Dù ứng dụng Camera của Apple đã được đại tu trên iPhone 11, iPhone 11 Pro, và iPhone 11 Pro Max, nó vẫn chủ yếu dành cho những người dùng với thị lực tốt. Tuy nhiên, trong tương lai, ứng dụng này, và các mẫu iPhone mới, có thể được tinh chỉnh để người dùng bị suy giảm thị lực (hay mất thị lực) có thể tận dụng máy ảnh của iPhone tốt hơn.
Bằng sáng chế mang tên "Devices, Methods, and Graphical User Interfaces for Assisted Photo-Taking" (Các thiết bị, Phương thức, và Giao diện người dùng đồ họa để hỗ trợ chụp ảnh) của Apple tiết lộ hai hướng tiếp cận đối với vấn đề này.
Bằng sáng chế với hơn 30.000 từ này của Apple chủ yếu nêu chi tiết các phương thức mà iPhone – hoặc một thiết bị khác có camera – có thể nói chuyện với người dùng. Ví dụ khi họ đang xem lại ảnh, hoặc hữu dụng hơn là nó có thể giúp họ canh chỉnh camera để chụp một bức ảnh mới. Nó có thể phát hiện khi nào camera nằm chưa thẳng, hoặc khi nào nó bị di chuyển, và tạo ra phản hồi âm thanh hoặc rung khi chủ thể trong khung hình đã thay đổi.
Không chỉ mỗi camera có thể bị rung, di chuyển, và làm hỏng bức hình. Các chủ thể đang được chụp cũng có thể bị ảnh hưởng. Ví dụ, thiết bị sẽ rung hoặc phát âm thanh phản hồi khi phát hiện có người (hoặc vật thể khác…) vừa bước vào hoặc ra khỏi khung hình xem trước.
iPhone có thể rung theo nhiều cách khác nhau, và nó có thể nói to để người dùng biết chuyện gì đang diễn ra. Những tính năng mới này được phát triển để hỗ trợ nhiếp ảnh cho những người mắc nhiều chứng bệnh liên quan thị giác, bao gồm cả mất thị lực.
Theo bằng sáng chế thì iPhone còn có thể miêu tả bằng âm thanh khung hình đang chụp. Phần miêu tả này bao gồm các thông tin liên quan đến số lượng chủ thể, ví dụ "Hai người ở góc phải bên dưới màn hình", hoặc "Hai khuôn mặt gần camera".
Thông tin có thể cụ thể hơn nữa nếu muốn. Nếu như trong ứng dụng Photos, iPhone có thể phát hiện khuôn mặt từng người trong bức ảnh và bạn có thể tag tên vào đó, hay tương tự các dịch vụ như Facebook, thì ứng dụng Camera với các tính năng mới cũng vậy. Ứng dụng Camera có thể liên kết các thông tin khác của người dùng trên điện thoại, như thông tin danh bạ, hoặc những khuôn mặt đã nhận diện được trong Photos.
"Thiết bị có thể truy cập một bộ sưu tập đa phương tiện bao gồm một hoặc nhiều ảnh và/hoặc video đã được tag ai đó" – bằng sáng chế nói tiếp. "Sau đó chức năng miêu tả khung cảnh bằng âm thanh sẽ xác định các cá nhân trong khung cảnh bằng tên (nêu tên của người như đã được tag trong bộ sưu tập đa phương tiện, ví dụ như ‘Samantha và Alex đứng gần camera ở góc dưới bên phải màn hình’)".
Tuy nhiên, có một vấn đề có thể xảy ra khi một bức ảnh có quá nhiều người, hay nói chung là có quá nhiều thứ bị nhồi nhét trong khung hình. Ứng dụng Camera tương lai này của Apple có thể gán quyền ưu tiên, ví dụ như chỉ chọn ra 3 người đứng gần camera nhất làm chủ thể trong một đám đông hàng chục người.
"Thiết bị có thể cho phép người dùng tương tác với những chủ thể trên một ngưỡng nhất định" – bằng sáng chế nói tiếp – "để người dùng không bị quá tải bởi khung cảnh với quá nhiều vật thể được phát hiện".
Tuy nhiên, tính toán ưu tiên đó, hoặc đơn giản hóa những miêu tả để cung cấp cho người dùng, là một chuyện. Truyền tải thông tin đó là chuyện khác, và đó là khi các tùy chọn phản hồi bằng cả âm thanh lẫn rung trở nên quan trọng.
Ban đầu, phần mềm sẽ xác định những phần nào của bức ảnh là quan trọng, hoặc "trên ngưỡng nhất định", và đánh dấu chúng bằng thứ mà Apple gọi là một "hộp giới hạn". Nhưng sau đó thiết bị phải làm sao để báo cho người dùng biết những chiếc hộp đó đang nằm ở đâu trên màn hình.
Nếu người dùng có thị lực yếu hoặc kém, họ vẫn có thể đủ khả năng xác định được vị trí của hộp giới hạn và chạm vào nó. Khi họ chạm vào hộp, một giọng miêu tả thứ hai, đầy đủ hơn sẽ phát ra.
"Một giọng miêu tả về chủ thể cụ thể, ví dụ ‘Một người đàn ông có râu, đang cười, đứng gần camera ở rìa phải bức ảnh’, hay ‘Một người đàn ông có râu đeo kính râm và đội mũ ở góc dưới bên phải màn hình’, hoặc ‘Alex đang cười ở phần dưới bên phải màn hình’…" – bằng sáng chế nói.
Nếu như miêu tả đầu tiên nói ra tên người, thì miêu tả thứ hai này sẽ miêu tả "một hoặc nhiều đặc điểm (ví dụ như giới tính, biểu cảm khuôn mặt, đặc điểm khuôn mặt, có đeo kính , đội mũ, hay mang các phụ kiện khác hay không…) cụ thể đối với một chủ thể hay cá nhân cụ thể".
Khi người dùng không thể thấy hộp giới hạn, iPhone hoặc thiết bị khác có thể sử dụng phản hồi rung. Nó có thể phản ứng lại với động tác vuốt ngón tay dọc màn hình của người dùng, ví dụ phản ứng khi ngón tay họ vuốt qua hộp giới hạn.
Bằng sáng chế đề xuất rằng khi camera đang ở "chế độ trợ năng", những cử chỉ thông thường như chạm để lấy nét sẽ bị thay thế bởi những cử chỉ đặc biệt dành riêng cho người dùng bị chứng bệnh này.
"Ví dụ như cho phép người dùng chọn các vật thể bằng cách di chuyển ngón tay trên màn hình xem trước khi chế độ trợ năng đang kích hoạt…"
Bằng sáng chế này được ghi danh cho 4 nhà sáng chế, Christopher B. Fleizach, Darren C. Minifie, Eryn R. Wells, và Nandini Kannamangalam Sundara Raman. Fleizach còn được ghi danh trong các bằng sáng chế liên quan như "Điều khiển giọng nói để chẩn đoán việc vô tình kích hoạt các tính năng trợ năng", trong khi Minifie thì được ghi danh trong bằng sáng chế liên quan "Quét giao diện đối với người khuyết tật".
Tham khảo: AppleInsider