J-20 lần đầu 'chạm trán' F-35
Đã có một số cuộc chạm trán "không vui vẻ" giữa lực lượng Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh hai nước tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Tuy nhiên trong số này không có nhiều cuộc chạm trán trên không, cho tới gần đây.
Theo tiết lộ của Tướng cấp cao Không quân Mỹ Kenneth Wilsbach, tiêm kích tàng hình F-35 đã có ít nhất một lần chạm trán với chiến đấu cơ thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên tình huống chạm trán giữa hai loại máy bay này được công bố.
Ông Wilsbach – Chỉ huy lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ - không tiết lộ cuộc chạm trán giữa F-35 và J-20 diễn ra khi nào hay có đụng độ không. Tuy nhiên, ông đã đề cập ngắn gọn tới tính năng của mẫu máy bay chiến đấu tàng hình do Trung Quốc sản xuất trong một dịp tương tác hiếm hoi.
"Còn hơi sớm để nói về những gì họ (Trung Quốc) dự định làm với J-20, tất cả những gì chúng tôi hiện thấy là ‘ưu thế trên không’" – Ông Wilsbach nói – "Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy họ đang vận hành nó khá tốt.
Gần đây, chúng tôi đã có một tình huống…, tôi sẽ không gọi hẳn là ‘một cuộc chạm trán’, trong đó các tiêm kích F-35 của chúng tôi đã tiếp cận tương đối gần với J-20 ở Biển Hoa Đông, chúng tôi tương đối ấn tượng với khả năng chỉ huy và kiểm soát liên kết với J-20".
Theo tờ EurAsian Times, việc tướng Wilsbach xác nhận cuộc chạm trán giữa F-35 và J-20 mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh căng thẳng giữa hai đối thủ truyền kiếp đang gia tăng. Sự gay gắt giữa hai bên đã trở nên trầm trọng hơn trong thời gian gần đây liên quan tới tình hình về Đài Loan và Ukraine.
Tiêm kích tàng hình J-20.
Mỹ đánh giá cao J-20
"Chúng tôi đang chứng kiến khả năng bay tương đối chuyên nghiệp [của J-20] và vẫn còn quá sớm để xác định chính xác xem họ [Trung Quốc] định làm gì với nó- Liệu mẫu máy bay này sẽ giống một chiếc F-35, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, hay giống như F-22 với khả năng cơ bản là chiếm ưu thế đường không, nhưng có thêm khả năng tấn công không-đối đất" - Ông Wilsbach nói.
Máy bay chiếm ưu thế trên không là loại máy bay được thiết kế chủ yếu để kiểm soát không phận của đối phương bằng cách giành ưu thế chiến thuật trước họ. Loại máy bay này thường được giao nhiệm vụ tấn công các máy bay vũ trang hạng nhẹ, cơ động cao của đối phương trong các trận không chiến, loại bỏ bất cứ mối đe dọa nào đối với quyền kiểm soát không phận. Chúng còn có thể giữ vai trò thứ yếu trong các cuộc tấn công không-đối-đất.
Ngoài việc thừa nhận khả năng của J-20, Tướng Wilsbach còn đề cập đến KJ-500, mẫu máy bay chỉ huy & cảnh báo sớm chủ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Máy bay chỉ huy & cảnh báo sớm KJ-500
KJ-500 được phát triển dựa trên máy bay vận tải chiến thuật Y-9, trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt. Ông Wilsbach nói: "KJ-500 đóng vai trò quan trọng ở một phần nào đó trong năng lực khai hỏa tầm xa mà Trung Quốc đang hướng tới. Một số loại tên lửa không-đối-không tầm bắn rất xa của họ đang được KJ-500 hỗ trợ. Do vậy, khả năng làm gián đoạn ‘chuỗi tiêu diệt’ (của họ) là điều gì đó rất thu hút tôi".
Một phân tích trước đây của tờ EurAsian Times giải thích rằng, tiêm kích J-20 rất có thể sẽ không được sử dụng trong các cuộc không chiến tầm gần, mà sử dụng ở "chế độ bắn tỉa", hạ gục máy bay chiến đấu, máy bay tiếp dầu, hệ thống phòng không, các trạm radar trên bộ và những công sự chủ lực của đối phương.
Do vậy, theo quan sát của Tướng Mỹ, KJ-500 có thể trở thành công cụ hỗ trợ để J-20 tiêu diệt chính xác các mục tiêu của đối phương bằng tên lửa không-đối-không PL-15 tầm xa.
PL-15 được cho là có tầm bắn hơn 200km. Ngoài J-20, mẫu tên lửa này còn được trang bị trên các tiêm kích J-10C, J-11B, J-15, J-16 của Trung Quốc và JF-17 Block-3 (do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất).
Tên lửa PL-15 trên tiêm kích J-20.
Theo Tướng Wilsbach, KJ-500 có thể xác định và chỉ thị mục tiêu cho các máy bay chiến đấu của Trung Quốc để chúng bắn tên lửa PL-15 từ một khoảng cách đáng kể.
Những nhận xét đáng ngạc nhiên của Tướng Wilsbach về máy bay Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng, bởi các quan chức cấp cao trong cơ quan an ninh Mỹ đang có tâm lý chung là: Trung Quốc có thể chấm dứt ưu thế quân sự Mỹ vào năm 2035.
Trong một cuộc họp của Hiệp hội Không quân Mỹ vào tháng 9 năm ngoái, Tổng tham mưu trưởng Không quân Mỹ Charles Brown Jr. tuyên bố PLA có "lực lượng hàng không lớn nhất ở Thái Bình Dương". Ông Brown cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ làm lu mờ ưu thế trên không của Mỹ vào năm 2035.
Sau khi Nhật Bản ký hợp đồng mua F-35, sự hiện diện của các máy bay thế hệ 5 này có thể sẽ tăng lên trong tương lai. Giới chuyên gia cảnh báo các "tình huống chạm trán" (với máy bay Trung Quốc) có thể sẽ trở thành thông lệ.
Đáng lưu ý, trong khi Tướng Mỹ lên tiếng (dù ngắn gọn) về cuộc chạm trán được cho là giữa F-35 và J-20, Không quân Trung Quốc tới nay vẫn giữ im lặng.
F-35 vs J-20
F-35 là máy bay chiến đấu tàng hình đa nhiệm được thiết kế để thực hiện cả nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và tấn công. Đây là máy bay chiến đấu tàng hình 1 chỗ ngồi, 1 động cơ, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. F-35 cũng có khả năng tác chiến điện tử, tình báo, giám sát và trinh sát.
Trong khi đó, J-20 là máy bay chiến đấu tàng hình đa nhiệm được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất, ngay cả trong điều kiện khó khăn. Thiết kế cánh delta của máy bay cho phép nó đạt độ cao bay cao hơn, và tốc độ siêu thanh.
Tính đến năm 2021, Trung Quốc được cho là đã chế tạo 150 chiếc J-20. Trả lời câu hỏi về năng lực sản xuất J-20, thiết kế phó của chương trình này cho biết, lĩnh vực hàng không của Trung Quốc có thể đáp ứng bất cứ mức độ nhu cầu nào từ lực lượng Không quân PLA. Theo cam kết đó, Trung Quốc hiện đang tăng cường sản xuất đáng kể các máy bay J-20.
Mặc dù J-20 vẫn vấp phải những ý kiến chê bai nhưng việc một Tướng Mỹ hiếm hoi thừa nhận khả năng bay của nó là một điều thực sự gây tò mò, EurAsian Times nhận định.