ứng được nhiệm vụ.
Trong 3 trụ cột về AI được lựa chọn để phát triển, thế mạnh nổi bật của Viettel là gì so với các đối thủ nước ngoài?
Về công nghệ xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên, Viettel xác định tập trung phát triển các dòng sản phẩm Trợ lý ảo tiếng Việt, qua đó giúp người dân dễ dàng tiếp cận với công nghệ tiên tiến.
Về công nghệ thị giác máy tính, chúng tôi sẽ tập trung phát triển các dòng robot thông minh, hiểu được ngữ cảnh và tình huống, kết hợp nhiều công nghệ AI, trong đó có tương tác bằng giọng nói tiếng Việt và phân tích dữ liệu lớn bởi rất ít công ty có đồng thời tất cả các thế mạnh đó.
Còn với công nghệ quản trị và phân tích dữ liệu thì chúng tôi sở hữu công nghệ OCR tiếng Việt tốt nhất thị trường hiện nay, giúp số hoá dữ liệu tiếng Việt nhanh chóng, cùng với kinh nghiệm khai thác siêu dữ liệu từ không gian mạng, chúng tôi sẽ cung cấp cho khách hàng các giải pháp chất lượng tốt hơn với giá hợp lý.
Thực tế là khi lựa chọn chiến lược về sản phẩm, chúng tôi luôn suy nghĩ về sự khác biệt của Viettel, để có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường chứ không làm thứ mà thế giới có thể làm tốt hơn.
Trong số sản phẩm về AI mà Viettel phát triển, sản phẩm nào đã có ứng dụng thực tế và đem lại hiệu quả quan trọng trong đời sống?
Thứ nhất là các camera thông minh. Khi triển khai giải pháp cho smart city tại nhiều địa phương, các camera này sẽ giám sát an ninh an toàn, giao thông, phát hiện ra hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi sai làn, đâm xe, đánh nhau, trèo tường, đổ rác sai quy định...
Triển khai smart city cần hàng trăm, hàng nghìn camera, không thể dùng nguồn lực con người xem hết hàng nghìn camera đó được, mà buộc phải sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích tự động và đưa ra cảnh báo. Trong các tòa nhà, camera thông minh ứng dụng vào việc kiểm soát người ra vào, phát hiện người lạ.
Thứ hai là trợ lý ảo. Hiện tại rất nhiều các doanh nghiệp viễn thông và ngân hàng đang ứng dụng vào công tác chăm sóc khách hàng. Ở Viettel, trợ lý ảo giúp cho công tác chăm sóc khách hàng giúp tối ưu 50% nhân công. Hiện nay, Trợ lý ảo tích hợp để trả lời khách hàng trên các trang web hay ứng dụng trên di động đã trở lên phổ biến.
Đối với các tổng đài dịch vụ công ở địa phương, thì cần tối ưu người ngồi để nghe và trả lời các cuộc gọi của người dân để tránh làm phình to bộ máy hành chính. Thay vào đó, trợ lý ảo được ứng dụng giúp trả lời thắc mắc của người dân về dịch vụ công một cách tự động.
Gần đây, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu các dòng robot thông minh và bản sao số cho các thành phố thông minh.
Trợ lý ảo là một sản phẩm rất quan trọng của hầu hết các công ty công nghệ. Ở Viettel, lộ trình phát triển cho trợ lý ảo với tiếng Việt được lên kế hoạch ra sao, thưa anh?
Quá trình phát triển của trí tuệ nhân tạo là một quá trình diễn ra liên tục. Khi chúng ta đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng, trong quá trình tương tác với người dùng thì sẽ sinh ra nhiều dữ liệu mới, từ dữ liệu mới thuật toán sẽ giúp trí tuệ nhân tạo thông minh hơn, và vì thế người dùng lại càng dùng nhiều hơn, sinh ra nhiều dữ liệu hơn. Đây là một vòng lặp liên tục không bao giờ ngừng, trừ khi người dùng không dùng ứng dụng đó nữa.
Vì vậy, quá trình phát triển của Trợ lý ảo sẽ là một quá trình diễn ra liên tục, càng mở rộng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và càng có nhiều người dùng thì trợ lý ảo càng thông minh.
Với trợ lý ảo, ứng dụng hữu ích và trên diện rộng đầu tiên cho bên ngoài Viettel là hỗ trợ phòng chống Covid và tương tác đến hàng triệu người hay các tổng đài chăm sóc khách hàng trong lĩnh vực viễn thông và tài chính ngân hàng.
Chúng tôi cũng phát triển dòng trợ lý ảo cho các thẩm phán để hỗ trợ tra cứu văn bản pháp luật, án lệ, quyết định bản án, trong tương lai sẽ hỗ trợ đoán định tư pháp, tức là xem xét các yếu tố của một vụ án, tư vấn cho thẩm phán ra các quyết định chính xác hơn. Bước phát triển tiếp theo là Viettel phải tạo ra những trợ lý ảo hiểu ngữ cảnh và tương tác có cảm xúc.
Viettel có mục tiêu phát triển sản phẩm AI kiểu người bạn ảo như các công ty Trung Quốc?
Chúng tôi đã và đang phát triển dòng sản phẩm đó. Chúng tôi muốn trợ lý ảo ở khắp mọi nơi như: tích hợp vào TV thông minh, tích hợp vào ứng dụng trên điện thoại di động, tích hợp vào ứng dụng trên ôtô khi lái xe, trợ lý chăm sóc sức khoẻ, trợ lý pháp luật…
Viettel muốn phát triển trợ lý ảo giống như một người bạn hiện diện ở khắp mọi nơi và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi hoặc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, người bạn này phải hiểu được ngữ cảnh và tương tác có cảm xúc.
Trong phim điện ảnh như "Kẻ huỷ diệt", nhiều người luôn hình dung trí tuệ nhân tạo như một sát thủ lạnh lùng, vô cảm. Viettel mong muốn tạo ra những sản phẩm AI mang tính nhân văn, giống như một người bạn thông minh, thân thiện và đáng tin cậy.
Triển vọng thành hiện thực của khát vọng đó ra sao?
Người bạn ảo là một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo đã phổ biến ở một số quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), nhưng với tiếng Việt thì chưa ai làm. Chúng tôi thấy cơ hội đó ở Việt Nam với 100 triệu người dùng. Hiện nay, rất ít công ty đầu tư dài hạn vào công nghệ như Viettel, vì vậy chúng tôi cần đi nhanh hơn để mỗi người dân Việt Nam có một người bạn ảo.
Nếu nói ngắn gọn về mục tiêu lớn của Viettel với trí tuệ nhân tạo, đó là gì?
Hiện nay chúng tôi đã phát triển 3 trong 35 nền tảng số quốc gia nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp và chính quyền chuyển đổi số, đó là: Nền tảng trí tuệ nhân tạo, Nền tảng trợ lý ảo, Nền tảng tổng hợp và phân tích dữ liệu. Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi sẽ là tiếp tục nghiên cứu để trí tuệ nhân tạo ngày càng thông minh hơn cho mọi người, qua đó mỗi người dân có một người bạn ảo thông minh, thân thiện và đáng tin cậy. Người bạn ảo này sẽ có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lúc sẵn sàng hỗ trợ khi cần.