Israel "ghẻ lạnh" Patriot, tự chế tạo hệ thống phòng thủ riêng: Bất ngờ cách Mỹ phản ứng

Trà Khánh | 13-08-2020 - 13:25 PM

(Tổ Quốc) - Theo giới quan sát, việc Israel tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển tên lửa Arrow cho thấy rõ người Do Thái không tin tưởng vào hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.

Theo Bộ Quốc phòng Israel, hệ thống phòng không Arrow-2 do nước này phát triển đã ngăn chặn thành công một cuộc tấn công giả định trong một thử nghiệm vào tối ngày 12/8 (theo giờ địa phương) ở miền Trung Israel.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Israel, việc Tel Aviv đóng cửa một phần không phận từ Biển Địa Trung Hải kéo dài đến phía Tây từ bờ biển Israel có liên quan đến cuộc thử nghiệm trên.

Phía Israel còn tiết lộ, Arrow-2 đã đánh chặn thành công một tên lửa mục tiêu Sparrow trong cuộc thử nghiệm lần này.

Theo truyền thông Israel, cuộc thử nghiệm trên được thực hiện dưới sự phối hợp giữa Tổ chức phòng thủ tên lửa đạn đạo Israel (IMDO) và Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA). Tham gia cuộc thử nghiệm còn có hãng Boeing một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Quân đội Mỹ.

Được biết, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa Arrow-2 được Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đưa vào trang bị từ đầu những năm 2000, từ đó cho tới nay tổ hợp vũ khí này liên tục được nâng cấp với nhiều phiên bản khác nhau.

Việc Israel tiếp tục theo đuổi chương trình Arrow trong suốt nhiều thập kỷ cho thấy họ vẫn chưa tìm thấy một hệ thống phòng không nào đủ tốt để bảo vệ nhà nước Do Thái trước một cuộc tấn công tiềm tàng bằng tên lửa đạn đạo từ các quốc gia thù địch. 

Israel ghẻ lạnh Patriot, tự chế tạo hệ thống phòng thủ riêng: Bất ngờ cách Mỹ phản ứng - Ảnh 2.

Lần lượt từ trái qua là bộ ba hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel gồm: Iron Dome, MIM-104 Patriot và Arrow-2. Ảnh: Sputnik

Ngoài Arrow-2, IDF còn được trang bị một hệ thống phòng không tầm xa khác là MIM-104 Patriot, dù vậy Israel chỉ sử dụng hệ thống phòng không của Mỹ như là một phương án dự phòng trong trường hợp Arrow-2 bỏ lỡ mục tiêu. Điều này cũng cho thấy IDF ít nhiều không tin tưởng vào khả năng của Patriot

Theo RT, Lầu Năm Góc đóng góp đáng kể cho ngân sách của chương trình Arrow, điều này giải thích cho sự tham gia của MDA trong các cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa này. Bên cạnh đó nhiều công nghệ và linh kiện tạo nên Arrow-2 là do hãng Beoing sản xuất.

Một số nhà quan sát cho rằng, việc Washington hỗ trợ ngân sách lẫn công nghệ cho chương trình Arrow đang giúp Lầu Năm Góc đạt được hai mục tiêu:

Một là, Tel Aviv có thể tự bảo vệ mình bằng Arrow-2 trước các cuộc tấn công tiềm tàng bằng tên lửa đạn đạo từ Iran, đồng thời giúp Washington giảm bớt gánh nặng trách nhiệm "bảo vệ đồng minh" ở Trung Đông.

Hai là, Quân đội Mỹ có thêm sự lựa chọn để nâng cấp lực lượng phòng không tầm xa của họ hiện tại vốn chỉ dựa vào các hệ thống Patrio. Bản thân Patriot cũng bị dư luận nghi ngờ về năng lực tác chiến sau một loạt thất bại ở Saudi Arabia.

Việc Lầu Năm Góc hợp tác với Israel trong việc phát triển các hệ thống phòng không mới cho Quân đội Mỹ cũng được thấy rõ qua kế hoạch mua các hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome. Do đó việc người Mỹ đổ tiền vào chương trình Arrow cũng chính là đầu tư cho chính họ trong tương lai.

Hiện tại, Mỹ và Israel (thông qua hai nhà thầu Boeing và IAI) đang cùng nhau hợp tác phát triển phiên bản nâng cấp tiếp theo của Arrow-2 là Arrow-3, được đánh giá có khả năng đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo của đối phương ở độ cao 100.000m.

Arrow 2 là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa được Tập đoàn Israel Aerospace Industries (IAI) phối hợp cùng hãng Boeing (Mỹ) phát triển cho Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), được đưa vào trang bị từ năm 2000.

Nó là một trong những thành phần quan trọng tạo nên hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel gồm: Iron Dome, Arrow-2 và David's Sling.

Theo một số thông tin công khai Arrow 2 có tầm tác chiến hiệu quả từ 90-150km, với khả năng bắn hạ các mục tiêu ở độ cao từ 10.000-50.000m. Phía Israel còn khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa này có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 500km.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM