Bước sang năm 2023, Cơ quan Đổi mới Israel đã dành 150 triệu NIS (43 triệu USD) để thành lập một loạt các siêu tập đoàn nhằm hỗ trợ phát triển công nghệ trong ba lĩnh vực: quang tử silicon, các loại vật liệu và lớp phủ tiên tiến, cũng như chăn nuôi ruồi lính đen.
Theo đó, một loạt các tập đoàn, công ty công nghiệp và viện nghiên cứu tại Israel sẽ sử dụng nguồn vốn được phân bổ để hoạt động trong 3 năm tới.
"Khoản tài trợ được cung cấp cho ba siêu tập đoàn này là một phần trong chiến lược của chính phủ nhằm khuyến khích các nỗ lực có rủi ro cao trong ngành công nghệ của Israel. Đồng thời, nó cũng mở ra các tiềm năng cốt lõi, cho phép thâm nhập vào các thị trường mới bằng các công nghệ đột phá từ các công ty khởi nghiệp và tập đoàn lớn", Aviv Zeevi, phó chủ tịch tại phụ trách lĩnh vực Cơ sở hạ tầng công nghệ tại Cơ quan đổi mới Israel cho biết.
Siêu tập đoàn công nghệ đầu tiên, được tài trợ với ngân sách khoảng 40 triệu NIS (11,7 triệu USD), sẽ tập trung vào việc phát triển công nghệ ánh sáng quang tử tích hợp (thay vì dòng điện tử như hiện tại). Công nghệ này sẽ được coi như một công cụ để xử lý dữ liệu, chip, hệ thống liên lạc.
Để làm được điều này, tập đoàn này sẽ sử dụng một nền tảng từng được sử dụng để xây dựng máy tính lượng tử. Từ đó, các công ty thiết kế chip có thể dễ dàng tích hợp công nghệ này vào các con chip của mình.
Ở thời điểm hiện tại, công nghệ quang tử silicon đã và đang thu hút nhiều nhu cầu hơn của các công ty khởi nghiệp. So với công nghệ dây dẫn điện, công nghệ này có thể xử lý và truyền dữ liệu nhanh hơn rất nhiều, trong khi lại không tiêu tốn nhiều năng lượng.
Theo dữ liệu từ MarketAndMarket, vào năm 2021, thị trường quang tử silicon đã đạt 1,1 tỷ USD, do nhu cầu cao đối với các thành phần quang tử silicon. Giá trị thị trường của quang tử silicon dự kiến sẽ tăng lên 4,6 tỷ USD vào năm 2027.
Đối với siêu tập đoàn, bốn công ty công nghệ đã được chọn để 'liên minh', bao gồm Elop, Cielo, Quantum Source và New Photonics. Các công ty này sẽ làm việc cùng với các nhà nghiên cứu silicon từ Technion của Haifa, Đại học Bar-Ilan của Tel Aviv và Đại học Do Thái của Jerusalem.
Siêu tập đoàn thứ hai, nhận được 16,1 triệu USD tài trợ, sẽ phát triển công nghệ siêu vật liệu và siêu lớp phủ. Công nghệ này hoạt động dựa trên "sự kết hợp thông minh của các cấu trúc nano hoặc vi mô, để tạo ra các vật liệu điện từ nhân tạo với các đặc tính được thiết kế cụ thể, cho phép thao tác của sóng điện từ đi qua vật liệu".
Trong số tám công ty tham gia vào tập đoàn có Elbit Systems, Ceragon và SatixFy Communications, cùng sự hỗ trợ bởi 10 nhóm nghiên cứu học thuật từ Technion, Đại học Do Thái, Viện Weizmann, Đại học Tel Aviv, Đại học Ariel, Đại học Bar-Ilan và Đại học Ben-Gurion.
Siêu tập đoàn thứ ba, với ngân sách 28 triệu NIS (8,2 triệu USD), sẽ tập trung vào các công nghệ xung quanh việc nuôi cấy ruồi lính đen (Hermetia illucens).
Theo đó, loại ruồi này được coi là một phần thiết yếu của ngành nông nghiệp vì chúng có thể phân hủy chất thải hữu cơ, cũng như được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi giàu protein, rẻ tiền.
Ấu trùng của chúng, phát triển trong rác thải, có thể chuyển đổi các dạng chất thải hữu cơ khác nhau thành các sản phẩm chất lượng (protein, dầu, phân bón, v.v.).
Các công ty công nghệ được chọn cho siêu tập đoàn, bao gồm các công ty tái chế chất thải và di truyền cũng như các công ty khởi nghiệp phát triển thức ăn cho gia súc, sẽ được liên kết với các nhóm nghiên cứu học thuật từ Viện Volcani, Migal, Đại học Haifa, Đại học Tel Aviv và Đại học Do Thái, để phát triển cơ sở hạ tầng điện toán cần thiết cho khả năng thương mại của việc sử dụng ruồi lính đen và phát triển sản phẩm.
Tham khảo TimesofIsrael