Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cảnh báo rằng nhu cầu hành khách di chuyển bằng máy bay sẽ bị suy giảm do sự bùng phát của virus Covid-19 khiến ngành hàng không mất đi 29,3 tỷ USD doanh thu trong năm nay (tương ứng với việc giảm 4,7% nhu cầu di chuyển qua đường hàng không trên toàn thế giới) lần đầu tiên sau khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2008- 2009.
Trong đó, riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dịch COVID - 19 mới sẽ gây thiệt hại doanh thu 27,8 tỷ USD (tương ứng với việc giảm 13% số lượng khách bay) trong năm nay, với gần một nửa trong số họ là các hãng hàng không Trung Quốc, IATA cho biết.
Tại Trung Quốc, thiệt hại với các hãng bay nội địa của nước này được ước tính là 12,8 tỷ USD. Trước đó, dự báo của hiệp hội với khu vực này là tương đối khả quan, với mức tăng trưởng nhu cầu bay là 4,8%; tuy nhiên sau khi dịch bùng phát, các hãng hàng không đã hủy nhiều chuyến bay tới và từ Trung Quốc Đại Lục cũng như Hồng Kong. Do đó, IATA đã tính toán lại dự báo và đưa ra mức giảm 8,2% cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2020.
Các hãng hàng không còn lại cũng được dự báo sẽ mất khoảng 1,5 tỷ USD trong năm nay, với giả định mất mát về nhu cầu bay chỉ giới hạn ở những thị trường có liên quan tới Trung Quốc.
Dự báo của IATA trước khi dịch Corona bùng phát tương đối khả quan, với việc ngành hàng không tăng trưởng 4,1%. Tuy nhiên, sau khi có dịch, dự báo này đã được điều chỉnh thành giảm 4,7% trong 2020.
Các thiệt hại của ngành hàng không được đánh giá dựa trên kịch bản COVID-19 có tác động hình chữ V tương tự như với dịch SARS, với việc sụt giảm mạnh về nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không trong vòng 6 tháng trước khi hồi phục lại nhanh chóng trong thời gian ngắn sau đó. Dịch SARS từng khiến lượng khách du lịch bằng đường hàng không chỉ tăng trưởng 0,7% trên toàn cầu, trong đó số lượng hàng khách được chuyên chở bởi các hãng hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm 5,1%.
Tác động của virus SARS trong quá khứ đối với ngành hàng không.
Với tình hình dịch bệnh như vậy, nhiều hãng hàng không đã phải cắt giảm công suất cũng như nhiều chuyến bay tới Trung Quốc. Điểm sáng cho các hãng hàng không toàn cầu là giá nguyên liệu giảm khi giá hai loại dầu chính là WTI và Brent đều giảm so với đầu năm, do nhu cầu của quý 1/ 2020 được IAEA (Hiệp hội năng lượng Quốc tế) dự báo sẽ giảm khoảng trên 430.000 thùng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này sẽ hỗ trợ một phần cho các hãng hàng không trong việc cắt giảm chi phí cũng như thua lỗ do virus này gây ra trong năm nay.
| |
Giá dầu Brent (bên trái) và WTI (bên phải) đều giảm mạnh so với đầu năm, thời điểm bắt đầu bùng phát dịch (Nguồn: TradingEconomics) |
Tại Việt Nam, dịch COVID – 19 cũng gây ra nhiều khó khăn cho các hãng hàng không trong nước khi một số hãng hàng không đang phải tạm ngừng khai thác các chuyến bay tới Trung Quốc, quốc gia chiếm tới trên 25% sản lượng vận chuyển quốc tế của nước ta với hơn 90 đường bay thường lệ và thuê chuyến tới 54 điểm tại Trung Quốc.
Sau khi Cục Hàng không ra thông báo hủy toàn bộ phép bay đã cấp và tạm dừng cấp phép các chuyến bay mới tới Trung Quốc đại lục, các hãng bay tại Việt Nam đã phải tạm dừng khai thác nhiều đường bay để phục vụ công tác phòng dịch. Tổng thiệt hại cho việc dừng các chuyến bay tới Trung Quốc ước tính lên đến 10.000 tỷ đồng, theo dự tính của Tổng Cục hàng không Việt Nam.