Iran thường xuyên đe dọa sẵn sàng tấn công các tài sản của Mỹ ở Trung Đông, trong đó có cả tàu sân bay hải quân. Tehran đã liên tục đe dọa các đối thủ phương Tây kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran nhưng cường độ của những tuyên bố như vậy dường như tăng lên theo cấp số nhân trong những năm gần đây.
Khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng liên quan tới Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung - JCPOA (hay còn gọi là Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015), lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã không ngừng mở rộng kho vũ khí của mình khiến cho những mối đe dọa nêu trên càng trở nên hiện hữu.
Thực tế, Iran cũng đã thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận mô phỏng hoạt động phá hủy các tài sản quân sự của Mỹ, kể cả tàu sân bay hải quân.
Chưa hết, năm 2019, Hải quân Iran đã táo bạo tấn công các tàu chở dầu ở Vịnh Oman, cho thấy họ có khả năng và sẵn sàng làm leo thang xung đột. Mặc dù khả năng phòng thủ của Mỹ vượt trội về mọi mặt nhưng kịch bản Iran có thể phá hủy thành công tàu sân bay hải quân Mỹ không phải là không thể xảy ra.
Tên lửa Kheibarshekan mới của Iran xuất hiện tại một địa điểm không được tiết lộ ngày 9 tháng 2 năm 2022. Ảnh: Reuters
IRAN THỰC SỰ CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC GÌ?
Năm 2015, IRGC đã phóng một loạt tên lửa ngay sát tàu sân bay USS Harry S. Truman (ở khoảng cách chưa đầy 1.500m) khi nó đang đi qua eo biển Hormuz. Bộ Tư lệnh Trung tâm Quân đội Mỹ (CENTCOM) cáo buộc cuộc tấn công của Iran mang động thái “khiêu khích cao” và nhằm mục đích đe dọa sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Khi đó, người phát ngôn của CENTCOM Kyle Raines đã tuyên bố: Việc Iran “bắn vũ khí quá gần tàu liên minh và trên trục đường thương mại hàng hải được quốc tế công nhận là không an toàn, không chuyên nghiệp và không phù hợp với luật hàng hải quốc tế”.
Cho dù loạt tên lửa mà Iran phóng đi khó có thể đã đánh chìm tàu sân bay Mỹ nhưng chúng hoàn toàn có khả năng gây ra thiệt hại và thương vong cho các binh sĩ trên tàu. Bất kể kết quả ra sao, sự sẵn sàng và khả năng của Iran bắn bất kỳ vũ khí nào đến gần tàu sân bay hải quân Mỹ đều được coi là hành vi leo thang.
Năm 2019, bốn tàu chở dầu đã bị tấn công ở ngoài khơi cảng Fujairah trên Vịnh Oman. Các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Hai tháng sau, một cuộc tấn công bị nghi ngờ có sự phối hợp của Tehran nhằm vào một tàu chở dầu thuộc sở hữu của Nhật Bản và một tàu thuộc sở hữu của Na Uy ở ngoài khơi bờ biển Oman đã làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là ông Mike Pompeo đã cáo buộc cuộc tấn công là do Iran gây hấn.
Những sự kiện trên có tác động to lớn bởi nhiều lý do. Vịnh Oman nối Biển Ả Rập với eo biển Hormuz - cửa ngõ vào Vịnh Ba Tư. Gần 1/5 lượng dầu tiêu thụ của thế giới đi qua eo biển này, khiến nó trở thành một tuyến đường thủy chiến lược.
Bằng các cuộc tấn công, Iran chứng tỏ họ có khả năng và có thể làm gián đoạn dòng chảy nguồn cung cấp dầu và làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù ngư lôi và tên lửa của Iran không gây ra mối đe dọa đáng kể nào đối với khả năng sống sót của các tàu sân bay Hải quân Mỹ nhưng Tehran lại đang sở hữu những vũ khí khác đầy uy lực.
Tên lửa Shahab-2 của Iran trong cuộc diễu binh quân sự
Do IRGC đã tăng cường nỗ lực mở rộng và cải tiến kho vũ khí của mình trong những năm gần đây, Iran hoàn toàn có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với các đối thủ, kể cả Mỹ.
Iran hiện đang là quốc gia sở hữu một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới và hầu hết trong số đó là các tàu ngầm mini tương đối nhỏ. Tuy nhiên, đây đều là những tàu ngầm hết sức lý tưởng, phù hợp với các hoạt động trong tuyến đường thủy nhỏ hẹp ở Eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư.
Nằm trong số các tàu ngầm lớn nhất và uy lực nhất thuộc biên chế của hạm đội hải quân Iran là 3 tàu Kilo Đề án 877 do Nga chế tạo. Tuy chạy bằng động cơ diesel và đang dần có tuổi nhưng chúng vẫn là những tàu ngầm hùng mạnh nhất của Iran hiện nay.
Lực lượng tàu ngầm Iran có trong biên chế năm 2019
Các tàu ngầm Kilo này được Iran bảo trì nội địa và có thể đã tăng cường thêm một số khả năng tác chiến nhất định. Chúng có thể mang theo ngư lôi hạng nặng và sở hữu những khả năng chống ngầm, dù có thể chỉ ở mức độ khiêm tốn.
Bên cạnh đó, Iran được cho là quốc gia có kho tên lửa đạn đạo "khủng" nhất Trung Đông. Để đối phó hiệu quả với lực lượng tên lửa hùng hậu của Iran chắc chắn là điều mà Quân đội Mỹ phải tính toán kỹ lưỡng.
Hiện nay, lực lượng tên lửa đạn đạo là một trong những thành phần quan trọng của chiến lược răn đe thế ba chân của Iran (gồm: Lực lượng tên lửa đạn đạo; Lực lượng Đặc nhiệm Quds và Vệ binh cách mạng Hồi giáo).
Trong những năm gần đây, việc duy trì chính sách với Mỹ và các quốc gia mà Iran cho là "thù địch" trong khu vực, khiến Iran tích cực chuẩn bị cho chiến tranh.
Từ kinh nghiệm của cuộc chiến tranh với Iraq, họ đã đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các loại tên lửa, nhất là tên lửa đạn đạo, đưa Iran là quốc gia sản xuất và sở hữu nhiều tên lửa đạn đạo nhất Trung Đông.