Trong những năm qua, các quan chức quân sự Israel đã bóng gió về khả năng nước này có thể tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran nếu cần thiết. Nhà nước Do Thái từng tấn công các cơ sở hạt nhân ở Iraq vào năm 1981 và ở Syria vào năm 2007.
Trong khi Iraq và Syria có vị trí gần với Israel thì Iran lại cách xa nước này tới 1.600km. Khoảng cách giữa Israel và Iran vẫn là trở ngại và mang tính thách thức nhất đối với ý định của Tel Aviv.
Tuy nhiên, theo nhận định của trang tin 19fortyfive, kho vũ khí gồm máy bay chiến đấu và tên lửa đạn đạo tầm trung với khả năng triển khai đầu đạn hạt nhân của Israel có thể mang lại hiệu quả.
Tình hình chung
Tháng Hai năm nay, chính phủ Israel ước tính rằng Iran chỉ còn khoảng 4-6 tháng nữa là sẽ tích lũy đủ lượng uranium cần thiết để chế tạo bom hạt nhân.
Nhà nước Do Thái đã cử một phái đoàn tham dự các cuộc đàm phán chung giữa Mỹ-Iran tại Vienna để bày tỏ lo ngại rằng việc quay trở lại Thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) sẽ không làm chậm được quá trình Iran đạt tới bước tiến trên, trong khi lại khiến Tehran không hề nao núng chuyển giao trang bị vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm của họ.
Sự tích lũy uranium nhanh chóng của Iran, cùng những lời lẽ đe dọa của họ, đều đang khiến cả Mỹ và Israel lo lắng.
Hình ảnh vệ tinh của cơ sở hạt nhân Natanz. Ảnh: Reuters
Đầu tháng này, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã phát động cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong lịch sử đất nước, mang tên "Chariots of Fire". Trong cuộc tập trận, lực lượng Không quân Israel đã thực hành phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran.
Nếu Israel có ý định phát động tấn công trong tương lai thì cơ sở uranium Natanz sẽ là mục tiêu hàng đầu. Khu phức hợp này rộng khoảng 557 m² và sâu gần 23 mét dưới lòng đất, được bao phủ bởi nhiều lớp kim loại và bê-tông. Ngoài ra, nó còn được bảo vệ bởi các tên lửa phòng không. Do đó, đây sẽ là mục tiêu khó nhằn đối với Tel Aviv.
Kho máy bay chiến đấu và tên lửa
Theo 19fortyfive, các máy bay chiến đấu F-15I Ra’am, F-16I Sufa và F-35I Adir của Không quân Israel (IAF) sẽ là các phương tiện có khả năng nhắm mục tiêu vào cơ sở Natanz của Iran.
Các tiêm kích F-35 của Israel. Ảnh: SOREF
Năm 1981, IAF từng phát động cuộc tấn công mang tên "Chiến dịch Opera" để phá hủy lò phản ứng hạt nhân nằm ở phía nam Baghdad (Iraq). Một phi đội gồm 8 tiêm kích F-16A trang bị 2 quả bom Mark-84 mỗi chiếc đã thực hiện thành công nhiệm vụ này.
Ngoài lực lượng máy bay chiến đấu tầm xa, tên lửa Jericho 3 của Israel được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn ước tính từ 4.000 - 6.000km. Loại tên lửa này có thể dễ dàng tiếp cận lãnh thổ Iran nên gần như chắc chắn sẽ được đưa vào bất cứ kế hoạch hành động nào mà Tel Aviv đưa ra nhằm vào cơ sở hạt nhân Natanz.
Tên lửa Jericho có trọng tải từ 1.000 - 1.300kg và có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 750kg. Mặc dù Israel vẫn giữ bí mật về năng lực tác chiến của tên lửa này nhưng sự tồn tại của nó là mối đe dọa đáng kể đối với Iran.