Hành trình đạt tới tự do tài chính của mỗi người là khác nhau vì mỗi chúng ta có những trải nghiệm và cách tư duy rất khác nhau. Cột mốc này có thể tưởng là rất khó nhưng ai cũng đều có thể đạt được nếu xác định được đúng phương thức.
Trong số Gala của MONEYTalk chủ đề “Hành trình tự do tài chính”, anh Hans Nguyễn - Quản lý Cao cấp Đào tạo kênh phân phối Dragon Capital Việt Nam, chia sẻ rằng:
“Tự do tài chính không thể nói là không khó. Nhưng cái khó nhất trên hành trình này là phải có kế hoạch, đồng thời kiên trì với kế hoạch đó. Còn kiến thức về phương pháp đầu tư dành cho cá nhân bình thường thì không cần quá nhiều. Đôi khi, họ chỉ cần một số kiến thức cơ bản, sau đó áp dụng, kiên trì thực hiện.
Con đường tự do tài chính luôn mở cho tất cả, không có ai là không thể đạt được, chỉ cần bạn có cách làm. Ngay cả những người không có nhiều vốn và kiến thức, tuy họ là nhóm yếu thế nhưng cũng có những lợi thế của riêng mình. Chìa khóa ở đây là sự tập trung. Họ không cần quá nhiều sự lựa chọn mà chỉ tập trung vào 1 con đường duy nhất. Còn những người có nhiều sự lựa chọn lại rất dễ lan man, đi lệch hướng.
Để thành công thì không nhất thiết phải quá lao tâm khổ tứ. Chẳng hạn, có những người so sánh đầu tư như một thói quen giống như đánh răng. Khi trở thành thói quen thì chúng ta không cần quá bận tâm, cứ thế mà làm, mà vẫn đảm bảo hiệu quả.”
Với chuyên gia, cột mốc nào quyết định tự do tài chính không nên là áp lực quá lớn đối với mỗi người. Thay vì đặt ra các con số như 1 tỷ, 10 tỷ hay 100 tỷ, hãy dành thời gian để cảm nhận sự hài lòng của mình. Phong cách sống khác nhau sẽ quyết định mức độ hài lòng khác nhau.
Khi đặt ra một cột mốc, hãy chỉ coi đó là một mục tiêu mà chúng ta làm việc và hướng tới, dựa trên nhu cầu sống của mình.
Thông qua đó, host Dương Ngọc Trinh đưa ra tổng kết những đặc điểm cơ bản của tự do tài chính như sau: Một là, nó không chỉ dành cho những người làm về tài chính mà dành cho tất cả những ai có phẩm chất chăm sóc tiền bạc của mình; Hai là, giàu nhanh hay giàu chậm mà chắc đều là lựa chọn của chính bạn, khi đã chọn thì phải chịu nếu tầm của chúng ta chưa xứng với số tiền đó; Cuối cùng, đừng xem đó là áp lực mà hãy coi đó là động lực.
“Nếu các bạn chưa ổn định về thu nhập, phải nhờ vả gia đình để trang trải cuộc sống, cần xác định động lực của giai đoạn này là đi làm để có đồng tiền ổn định hơn. Sau đó, bạn sẽ đối mặt với chặng thứ 2: Tuy ổn định nhưng vẫn chưa đủ đối với nhu cầu sống cao hơn. Khi đó, động lực lại trở thành tăng doanh thu, kiểm soát chi tiêu, để dần trở nên độc lập và không còn cần nhờ vả ai cả. Sau khi độc lập thì bắt đầu học cách tích lũy đường dài, hướng tới mục tiêu tự do tài chính và sở hữu thu nhập thụ động. Khi tiền tự đẻ ra tiền, đó là ngưỡng tự do tài chính an toàn cho số đông", anh Hans Nguyễn chia sẻ thêm.
Thông qua đó, chuyên gia khẳng định rằng, mọi hành trình đều phải đi từng bước, một cách vững chắc và ổn định.