Khám phá sân bóng rổ đẹp nhất Hà Nội - “khu phố mới” hút giới trẻ

Huyền Trang/ Clip: Việt Hùng/ Ảnh: Quý Nguyễn/ Thiết kế: Thủy Tiên | 22-08-2022 - 08:00 AM

(Tổ Quốc) - Nếu hỏi về một địa điểm chơi bóng rổ đẹp nhất, được chú ý nhất nhì Hà Nội hiện tại, nhiều người mê bộ môn này sẽ không do dự mà trả lời là The New Quarter.

Sân bóng rổ nhưng không chỉ đơn thuần để chơi bóng rổ

Nhắc đến Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), người bình thường sẽ nghĩ về khu phố xanh mát có chợ cây cảnh khổng lồ của Thủ đô còn với dân bóng rổ, cái tên đầu tiên xuất hiện gần đây là The New Quarter (viết tắt là TNQ). Đây chính là sân bóng rổ rất hot trong cộng đồng mê trái bóng cam nói riêng và trên MXH nói chung suốt thời gian vừa qua. 

Nép mình trong ngõ 612 Hoàng Hoa Thám, TNQ vốn là khoảng đất trống nổi bật giữa một khu dân cư, nhà cao tầng san sát. Hiện tại, TNQ có diện tích 1000m2, gồm 2 phần: 2 sân bóng rổ (3x3 và 5x5) và The Watch Box - 1 quán bar thể thao đơn giản, cả 2 vừa đối lập vừa bổ trợ cho nhau. Nếu như mỗi sân bóng là một bức tranh sặc sỡ thì quán bar lại cực kỳ đơn giản với màu đen chủ đạo và lắp kính để tiện theo dõi trận đấu bên ngoài. 

Sân bóng rổ The New Quarter

Ghé thăm sân bóng rổ đẹp nhất Hà Nội - khu sinh thái mới của "giới trẻ" Thủ đô - Ảnh 2.

Toàn bộ TNQ nhìn từ trên cao xuống

Sân bóng 5x5 và 3x3

The Watch Box

Không chỉ phục vụ hội mê bóng rổ hay yêu thích thể thao, TNQ còn hướng đến các hoạt động bên ngoài thể thao và dành cho tất cả mọi người như về văn hóa, thời trang hay cả âm nhạc. Hồi tháng 7 vừa qua, TNQ cùng với Hôm Nay Bạn Mang Gì - chuyên trang tin tức và kiến thức về giày thể thao đã tổ chức SUMMER SOLE.1 - triển lãm giày thể thao. Hay trong gần 3 tháng qua, cứ mỗi tuần một buổi, TNQ đã cùng với Blue Dragon Children's Foundation (Tổ chức Bảo vệ Trẻ em Rồng Xanh) tổ chức lớp học bóng rổ miễn phí dành cho các nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. 

Và để có những hoạt động kết hợp bóng rổ với nhiều lĩnh vực như vậy, người đứng sau cũng có niềm đam mê mãnh liệt với trái bóng cam. Hai nhân vật đại diện của TNQ mà chúng tôi tìm gặp là chủ sân - TDuy (sinh năm 1992) và quản lý - Mai Việt Anh (sinh năm 1994). 

Ghé thăm sân bóng rổ đẹp nhất Hà Nội - khu sinh thái mới của "giới trẻ" Thủ đô - Ảnh 5.

TDuy (phải) và Việt Anh (trái)

Cả Việt Anh và TDuy đều từng đi du học và biết đến môn bóng rổ trong thời gian này. Năm 2017, Việt Anh về nước và có 1 năm thi đấu chuyên nghiệp tại VBA, khoác áo Thang Long Warriors. Trong khi đó, TDuy nhận được những tác động tích cực từ bóng rổ và thể thao: "Khi còn đi học, bóng rổ cho mình rất nhiều bạn bè. Sau này khi đi làm rồi lên đến vị trí quản lý, những kỹ năng quý giá như làm việc nhóm, quản lý thời gian và sức lực, lãnh đạo, giao tiếp hiệu quả,... của mình đều đến từ bóng rổ"

Chính ý nghĩa, sự gắn bó và tình cảm với bóng rổ đã trở thành động lực để họ đã tạo ra TNQ.

Tuy nhiên đây không phải là chuyện một sớm một chiều, ngay từ cái tên The New Quarter cũng cần nhiều thời gian cân nhắc. "Nếu như Old Quarter - khu phố cổ với 36 phố phường là đặc trưng của Hà Nội, là địa điểm du lịch và vui chơi, giải trí cuối tuần của giới trẻ thì The New Quarter là khu phố mới. Đó là nơi mà mọi cá thể có thể học tập, sinh hoạt, làm việc và chơi với nhau. Ngoài ra trong bóng rổ có 4 hiệp đấu và 'quarter' có nghĩa là hiệp đấu nên cái tên này cũng rất hợp lý" - Việt Anh giải thích.

Ghé thăm sân bóng rổ đẹp nhất Hà Nội - khu sinh thái mới của "giới trẻ" Thủ đô - Ảnh 6.

Kỳ công quá trình tạo ra mặt sân nghệ thuật

Sân bóng với bức vẽ khổng lồ chính là điểm nổi bật nhất ở TNQ. Trước khi có tác phẩm để vẽ lên sân, cuộc thi thiết kế sân bóng rổ mang tên Draw Your Best đã được tổ chức với đề tài: "Dù là bất cứ ai, dù yêu thích bóng rổ hay không, nếu có 1 sân bóng rổ thì bạn muốn nó sẽ như thế nào?"

Kết quả, trên dưới 100 tác phẩm của khoảng 40 - 50 tác giả đã được gửi về. Trong số này, TNQ đã chọn ra tác phẩm của bạn Lê Vân - 1 trong 4 giải khuyến khích để thực hiện. Việt Anh cho biết:

"Tác phẩm này được lấy cảm hứng từ sự cân bằng, chiến đấu, hình tròn âm dương - bình đẳng và những hình khối đối xứng. Ý tưởng này hòa hợp với câu chuyện và định hướng của bọn mình là tạo ra 1 sân bóng rổ cho mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Một yếu tố quan trọng nữa là tác phẩm này có tính khả thi. Bởi để vẽ 1 tác phẩm bình thường trên giấy đã khó, khi thực hiện trên mặt sân to còn khó hơn". 

Ghé thăm sân bóng rổ đẹp nhất Hà Nội - khu sinh thái mới của "giới trẻ" Thủ đô - Ảnh 7.

Nhiều bạn trẻ mê bóng rổ tập trung tại TNQ

Ghé thăm sân bóng rổ đẹp nhất Hà Nội - khu sinh thái mới của "giới trẻ" Thủ đô - Ảnh 8.

Việc thi công là cả một chặng đường dài với TNQ, bắt đầu từ tháng 1, dự kiến hoàn thành vào tháng 4 nhưng phải đến tận tháng 6, mọi thứ mới xong xuôi. Ở Việt Nam chưa có đơn vị chuyên nghiệp nào nên việc vẽ trên sân nên Việt Anh đã tìm đến Đặng Thanh Hiển - 1 bạn trẻ có tiếng trong cộng đồng bóng rổ, chuyên vẽ trên giày và tường để ngỏ ý hợp tác. Tuy nhiên Hiển không nhận lời ngay mà phải cân nhắc, tính toán mất mấy ngày mới nhận lời. 

"Sau đó là 2 tháng ròng rã thi công của nhóm Hiển, khoảng 7 - 8 người. Ngày nào mọi người cũng ‘quần thảo’ dưới cái nắng gay gắt của Hà Nội tháng 4, tháng 5. Nắng nóng nên ai nấy đều cởi trần để sơn, có bạn khi mới đến thì trắng trẻo lắm đến lúc xong sân thì đen sạm đi. Oái oăm là thỉnh thoảng trời còn đổ những trận mưa to bất chợt, có khi vừa sơn xong thì trời mưa, lớp sơn đó không đảm bảo nên lại phải sơn lại. Nói chung là rất vất vả để có thể hoàn thiện mặt sân với 4 lớp màu và 1 lớp bảo vệ" - Việt Anh kể lại.

Hiện tại tiền thuê sân ở TNQ sẽ khác nhau tùy vào từng đối tượng và mục đích sử dụng. Nếu chơi bóng rổ đơn thuần, giá dao động 350 - 400k/ tiếng còn nếu quay quảng cáo hay tổ chức sự kiện, chi phí cao hơn. Việt Anh cho hay: "Khi quay thường sẽ phải sử dụng các thiết bị và có thể vô tình làm ảnh hưởng đến mặt sân nên bọn mình phải thu phí cao hơn để đảm bảo sân không bị hư hại. Với nhiều người đây chỉ là sân chơi nhưng với bọn mình, đây là 1 tác phẩm nghệ thuật nên cần và phải gìn giữ nó"

Ghé thăm sân bóng rổ đẹp nhất Hà Nội - khu sinh thái mới của "giới trẻ" Thủ đô - Ảnh 9.

Việt Anh

Một sân bóng đẹp sẽ thu hút nhiều người đến với bóng rổ hơn

Như mô tả từ đầu, một trong những điểm đặc biệt của TNQ chính là sự mở rộng ngoài lĩnh vực bóng rổ. Tại đây không chỉ diễn ra những trận bóng nảy lửa mà còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện hướng đến nhiều lứa tuổi, đối tượng khác nhau. Bởi lẽ văn hóa bóng rổ không đơn thuần xoay quanh quả bóng cam mà là sự tổ hợp của nhiều yếu tố như graffiti, hiphop, thời trang, tình bạn - tình anh em,... Và vì đẹp quá, hoạt động phong phú nên TNQ cũng nhận về những nhận xét rằng hợp để vui chơi, chụp ảnh hơn là chơi bóng rổ. 

"Ngay từ đầu, bọn mình đã muốn đây là 1 sân bóng rổ mới mẻ, độc đáo. Khi nó đẹp rồi thì mọi người đến trải nghiệm, check-in nhưng suy cho cùng đây vẫn là 1 sân bóng rổ và hoạt động chủ yếu vẫn là chơi thể thao. Ngoài ra các hoạt động được tổ chức ở TNQ cũng phong phú, thu hút nhiều đối tượng. Có nhiều bạn không biết chơi bóng rổ nhưng vẫn có thể đến chiêm ngưỡng sân, có thêm không gian làm việc ngoài trời. Biết đầu từ đó mà các bạn hình thành niềm yêu thích, tình cảm với bóng rổ thì sao? Chỉ cần như vậy là đạt mục đích mà bọn mình chia sẻ ban đầu, TNQ là khu sinh thái mới, nơi các cá thể sinh hoạt, làm việc, chơi thể thao,..." - Việt Anh thoải mái chia sẻ.

Với quan điểm này, không khó để nhận thấy mục tiêu lớn nhất của TNQ là đưa bóng rổ đến mọi đối tượng, độ tuổi và giới tính. TDuy nói: "Bọn mình tập trung vào 3 yếu tố đi liền với nhau: càng nhiều người chơi và sân chơi càng tốt, phổ biến văn hóa bóng rổ và đóng góp cho nền bóng rổ nước nhà. Để thực hiện những mục tiêu này, bọn mình bắt đầu từng bước nhỏ, từ sân chơi đến các giải đấu nhỏ dạng không chuyên hoặc bán chuyên nhưng được tổ chức theo hướng chuyên nghiệp. Khi chất lượng của các giải đấu và của cầu thủ tăng lên thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của bóng rổ nói chung"

Ghé thăm sân bóng rổ đẹp nhất Hà Nội - khu sinh thái mới của "giới trẻ" Thủ đô - Ảnh 10.

TDuy

Từ hình vẽ trên mặt sân đến các hoạt động, TNQ đều hướng đến bình đẳng cho mọi giới tính và mọi lứa tuổi trong bóng rổ nói riêng và thể thao nói chung. Thế nhưng, TNQ cũng không phủ nhận sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại. 

TDuy bày tỏ: "Nỗ lực của bọn mình luôn là tạo sân chơi cho mọi người nhưng thực tế mọi chuyện đều có lý do. Chẳng hạn mình tự bỏ tiền làm giải cho cả nam lẫn nữ và muốn chiếu lên tivi, đó là hướng đến bình đẳng. Nhưng đôi khi khán giả không hào hứng hoặc ít người xem hơn khiến cho các VĐV nữ rất khó để phát triển so với nam. Nói chung có những thứ phụ nữ làm được mà các bạn nam không làm được và ngược lại nhưng bọn mình vẫn luôn cố gắng hết mình để đạt được mục tiêu"

Một vài bạn trẻ cho biết thi đấu trên một sân bóng rổ đẹp tạo nhiều cảm hứng hơn

Tạm kết

Không thể phủ nhận bóng rổ Việt Nam còn khá non trẻ, nhiều cầu thủ chuyên nghiệp phát triển từ hệ không chuyên, từ những sân bóng phong trào như TNQ. Thế nên khi bóng rổ không chuyên mạnh, giải chuyên nghiệp sẽ có nhiều nhân tài và khi bóng rổ chuyên nghiệp có giải tốt, ổn định sẽ kích thích phong trào nhiều hơn, buộc các cầu thủ phải nỗ lực hơn nếu muốn thi đấu chuyên nghiệp.

Nhưng cho dù là phong trào hay chuyên nghiệp, bóng rổ hay bất cứ bộ môn nào khác, có lẽ ai làm thể thao tử tế cũng sẽ chung mong muốn với Việt Anh, TDuy và TNQ: "Bọn mình muốn nhiều người tiếp cận đến bóng rổ hơn thì sẽ tìm được nhiều tài năng cho bóng rổ Việt Nam, góp phần đưa nước ta sánh vai với các cường quốc bóng rổ trong khu vực và trên quốc tế. Đương nhiên đó vẫn là giấc mơ mà giấc mơ muốn thành hiện thực thì cần bắt đầu".

Ghé thăm sân bóng rổ đẹp nhất Hà Nội - khu sinh thái mới của "giới trẻ" Thủ đô - Ảnh 13.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM