Thông tin liên quan đến dịch Covid-19 được quan tâm nhất mới đây đó chính là Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định các biện pháp cấp bách nhằm phòng chống lây lan virus SARS-Covi-2.
Đáng chú ý trong chỉ thị chính là khuyến cáo thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Theo khuyến cáo, mỗi người dân nên hạn chế tối đa đi ra đường trừ khi có việc thực sự cần thiết, giữ khoảng cách ít nhất 2m khi giao tiếp, ngoài ra cũng không nên không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
Đây không phải lần đầu tiên cách ly xã hội được nhắc đến. Trước đó, khuyến cáo này ở một mức độ thấp hơn đã được các cơ quan chức năng nhấn mạnh liên tục như 1 trong những biện pháp hiệu quả nhất của công tác phòng chống dịch. Dẫu vậy, vẫn còn khá nhiều người hiểu sai về cách ly xã hội, dẫn đến một số việc làm chủ quan, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho sức khoẻ bản thân và cộng đồng.
Cách ly xã hội chính là hạn chế tiếp túc, tụ tập nơi đông người. Nhiều người cho rằng nếu như vậy thì thay vì ở nhà, chúng ta vẫn có thể đến những nơi-công-cộng-mà-giờ-đây-đã-vắng-vẻ để vui chơi, "đằng nào thì ở những công viên, bãi biển đó cũng đâu còn nhiều người ghé đến, mình đến không gặp ai, chính là cách ly xã hội!".
Đó là suy nghĩ chẳng hề đúng đắn. Cách ly xã hội không chỉ là hạn chế tụ tập nơi đông người mà còn là hạn chế những nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bệnh. Không ai có thể đảm bảo rằng những nơi vui chơi mà bạn ghé đến hoàn toàn không có nguy cơ lây bệnh. Không những thế quá trình bạn di chuyển bằng các phương tiện giao thông, gặp gỡ mọi người,... cũng đã là 1 nguy cơ lan truyền virus rất lớn.
Đáng nói hơn, nếu ai cũng có tâm lý "chắc chỉ mình ta ra đường" thì ngoài đường sẽ rất đông đúc, những nơi vui chơi tưởng như vắng vẻ cũng chẳng thưa thớt gì. Minh chứng chính là khu bãi đá Sông Hồng (Hà Nội) vào cuối tuần vừa qua, giữa cao điểm dịch vẫn có hàng trăm người đến đây tụ tập, ăn uống. Sự việc này đã nhận vô số cái lắc đầu ngán ngẩm từ dư luận. Thế này thì còn gì là cách ly xã hội nữa!
Hàng trăm người bất chấp dịch Covid-19, vẫn đến bãi đá Sông Hồng tụ tập ăn uống.
Cách ly xã hội cũng chính là ra đường tối thiểu, ở nhà tối đa. Rất nhiều người đã không ra đường ăn uống, không đi picnic cắm trại, chỉ ở nhà mà thôi. Tưởng như họ đã thực hiện cách ly xã hội rất đúng cho đến khi họ... rủ bạn bè đến nhà mình để cùng vui chơi, ăn uống.
Quán ăn đóng cửa thì ăn lẩu tại gia, quán karaoke dừng hoạt động thì ở nhà cũng có dàn hát,... căn nhà trở thành nơi nghỉ ngơi, tụ họp hoàn hảo. Chỉ có điều căn nhà giờ đây cũng trở thành nguy cơ lan truyền bệnh, bạn bè từ mọi nơi đến, cùng ăn uống và giao tiếp thân mật, chẳng dám nhắc đến khả năng lỡ như 1 ai đó đã vô tình nhiễm virus...
Vậy, chúng ta phải hiểu như thế nào là cách ly xã hội?
Cách ly xã hội là nên làm việc tại nhà (nếu có thể). Môi trường công sở, doanh nghiệp cùng những cuộc họp đông người đều là nơi có thể tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh
Nấu ăn kiểu cách ly xã hội là ăn uống tại nhà cùng gia đình, không phải tụ tập đông đúc bạn bè để ăn lẩu
Cách ly xã hội là ta học cách tự giải trí bằng sách, phim ảnh hay âm nhạc. Chứ không phải những màn karaoke thân mật cùng hội chiến hữu.
Ở nhà cách ly xã hội sao quá buồn chán, thế nhưng hãy tự tìm tòi niềm vui bên gia đình. Không nên rủ rê nhau ra công viên, bãi biển hay đi lên núi để "cách ly".
Cách ly xã hội tức là bạn vẫn được phép đi lại, nhưng chỉ nên ra đường khi có việc thật sự cần thiết hoặc để mua thực phẩm, thuốc men. Từ bỏ ngay suy nghĩ lái xe riêng đi khắp nơi nhé!
Khi cách ly xã hội, chúng ta nên tập cách tự học hoặc học trực tuyến. Hãy tạm "say bye" với những buổi học nhóm cùng bạn bè.
Tập thể dục tại nhà thôi, công viên giờ đây chắc hẳn rất vắng vẻ nhưng không hề là nơi ta có thể vô tư chạy bộ, đánh cầu lông như trước.
Còn nếu nhớ bạn bè quá thì sao? Mạng xã hội hay thiết bị di động đã quá phổ biến rồi, hãy cùng chat chit hoặc video call nhé. Không nên hẹn hò nhau tụ họp, ăn uống đâu!
Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp, và trong thời gian tới đây, đất nước chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thử thách thật sự. Thông điệp mà Chính phủ, Bộ Y Tế và các cơ quan chính quyền địa phương đưa ra, đó là: Người dân nếu không có nhiệm vụ gì, nếu thực sự không cần thiết thì nên ở nhà vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng đang rất cao.
Đứng yên thời điểm này - với tất cả chúng ta, đó là ở nhà. Tôi ở nhà! Tôi thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội. Vì ở nhà lúc này là tự bảo vệ bản thân mình, bảo vệ người thân, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, và bớt đi gánh nặng trên vai Tổ quốc.
Các y bác sĩ trên toàn thế giới đang lan truyền thông điệp "Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi". Là một công dân có ý thức, đặt sự an toàn sức khoẻ lên hàng đầu, hãy cùng nhau lan toả lời kêu gọi #toionha để nhanh chóng đẩy lùi #CôVyĐiĐi các bạn nhé!