Khám phá mũ bay siêu độc đáo của phi công tiêm kích F-35 Mỹ: Kỳ quan công nghệ

Vy Lam | 10-08-2022 - 17:23 PM

(Tổ Quốc) - "Không chỉ là một kỳ quan công nghệ, chiếc mũ bảo hiểm dành cho phi công F-35 cũng là một kỳ tích" - War History Online viết.

Theo trang mạng War History Online, mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II đã có chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2006 và kể từ đó, chúng đã trở thành một phần không thể thiếu của quân đội Mỹ.

Thủy quân lục chiến, không quân và hải quân Mỹ đều sử dụng loại máy bay này, họ có kế hoạch mua tổng cộng 2.456 chiếc F-35 từ nay cho tới năm 2044. Nổi bật trong trang bị của F-35 là chiếc mũ bay dành cho phi công.

"Không chỉ là một kỳ quan công nghệ, chiếc mũ bảo hiểm dành cho phi công F-35 cũng là một kỳ tích" - War History Online viết.

Dưới đây là lý do tại sao chiếc mũ này đặc biệt đến vậy:

Quy trình lắp ráp gắt gao

Một khi các phi công được lựa chọn để điều khiển F-35, họ sẽ phải trải qua quy trình đo đạc mũ bảo hiểm. Quá trình lắp ráp mũ sẽ kéo dài 2 ngày, kích cỡ phần đầu của phi công sẽ được quét và đo một cách chuẩn chỉ. Để tất cả các tính năng của chiếc mũ có thể phát huy, nó phải vừa khít với đầu của phi công.

Màn hình hiển thị trên mũ bay sẽ cung cấp cho phi công thông tin quan trọng về nhiệm vụ chiến đấu và cho phép họ có được "nhận thức nâng cao" về tình huống chỉ bằng cách di chuyển đầu. Phi công sẽ có tầm nhìn 360 độ về môi trường tác chiến mà không cần cơ động máy bay theo một hướng nhất định nào.

Khám phá mũ bay siêu độc đáo của phi công tiêm kích F-35 Mỹ: Kỳ quan công nghệ - Ảnh 1.

Chiếc mũ bay phải vừa khít với đầu của phi công. Ảnh: Airman Erica Webster

Bên cạnh đó, để đảm bảo có đủ oxy cho phi công, mỗi chiếc mũ sau khi hoàn tất sẽ được đưa đến máy kiểm tra oxy để xác định bất cứ nguy cơ rò rỉ tiềm ẩn nào. Phần tiếp theo là đảm bảo có một khoảng cách thích hợp giữa mặt nạ thở và tấm che mặt trên mũ bay.

'Chúng tôi phải đảm bảo khi phi công di chuyển hoặc nói chuyện, mặt nạ không va vào tấm che. Nếu khoảng cách quá gần, nó sẽ làm cong tấm che và làm biến dạng hình ảnh hiển thị" - Một nhân viên thuộc Phi đội hỗ trợ hoạt động số 419 của Không quân Mỹ cho hay.

Các phi công không được thay đổi ngoại hình

Một khi phi công được trang bị mũ bảo hiểm, họ phải đảm bảo mình không có thay đổi gì về ngoại hình. Do chiếc mũ được thiết kế để vừa vặn với phần đầu của phi công nên những thay đổi nhỏ như cắt mái tóc mới hoặc tăng một vài cân có thể khiến chiếc mũ không còn vừa vặn.

Khám phá mũ bay siêu độc đáo của phi công tiêm kích F-35 Mỹ: Kỳ quan công nghệ - Ảnh 2.

Thay đổi nhỏ như cắt mái tóc mới cũng có thể khiến chiếc mũ không còn vừa vặn. Ảnh: Airman Erica Webster

Tất nhiên, các phi công không thường xuyên thay đổi kiểu tóc và do luôn tất bật với các nhiệm vụ, họ sẽ giữ được tình trạng thể chất tốt. Tuy nhiên, Không quân Mỹ vẫn phải đưa ra quy định để đảm bảo điều này. Cứ sau 105 ngày sử dụng, mũ bảo hiểm dành cho phi công F-35 sẽ được kiểm tra định kỳ, và sẽ có các đợt kiểm tra sau 120 ngày để đảm bảo chúng vẫn vừa vặn với đầu phi công, vẫn an toàn khi sử dụng và hoạt động.

Phi công Thủy quân Lục chiến nhận được mũ lót

Đối với riêng Thủy quân Lục chiến Mỹ, các phi công sau khi đo đạc kích cỡ đầu, sẽ nhận được một chiếc mũ lót.

Theo thông cáo báo chí của Thủy quân Lục chiến Mỹ, chiếc mũ lót này sẽ phù hợp với bất cứ cỡ mũ bảo hiểm nào, cho phép phi công mang từ phi đội này sang phi đội khác để sử dụng trong suốt sự nghiệm của mình, loại bỏ nguy cơ hư hỏng mũ bảo hiểm trong quá trình chuyển đổi phi đội.

Tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất

Như đã nói ở trên, nhờ tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất, màn hình hiển thị trên mũ bay sẽ cho phép phi công nhận thức được tình huống xung quanh chỉ nhờ chuyển động phần đầu.

Phi công thậm chí có thể nhìn xuống một bên cánh và xem những gì đang diễn ra bên dưới. Sau khi cúi xuống và nhìn về phía các camera được gắn trên F-35, hình ảnh diễn ra sẽ phản chiếu lên màn hình mũ bay của họ.

Khám phá mũ bay siêu độc đáo của phi công tiêm kích F-35 Mỹ: Kỳ quan công nghệ - Ảnh 3.

Mũ bay của F-35 được tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất. Nguồn: War History Online

Mũ bay của F-35 "đắt khủng khiếp"

Một trong những điều đáng chú ý nhất về chiếc mũ bảo hiểm của F-35 là mức giá khổng lồ. Chiếc mũ này có giá đáng kinh ngạc, lên tới 400.000 USD, tương đương với giá của một chiếc siêu xe thể thao Ferrari. Do đó, các phi công cần xây dựng 'mối quan hệ gắn bó' với chiếc mũ bay và cố gắng hết sức để nâng niu, chăm sóc chúng.

Điều này không hề dễ dàng, nhiều phi công cho biết họ không cảm thấy chiếc mũ đó là của mình.

"Mặc dù chúng được trang bị tùy chỉnh cho chúng tôi, và chúng tôi bị ràng buộc khá nhiều vào chiếc mũ bay đó, nhưng về mặt kỹ thuật, nó vẫn không phải là của bạn" - Một phi công giấu tên nói tới trang tin The Drive.

Khám phá mũ bay siêu độc đáo của phi công tiêm kích F-35 Mỹ: Kỳ quan công nghệ - Ảnh 4.

Chiếc mũ bay của phi công F-35 đắt ngang với giá của một chiếc siêu xe thể thao Ferrari. Nguồn: Không quân Mỹ

Hiệu quả công nghệ được chứng minh

Theo trang tin Task and Purpose, khả năng đặc biệt của chiếc mũ bay dành cho phi công F-35 và tầm quan trọng của việc thiết lập màn hình hiển thị đã phát huy tác dụng đầy đủ vào năm 2017, khi cảnh quay từ chiếc mũ bay cho thấy một chiếc F-35B suýt có pha hạ cánh thảm khốc trên tàu đổ bộ USS America.

Đoạn phim ghi lại từ chiếc mũ bay của F-35 đã giúp phân tích những gì diễn ra và vô tình cho thấy việc quan sát qua chiếc mũ bay này độc đáo tới mức nào.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM