Bất cứ bậc phụ huynh nào cũng kỳ vọng con mình lớn lên mạnh khỏe và thành tài. Tuy không thể đặt yêu cầu con cái phải tài giỏi như Bill Gates hay Jack Ma, nhưng ai cũng mong muốn con mình có chút thành tựu trong công việc và cuộc sống. Đặc biệt có thể làm chủ được bản thân và tránh xa những tệ nạn và cám dỗ của cuộc đời.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh thường rất quan tâm đến việc chăm con và dạy con như thế nào tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sau này.
Theo nghiên cứu của Đại học Harvard cho biết, các chuyên gia đã khảo sát 1000 doanh nhân thành công ở độ tuổi 24 - 45, bao gồm cả cách nuôi dạy của cha mẹ và quá trình trưởng thành của họ.
Qua đó, tìm ra được mối liên hệ giữa cuộc sống tuổi thơ và thành công của những người này. Đồng thời cũng chỉ ra được những người thành công khi còn nhỏ thường có 3 điểm đặc trưng như sau.
Ngay từ khi còn nhỏ đã có tính cách tự lập
Việc ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã luôn tự lập và có thể tự giải quyết những vấn đề vừa sức với bản thân là một trong những chìa khóa quan trọng. Điều này báo hiệu những đứa trẻ như vậy lớn lên sẽ vô cùng chủ động, tư duy nhanh nhẹn và có thể tự mình bước qua được những khó khăn mà bản thân gặp phải trong cuộc sống.
Tuy nhiên, trong thực tế hiếm có đứa trẻ nào có tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ như vậy. Đa phần con trẻ đều cần có sự dạy dỗ và chỉ dẫn của các bậc phụ huynh.
Do đó, khi con còn nhỏ thay vì tự mình làm hết tất cả mọi việc cho con, phụ huynh nên hướng dẫn và tin tưởng các con có thể tự mình giải quyết được những vấn đề trong khả năng của mình.
Cụ thể là việc tự lập trong tư duy, tự lập trong giao tiếp và tự lập sinh hoạt thường ngày. Việc này vừa giúp con rèn luyện được kỹ năng sống, vừa khiến con cảm thấy tự tin vào chính mình.
Cha mẹ cần tránh lặp lại lỗi sai như trường hợp của thần đồng Ngụy Vĩnh Khang (Trung Quốc). Người 13 tuổi học đại học, 17 tuổi thành nghiên cứu sinh thạc sĩ nhưng sau đó bị buộc phải thôi học và bỏ dở tương lai chỉ vì không thể sống tự lập, quần áo không biết thay, cơm ăn hàng ngày phải có mẹ đút.
Qua trường hợp của Ngụy Vĩnh Khang, gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc dạy con tính cách tự lập ngay từ khi còn nhỏ.
Có thói quen sống nề nếp và kế hoạch cụ thể
Trên thực tế, những đứa trẻ thường rất ham vui. Ngoài thời gian đi học trên lớp, các con dễ bị cuốn theo những hoạt động giải trí như xem hoạt hình, nghịch điện thoại, chơi game v.v… Thậm chí mải mê vui chơi mà các con quên cả thời gian học tập và đi ngủ, đây luôn là những chuyện khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu.
Theo đó, nếu con bạn là một đứa trẻ tuân thủ nề nếp và ngay từ khi còn nhỏ đã học được cách lên thời gian biểu, thì trong tương lai nhất định những đứa trẻ như vậy sẽ thành công.
Vì trong số 1000 doanh nhân được khảo sát, có trên 85% người trong đó có khả năng tự mình xây dựng thời gian biểu hoặc được cha mẹ dạy cách lên thời gian biểu ngay từ khi còn nhỏ. Đồng thời họ cũng rất nghiêm túc tuân thủ những kế hoạch đã định ra.
Những người làm việc có kế hoạch và mục đích rõ ràng như vậy thường thu được những kết quả tốt trong quá trình học học tập và làm việc. Đây cũng là một trong những chiếc chìa khóa quan trọng giúp họ mở được cánh cửa thành công trong tương lai.
Có khả năng tư duy nhạy bén, đa chiều
Ngoài tính tự lập và thói quen sống nền nếp có kế hoạch, người thành công còn có điểm chung thứ 3 chính là khả năng tư duy nhạy bén và đa chiều. Những người có cách tư duy như vậy thường có những góc nhìn rộng mở hơn, điều này phản ánh ngay trong cách sống, cách làm việc của họ.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn và trau dồi cho các con về khả năng tư duy. Việc này có thể nâng cao và rèn luyện bằng cách giúp trẻ sử dụng sơ đồ tư duy trong việc học. Ngoài ra cha mẹ còn có thể khơi gợi được sự hứng thú, tò mò của trẻ, qua đó tạo thói quen chủ động đặt đâu hỏi cho con ngay từ khi còn nhỏ.
Bên cạnh đó cho con tiếp xúc sớm với tranh ảnh và sách, đây là những thứ giúp các con có thể tăng thêm kiến thức và khả năng nhận biết từ sớm. Từ đó, các con sẽ tự hình thành được khả năng tư duy riêng biệt và có thể linh hoạt áp dụng vào thực tiễn cuộc sống sau này.