"Thực sự đây là giai đoạn khó khăn đối với một doanh nghiệp tự thân hoàn toàn như Ivy moda, đặc biệt lại rơi trúng thời điểm chúng tôi đã bùng nổ tiếp thị thị trường năm 2019 và dự định có những gặt hái vào năm 2020. Vấn đề lớn của Ivy là chiến đấu cho "sự sống" và sau đó hy vọng có thể quay lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết", Chị Lê Thị Ngọc Linh, Phó Tổng Giám đốc IVY moda cho biết.
Doanh số từ kênh TMĐT tăng 200%
PKV làm việc trong ngành khách sạn và cô có thói quen mua sắm quần áo trên mạng cho bản thân và gia đình từ nhiều năm nay. Tính trung bình, gần như tuần nào cô cũng mua đồ thời trang của các thương hiệu tầm trung trên mạng vì có nhiều lựa chọn và được giảm giá quanh năm. PKV cho biết, cô ít đến các cửa hàng thời trang vì không thấy thoải mái với sự phục vụ của một số nhân viên bán hàng chưa có kỹ năng tốt.
Những phụ nữ có điều kiện kinh tế và thành thạo công nghệ như PKV đang ngày càng nhiều tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Họ mê mua sắm trực tuyến, với smartphone được cài đặt nhiều app thương mại điện tử (TMĐT) và thường xuyên mua đồ từ nước ngoài về.
Theo chị Lê Thị Ngọc Linh, Phó Tổng Giám đốc IVY moda, các nền tảng bán hàng trực tuyến đã được công ty xây dựng và đẩy mạnh từ 2 năm trước như một xu thế tất yếu của ngành bán lẻ.
"Lúc ấy (đầu tháng 2), ban lãnh đạo của IVY moda đã xác định đây là cuộc chiến sống còn và chúng tôi phải "sống được" qua giai đoạn giãn cách xã hội, thậm chí kể cả nếu phải phong tỏa", Chị Linh nói với Trí Thức Trẻ.
"Sống được" được hiểu là doanh nghiệp có thể vận hành ở mức tối thiểu, đảm bảo được dòng tiền cơ bản và sẵn sàng khi thị trường quay trở lại trạng thái bình thường.
Là người phụ trách hoạt động của chuỗi 100 cửa hàng trên toàn quốc, chị Linh cho rằng vấn đề đau đầu nhất phải làm khi chuyển đổi cửa hàng trực tiếp thành kho lưu giữ hàng của sàn TMĐT chính là nguồn lực về công nghệ. Việc phải xử lý 400.000 SKU (Stock Keeping Unit là đơn vị phân loại hàng hóa tồn kho hay còn gọi là mã hàng hóa) trên 80 kho lưu giữ tạo ra trạng thái giao thông phức tạp trên cơ sở dữ liệu.
Trong rủi có may: từ năm 2018 IVY moda đã hoàn thành hệ thống kiểm soát sản phẩm RFID (Radio Frequency Identification, công nghệ nhận dạng bằng sóng điện tử) giúp giảm tải cho hệ thống nguồn lưu trữ khi mỗi mã hàng hóa được định danh riêng biệt ngay từ đầu khâu sản xuất đến luân chuyển và xuất hàng ở các kho bán hàng. Tuy nhiên, với ban lãnh đạo IVY moda , đây là câu chuyện buồn về việc sử dụng nhân sự.
Linh nói: "Về mặt con người, đây là câu chuyện đau buồn khi bình thường mỗi cửa hàng của chúng tôi có từ 15 nhân viên làm việc thì nay rút xuống chỉ còn 2 nhân viên hoạt động lưu kho".
Ban Giám đốc IVY moda nhìn nhận Covid-19 là tác động xã hội lớn nhất xảy ra trong nhiều thập kỷ và điều đáng lạc quan nhất là việc nó thay đổi thói quen người tiêu dùng một cách nhanh chóng mà giới bán hàng TMĐT đã từng xác định phải mất nhiều năm nữa.
Việc cách ly xã hội đã thúc đẩy hoạt động mua sắm online phát triển mạnh mẽ hơn. Một thách thức đặt ra với nhà bán lẻ thời trang như IVY moda là để giúp khách hàng có trải nghiệm thực tế hơn về sản phẩm, công ty phải cung cấp được nhiều tư liệu hơn cho họ như các hình ảnh thực tế hơn, các clip chi tiết về sản phẩm quần áo hay các clip livestream trải nghiệm thực tế…
Lê Thị Ngọc Linh khẳng định IVY moda không có tham vọng xây dựng sàn TMĐT đa kênh bởi vì "thời trang vẫn là thời trang" và theo khảo sát của công ty, 80% khách hàng vẫn mong muốn được trải nghiệm thực tế trước khi ra quyết định mua sắm.
Doanh nghiệp này chỉ vận hành bộ khung bán hàng trực tuyến phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp và không "đốt tiền" trong giai đoạn khủng hoảng này. Có thể hiểu, đây chỉ là một công cụ bổ sung được vận hành chậm và chắc của Ivy moda nhằm làm phong phú kênh bán hàng tự thân. Theo Linh, doanh số bán hàng từ kênh TMĐT đã tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng thực tế lại chưa đạt được 10% doanh thu của doanh nghiệp ở thời kỳ trước đây.
Khi được hỏi về chiến lược kinh doanh TMĐT, Phó Tổng Giám đốc Ivy moda thẳng thắn thừa nhận khái niệm TMĐT mà công ty cô sử dụng là "hơi quá".
"Chúng tôi chỉ có giới hạn gần 100 cửa hàng đơn lẻ và khoảng 5.000 mã sản phẩm, không thể so sánh với những sàn thương mại lớn nhất được. Tuy nhiên, điểm mạnh là sản phẩm ở các kho hàng đầy đủ và gần giống nhau nên có thể tối ưu việc xuất hàng cho khách hàng từ kho gần nhất".
"Song kiếm" offline-online và "vũ khí" mới phụ kiện thời trang mùa Covid 19
Để phục vụ người tiêu dùng mua hàng online trong giai đoạn cách ly xã hội, website và app mua hàng của Ivy moda được đội ngũ IT công ty dựng nên từ lõi CRM (Customer Relationship Management – Quản lý khách hàng). Do vậy, khi kết hợp với chương trình khách hàng thân quen sẽ dễ dàng giúp công ty truyền thông được với khách hàng, khuyến khích họ quay trở lại mua sắm trên nền tảng trực tuyến.
TMĐT được HĐQT IVY moda sử dụng như một công cụ bán hàng bổ sung cho kênh truyền thống với mục tiêu vượt qua giai đoạn gian khó. Với việc sử dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, đặc biệt là đội ngũ bán hàng bằng sóng điện tử giúp công ty tối ưu hóa việc chăm sóc khách hàng. Nhà bán lẻ thời trang này đã giảm tối đa quy trình vận chuyển từ khi chỉ mới là bán thành phẩm đến thành phẩm và lên kệ ở 100 cửa hàng toàn quốc chỉ trong 3 ngày, thay vì từ 10 đến 15 ngày như trước.
Theo Ngọc Linh, điểm yếu của công ty vẫn còn nhiều như chưa tối ưu hóa được các công nghệ automate marketing vì dữ liệu đầu vào còn khá mới. Đồng thời, trong giai đoạn dịch bệnh này việc thiếu hụt nhân sự công nghệ cũng ảnh hưởng nhiều tới khả năng thích ứng nhanh chóng của website với sự thay đổi đáng kể trong hành vi khách hàng. Chiến lược kinh doanh sắp tới của Ivy moda là sẽ vận hành song song hệ thống phân phối kết hợp offline-online như trước đây.
Một hướng đi mới của IVY moda là họ đã bắt đầu đầu tư nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm phụ kiện thời trang hỗ trợ phòng dịch Covid 19 như: Khẩu trang nano bạc kháng khuẩn; đồ bảo hộ; kính chống giọt bắn ..
Điểm sáng nhất là khẩu trang nano bạc kháng khuẩn được ra mắt từ tháng 3/2020 khi người tiêu dùng coi đây là cách bảo vệ sức khỏe thiết yếu. Sản phẩm này được bổ sung lớp lót màng chắn nano bạc có khả năng diệt 99% vi khuẩn trong 120 giây và được nhập khẩu từ Hồng Kông. Đồng thời, vì xác định đây là khẩu trang phù hợp cho nhu cầu xã hội nên kiểu dáng chất liệu được lựa chọn kỹ để ngăn bụi mịn, thoáng khí trong mùa Hè. Một chi tiết nhỏ thú vị là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Vũ Anh chỉ đạo bộ phận RnD phải nghiên cứu chế tạo được những chiếc khẩu trang không được làm mờ kính, bởi bản thân ông bị… cận thị và cũng sử dụng loại khẩu trang này!
Hiện tại, khẩu trang do IVY moda sản xuất bắt đầu nhận được sự quan tâm của các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản. Quá trình đàm phán hợp đồng xuất khẩu đang được Ivy moda tiến hành với các đối tác quốc tế. Mảng sản xuất này được xác định sẽ trở thành "vũ khí" mới của doanh nghiệp thời trang có doanh thu 500 tỷ đồng năm 2018, bên cạnh "song kiếm" bán hàng offiline-online.