Bulgarian Military: Iran đã xác nhận có thể mua S-400, Su-35 và Su-57 từ Nga?
Theo Boyko Nikolov, người sáng lập trang tin quân sự Bulgarian Military (BM), thông tin về "vấn đề (mua sắm vũ khí) này" đã được Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Moscow, ông Kazem Jalali đã "confirm" (xác nhận) trong cuộc phỏng vấn hôm 21/7:
"Tất nhiên là trong trường hợp này, chúng tôi sẽ tham vấn Nga về những loại vũ khí cần thiết để tăng cường năng lực phòng thủ. Chính phủ Nga và người dân Nga đã và đang sát cánh cùng chúng tôi trong những thời điểm khó khăn.
Nga cũng là đối tác ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Đây là cơ hội lớn, và chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực này lên một tầm cao mới".
Mặc dù thực tế là đại sứ Iran không chỉ ra các loại vũ khí dự kiến sẽ mua từ Nga, các chuyên gia tin rằng thứ đầu tiên mà Iran chọn sẽ là hệ thống phòng không và tiếp sau đó là các tiêm kích đa năng.
"Iran cần các hệ thống phòng không mạnh mẽ và đáng tin cậy. Rõ ràng sự lựa chọn duy nhất sẽ rơi vào (hệ thống phòng không) S-400 của Nga.
Đối với hàng không quân sự, Iran cũng có thể quan tâm đến việc mua các tiêm kích Su-35 và Su-57, dựa vào mối quan hệ đối tác giữa nước ta (Nga) và Iran, rõ ràng Tehran sẽ có chính sách giá đặc biệt", một nhà phân tích người Nga bình luận.
Tiêm kích tàng hình Su-57 phóng tên lửa hành trình tại Syria
Tiêm kích J-10C của Trung Quốc có "ra rìa"?
Mặc dù nhiều khả năng Iran sẽ lựa chọn Su-35 và Su-57, tuy nhiên theo một số chuyên gia, Tehran "có thể đặt lòng tin" vào các máy bay hạng nhẹ và có giá thành rẻ hơn như MiG-35 và J-10C của Trung Quốc (được coi là đối thủ chính của tiêm kích Nga,
Cả MiG-35 lẫn J-10C đều là tiêm kích thế hệ 4 và được Không quân Vũ trụ Nga (VKS) và Không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) đưa vào trang bị trong những năm gần đây.
Khi được đưa lên "bàn cân", có nhiều ưu thế nghiêng về MiG-35 hơn là J-10C như tải trọng vũ khí lớn hơn, khả năng cơ động tốt hơn và đặc biệt là radar mạnh hơn (mặc dù cả 2 loại tiêm kích đều trang bị radar hiện đại với ăng-ten lưới chủ động mảng hỗn hợp (AFAR)
Cả hai tiêm kích đều có khả năng hoạt động ở cao độ và tốc độ lớn, tuy nhiên tầm bắn của tên lửa không đối không R-37M trên MiG-35 là 400 km được cho là vượt trội so với tên lửa PL-15 của J-10C chỉ có tầm bắn không vượt quá 300 km).
Nhiều quốc gia sẵn sàng mua MiG-35 của Nga.
Nhưng lợi thế của máy bay Trung Quốc là việc áp dụng hạn chế "công nghệ tàng hình" - chính xác hơn là công nghệ làm giảm phản xạ tín hiệu radar.
Ngoài ra, quyết định lựa chọn J-10C có thể được đưa ra bởi các lý do chính trị do trước đây Nga đã nhiều lần nhượng bộ phương Tây liên quan tới việc cung cấp vũ khí cho Trung Đông.
Ngược lại, Trung Quốc không có "khuynh hướng" bị tác động từ bên ngoài, vì vậy với tư cách là nhà cung cấp vũ khí, họ được cho là đáng tin cậy hơn.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang đầu tư vào việc phát triển tên lửa không đối không - có nghĩa là trong tương lai, J-10C có thể được trang bị vũ khí tối tân bằng hoặc hơn R-37M.
Ngoài ra, việc mua đồng thời một tiêm kích hạng nhẹ của Trung Quốc và một tiêm kích hạng nặng của Nga cũng mang lại cho Iran cơ hội tận dụng lợi thế của 2 loại máy bay.
Trong lúc các lệnh trừng phạt đang "bao vây" Tehran, Bắc Kinh cũng cung cấp sự hỗ trợ bằng cách đầu tư lớn vào nền kinh tế Iran, đây cũng có thể là một yếu tố chính trong quyết định lựa chọn tiêm kích hạng nhẹ.
Cuối cùng, khi giao dịch với người Trung Quốc, Iran có cơ hội thanh toán bằng phương thức "hàng đổi hàng", ví dụ như nhận tiêm kích để đổi lấy dầu mỏ hoặc chế phẩm dầu mỏ.
Ngược lại, quy mô thương mại giữa Nga và Iran có quy mô khiêm tốn hơn nhiều và các giao dịch như trên khó có thể thực hiện.
Tiêm kích J-10C lần đầu tiên được nhìn thấy mang tên lửa PL-10 và PL-15
Ngoại trưởng Mỹ: Iran không được phép sở hữu tiêm kích Nga hoặc Trung Quốc!
Vào ngày 23/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố rằng: "Mỹ sẽ không cho phép Iran mua tiêm kích của Nga hay Trung Quốc, bất kể Liên Hiệp Quốc (LHQ) có gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran vào tháng 10/2020 hay không".
Ông Pompeo cũng nhấn mạnh tuyên bố nói trên bằng một đồ họa cho thấy bán kính hoạt động của các tiêm kích Su-30 và J-10 tương ứng là 3.000 và 1.648 km.
Nó cho thấy nếu Iran sở hữu các tiêm kích Nga, họ có thể thâm nhập Đức, Italia, Thụy Sĩ, Phần Lan và các quốc gia Đông Âu. Còn đối với tiêm kích Trung Quốc, chúng có thể tiếp cận biên giới phía tây của một số quốc gia Đông Âu.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gửi một bức thư tới Tổng thư ký LHQ Anthony Guterresch, đề cập tới tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ là "nỗ lực đẩy mạnh các ý tưởng về việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí không giới hạn đối với Iran thông qua Hội đồng Bảo an LHQ".
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cho rằng: "Không có bất kỳ lý do khách quan nào để lật lại vấn đề cấm vận vũ khí đối với Iran".
Ông Lavrov nhấn mạnh rằng việc tạm dừng bàn giao vũ khí cho Iran chỉ là tạm thời, được thực hiện để "khởi động" cho Thỏa thuận hạt nhân Iran (JPCOA) vào năm 2015 và việc áp dụng các hạn chế với hoạt động cung cấp vũ khí cho Iran sau ngày 18/10/2020 là hoàn toàn phi lý.
Tuy nhiên, ngay cả khi Moscow không quan tâm đến các hậu quả của việc nối lại thương mại vũ khí Iran đối với quan hệ Nga-Mỹ, có thể có những yếu tố khác ảnh hưởng tới nó.
Do kết quả của các biện pháp trừng phạt do Mỹ tiến hành, cùng với sự sụt giảm mạnh của giá dầu xảy ra vào đầu năm 2020, Tehran không thể mua nhiều vũ khí của Nga, đặc biệt là những thứ quá đắt tiền như S-400 và Su-57.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới "sự nhiệt tình" của Moscow trong việc bán vũ khí cho Iran có thể là tác động tiêu cực đối với mối quan hệ của Nga với Arab Saudi, một khách hàng quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Tấm bản đồ được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sử dụng để minh họa về việc Su-30SM và J-10 có thể "vươn" tới Đông Âu. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho rằng đây là "tuyên bố sai lầm" vì lập luận dựa theo tầm bay tối đa chứ không phải tầm hoạt động của tiêm kích (ô màu đỏ).