Tính nữ trong văn hóa, nghệ thuật Việt Nam
Tập trung thảo luận các vấn đề văn hóa truyền thống, tinh thần nữ quyền trong văn hóa - nghệ thuật Việt Nam và cải biên điện ảnh, Hội thảo Quốc tế Di sản Văn hóa - Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật (ICHCHAA) diễn ra từ ngày 26-27/11/2022 đã đưa ra nhiều tham luận đáng chú ý như "Tam sao thất bản: Hình tượng Đặng Thị Huệ từ lịch sử, văn học đến phim ảnh" (TS Phạm Văn Hưng, ĐH Quốc gia Hà Nội), "Huyền thoại và chính sử về các hoàng hậu, công chúa triều Nguyễn: Những khả thể tự sự điện ảnh" (TS Nguyễn Phương Khánh, ĐH Đà Nẵng), "Người nữ thêm vào lịch sử: Từ trường hợp phim Long Thành Cầm Giả Ca nghĩ về việc khai thác chất liệu nữ giới trong điện ảnh" (TS Hồ Khánh Vân, ĐH Quốc gia TPHCM)…
Theo TS Hồ Khánh Vân, khái niệm "tính nữ" là một tập hợp các thuộc tính, hành vi và vai trò liên quan đến người nữ, chủ yếu do con người đặt định ra. Theo quan niệm truyền thống, những thuộc tính như mềm mại, thanh nhã, dịu dàng, nhạy cảm, chung thủy, thụ động,… thường được xem là biểu hiện điển hình của tính nữ. Tuy nhiên, nếu đặt tính nữ trong trạng thái đối nghịch so với tính nam là một cách nhìn thiếu sót, nặng nề trong khuôn mẫu giới, bởi mỗi cá thể con người đã là một thực thể sống động, đa dạng, xét trên cả bình diện sinh học lẫn văn hóa – xã hội.
TS Hồ Khánh Vân cho rằng, kiến giải tính nữ không nên phụ thuộc vào các thuộc tính cố định, mà nên đặt trong cái nhìn đa diện, gắn liền với thực tế đời sống văn hóa - xã hội.
Đồng tình với quan điểm trên, nhà sản xuất (NSX) Janet Ngo (Giám đốc ICHCHAA 2022, Giám đốc Điều hành TNA Entertainment) cho biết: "Trong dự án She-Kings, chúng tôi muốn đưa tính nữ thoát khỏi khuôn mẫu giới mà xã hội đặt ra. Sự mạnh mẽ không chỉ đến từ sức mạnh cơ bắp; mà chính cái mềm mại, thanh thoát, bản năng chăm sóc, yêu thương và những thuộc tính âm khác cũng là biểu hiện của sức mạnh ở nữ giới. Thực ra trong xã hội hiện đại, định nghĩa về sức mạnh không liên quan đến giới tính, người ta không cần phải lựa chọn giới tính để thể hiện sức mạnh của mình".
NSX Janet Ngo và PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Trưởng Ban nội dung ICHCHAA 2022.
Chất liệu nữ giới – Hướng đi khả thi cho điện ảnh
Cùng nhận định "nhiều nhân vật nữ có cuộc đời, số phận, công lao hoặc vị trí đặc biệt có khả năng đi vào các hư cấu nghệ thuật" (TS Nguyễn Phương Khánh, ĐH Đà Nẵng), các nhà nghiên cứu cũng đề xuất nhiều chất liệu lịch sử hấp dẫn, khả thi để chuyển thể thành điện ảnh như hình tượng nàng Kiều, Hai Bà Trưng, Đặng Thị Huệ, Đạm Phương, công chúa hoàng hậu nhà Nguyễn… Trong số đó, dự án phim huyền sử Trưng Vương (She-Kings) nhận được nhiều đánh giá tích cực khi nỗ lực cải biên câu chuyện về hai vị nữ vương đầu tiên của đất Việt và những anh thư Lạc Việt đã giúp sức hai bà trong cuộc khởi binh chống quân Nam Hán.
Dự án phim huyền sử Trưng Vương (She-Kings) được phát triển bởi TNA Entertainment.
Ở góc độ thực hành nghệ thuật, các nhà làm phim lại có nhiều băn khoăn bởi việc tái hiện, cải biên những câu chuyện lấy cảm hứng từ lịch sử, huyền sử nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi tâm huyết, sự đầu tư cả về nghiên cứu, phát triển và chuyển thể các câu chuyện, nhân vật thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Biên kịch Phạm Thị Thanh Hà bày tỏ: "Chúng tôi không khỏi trăn trở trước hai yêu cầu: một là đảm bảo tính xác đáng của câu chuyện, hai là biến tấu sao cho hấp dẫn được khán giả đại chúng".
Là một người yêu điện ảnh và luôn dành sự ủng hộ cho phim Việt, TS Hồ Khánh Vân tỏ ra khá cởi mở: "Tôi không cho rằng vấn đề nằm ở việc chúng ta phải giữ hay bỏ thuộc tính giới tính nào. Nhất là với cải biên, các nhà làm phim có thể sáng tạo thỏa thích, với điều kiện là việc sáng tạo không thể dựa trên những tưởng tượng vô căn cứ. Nhà làm phim nên hiểu biết lịch sử, rồi cũng phải hòa mình vào trải nghiệm đời sống để phát triển nhân vật và tác phẩm, sao cho khán giả có thể tin tưởng và đồng cảm".
Với những thảo luận tại ICHCHAA 2022, tin rằng các nhà làm phim sẽ sớm tìm thấy lời giải thỏa đáng khi phát triển dòng phim khai thác đề tài, chất liệu từ lịch sử, văn hóa truyền thống; từ đó tiếp cận và phát huy những định hướng mới, đóng góp vào sự phát triển chung của điện ảnh Việt.
Hội thảo Quốc tế với chủ đề "Di sản Văn hóa - Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật" (ICHCHAA) 2022 được thực hiện với sự cộng tác của Trung tâm ICISE và Hội gặp gỡ Việt Nam, TNA Entertainment, UNESCO, ĐH Văn Lang, là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án She-Kings do TNA Entertainment thực hiện.
Thông qua việc trau dồi, sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật, TNA Entertainment mong muốn phát huy tinh thần sáng tạo, nâng cao thái độ tôn trọng đối với những tác phẩm cải biên nghệ thuật dựa trên tài nguyên văn hóa - lịch sử của đất nước, tôn vinh các giá trị truyền thống và lưu giữ ký ức văn hóa cho các thế hệ mai sau.