Theo "Khảo sát thị trường về nhu cầu tiêu dùng ngành ẩm thực Việt Nam", do Gojek, công ty mẹ của GoViet, thực hiện, với sự phối hợp của Kantar, bữa trưa và buổi tối là 2 bữa ăn được chú trọng nhất.
Theo đó, khoảng 80% người dân ở hai thành phố lớn khi được hỏi cho biết họ có ăn trưa và ăn tối ngày hôm trước. Bữa sáng dường như là bữa ăn dễ bị bỏ qua hơn so với hai bữa trưa và tối khi chỉ có khoảng hơn 70% người dân được hỏi cho biết có duy trì bữa sáng.
Ăn vặt cũng là một phần không nhỏ trong thói quen ăn uống của người Việt khi hơn 1/3 số người được hỏi tại hai thành phố cho biết họ ăn vặt với tần suất trung bình 2-3 lần mỗi ngày; và cứ 10 người thì có 1 người duy trì bữa ăn khuya.
Bên cạnh xu hướng chú trọng bữa trưa và bữa tối, dưới đây là 5 xu hướng ăn uống của người Hà Nội và TPHCM:
1. Người Việt ít đi ăn một mình
Phần lớn thời gian ăn uống được người Việt dành cho bạn bè và gia đình. Những người tham gia khảo sát tại Hà Nội cho biết 75% số bữa ăn của họ là ăn cùng với người khác, và con số này ở TPHCM là 69%.
Nghiên cứu của Gojek-Kantar cũng đưa ra con số so sánh với Singapore và Bangkok - Thái Lan. Với tương đồng về văn hoá và thói quen ăn uống, tỉ lệ này tại Bangkok là 65%, nhưng tại đất nước bận rộn Singapore, có đến 50% số bữa ăn người dân đi ăn một mình.
2. Người dùng Việt ưu tiên chất lượng món ăn và sự đa dạng hơn là sự tiện lợi
Tại cả hai thành phố lớn, khoảng 1/3 người được khảo sát ở HCM (35%) và Hà Nội (28%) cho biết họ không có thời gian dành cho bản thân; và hơn 75% người được khảo sát cho biết họ sẵn sàng chờ đợi để có được món ăn yêu thích, sẵn sàng dành nhiều thời gian hơn và chi nhiều tiền hơn để nhận được món ăn ngon, có chất lượng.
Khoảng 70% người trả lời tại hai thành phố cũng cho biết họ dễ chán nếu ăn món ăn giống nhau mỗi ngày. Do đó việc đa dạng món ăn là ưu tiên hàng đầu của các nền tảng đặt món trực tuyến.
3. Hơn 60% người dân có thói quen ăn ở hàng quán
Hơn một nửa người tham gia khảo sát ở cả TPHCM (63%) và Hà Nội (60%) cho biết họ có đi ăn ở hàng quán trong vòng một tuần qua. 43% số người được khảo sát ở TPHCM và 34% ở Hà Nội cho biết có đặt món ăn trực tuyến cũng trong vòng một tuần qua.
Tuy nhiên, với câu hỏi "Bạn có nấu ăn ở nhà trong vòng 24 giờ qua không?", 75% người dân sinh sống ở Hà Nội được hỏi trả lời là "Có", còn ở TPHCM là 67%.
4. Thanh toán bằng tiền mặt chiếm ưu thế
Tại TPHCM và Hà Nội, tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán chủ yếu của tất cả các loại hình ăn uống với hơn 80% người dùng sử dụng tiền mặt trong thanh toán tại nhà hàng và mua mang đi. Thanh toán bằng tiền mặt cũng chiếm phần lớn khi mua hàng qua điện thoại (66% TPHCM, 70% Hà Nội) và đặt đồ ăn trực tuyến (48% ở TPHCM và 52% tại Hà Nội).
Hình thức dùng thẻ, chuyển khoản hay ví điện tử vẫn chiếm tỉ lệ thấp hơn.
5. Chi tiêu trung bình cho đặt đồ ăn trực tuyến nhiều gấp đôi so với ăn tại chỗ
Theo kết quả khảo sát, điều này đúng cho cả TPHCM và Hà Nội.
Tại TPHCM, chi tiêu trung bình cho việc đặt đồ ăn trực tuyến có giá trị cao nhất, thấp nhất là mua đồ ăn mang đi. Trong khi đó, tại Hà Nội, chi tiêu cho việc mua hàng qua điện thoại lại có giá trị trung bình cao nhất, thấp nhất là mua hàng mang đi.
Chi tiêu trung bình tại Hà Nội cho việc ăn tại nhà hàng, mua mang đi hay mua qua điện thoại cao hơn từ 5-10% so với tại TPHCM. Chi tiêu cho đặt món trực tuyến tại TPHCM cao hơn khoảng 10% so với Hà Nội.
Bản khảo sát thị trường về nhu cầu tiêu dùng ngành ẩm thực Việt Nam" do Gojek phối hợp thực hiện cùng Kantar được tiến hành trong Quý 4 năm 2019, tại hai thành phố lớn HCM và Hà Nội, với gần 4.000 người trong độ tuổi từ 15-45 tham gia. Khảo sát chủ yếu được thực hiện qua bảng câu hỏi trực tuyến. Ngoài thị trường Việt Nam, Kantar cũng thực hiện khảo sát này cho thị trường Việt Nam, Singapore, và Bangkok - Thái Lan.