Huyền Baby đắp vàng lên mặt để ngừa lão hóa

Lâm | 07-03-2024 - 14:00 PM

Xu hướng vàng đang "phủ sóng" sang cả lĩnh vực chăm sóc da.

Vàng là một kim loại quý và đắt tiền. Trong khoảng thời gian từ nửa cuối năm 2023 cho đến tận hiện tại, vàng vẫn đang là cơn sốt được nhiều người quan tâm. Bên cạnh việc mua vàng để đầu tư và tiết kiệm, hay sắm trang sức vàng nhằm khẳng định phong cách, vàng còn được tận dụng như một phương pháp chăm sóc sắc đẹp.

Đắp mặt nạ vàng như Huyền Baby có gì tốt? - Ảnh 1.

Huyền Baby đắp mặt nạ vàng để chăm sóc sắc đẹp

Vàng xuất hiện trong nhiều sản phẩm từ serum, dầu dưỡng cho đến mặt nạ… Ngoài ra, dịch vụ đắp mặt nạ vàng cũng được cung cấp tại một số cơ sở làm đẹp. Sự góp mặt của vàng trong lĩnh vực chăm sóc da chắc hẳn sẽ khiến nhiều chị em tò mò về công dụng của kim loại quý này. Hãy cùng tìm hiểu những lợi ích, cách ứng dụng và lưu ý khi sử dụng vàng trong chăm sóc da.

Vàng đem đến lợi ích gì cho làn da?

Vàng là một nguyên tố hóa học và kim loại quý thường xuất hiện trong các sản phẩm skincare dưới 2 dạng: vàng keo và bột vàng 24k nguyên chất.

Mặc dù số lượng các nghiên cứu lâm sàng về ứng dụng của vàng trong chăm sóc da còn khá hạn chế nhưng vẫn có những dữ liệu hứa hẹn về lợi ích của vàng đối với làn da. Và đây là những công dụng đáng chú ý của vàng trong quy trình skincare.

- Tăng cường công dụng của các thành phần skincare khác: Bác sĩ Loretta Ciraldo tại Florida, Hoa Kỳ nhấn mạnh đến tiềm năng của vàng là giúp hiệu quả của các thành phần chăm sóc da được phát huy mạnh mẽ hơn: "Vàng có thể đóng vai trò là chất vận chuyển, giúp các thành phần hoạt tính thẩm thấu hiệu quả".

- Chống lão hóa và bảo vệ da: Theo một nghiên cứu được đăng tải vào năm 2018 trên website của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, việc sử dụng vàng nano trong làm đẹp có thể cải thiện "độ săn chắc và đàn hồi của làn da", đồng thời trì hoãn "quá trình lão hóa". Bác sĩ Ife J. Rodney tại Maryland, Hoa Kỳ bổ sung thêm rằng vàng có khả năng "hỗ trợ bảo vệ làn da khỏi ô nhiễm môi trường và những tổn thương kinh niên do ánh nắng mặt trời".

- Chữa lành tổn thương: Theo một nghiên cứu được đăng tải vào năm 2021 bởi Molecules - tạp chí thẩm định trong lĩnh vực hóa học thì vàng nano có thể "đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương" thông qua một số cơ chế, chẳng hạn như hoạt động chống oxy hóa. Ngoài ra, một nghiên cứu khác vào năm 2018 trên website của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng vàng nano giúp tăng cường lưu thông máu, có tính sát trùng.

Như vậy, vàng không phải là một thành phần "vô thưởng vô phạt", mà nó mang đến một số công dụng đáng chú ý như giảm kích ứng, làm mờ nếp nhăn từ nông đến sâu và bảo vệ làn da khỏi các gốc tự do - nguyên nhân gây lão hóa.

Tác dụng phụ của vàng

Trong khi vàng là thành phần đáng hứa hẹn với một số bác sĩ da liễu, vẫn có người ngập ngừng trong việc gọi kim loại quý này là "anh hùng" chăm sóc da. Lý do là bởi, các nghiên cứu và dữ liệu về việc sử dụng vàng trong skincare vẫn còn rất hạn chế. "Không có hướng dẫn của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) liên quan đến vàng trong chăm sóc da. Cũng không có chỉ định được FDA chấp thuận về sử dụng vàng trong da liễu", theo bác sĩ Debra Jaliman tại Manhattan, Hoa Kỳ. "Ấn tượng của tôi là việc sử dụng vàng trong chăm sóc da có chút cường điệu", bác sĩ Debra Jaliman chia sẻ thêm.

Giống như nhiều thành phần chăm sóc da khác, vàng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây kích ứng đối với một số loại da. Nếu biết hoặc nghi ngờ bản thân dị ứng với vàng do tình trạng mẩn ngứa da khi đeo trang sức được chế tác từ kim loại quý này, bạn có thể bỏ qua xu hướng dùng vàng để skincare. Ngoài ra, dù vàng là chất chống oxy hóa, có khả năng xoa dịu da nhưng nếu dùng quá nhiều cũng có thể gây tác dụng không mong muốn. "Việc sử dụng quá nhiều một thành phần tốt cũng có thể dẫn đến vấn đề, chẳng hạn như quá tải sản phẩm. Lúc này, sản phẩm ở trên bề mặt da nhưng không mang đến hiệu quả, trái lại còn gây tắc nghẽn lỗ chân lông".

Đắp mặt nạ vàng như Huyền Baby có gì tốt? - Ảnh 2.

Hãy chắc chắn là bạn thử sản phẩm mới trên một vùng da nhỏ, theo dõi trong vài ngày và quan sát xem liệu có dấu hiệu kích ứng hay không. Bác sĩ Loretta Ciraldo lưu ý rằng sự kiên nhẫn chính là "chìa khóa" sau khi thử sản phẩm, bởi các dấu hiệu kích ứng như viêm da tiếp xúc có thể mất đến 72 giờ mới xuất hiện.

Bác sĩ cũng khuyên là chị em không nên dùng cùng lúc cả retinol và thành phần vàng trong quy trình skincare. Thay vào đó, bác sĩ Ife J. Rodney gợi ý chị em có thể dùng cách ngày hai thành phần này vào buổi tối để tránh kích ứng. Bên cạnh retinol, AHA cũng là thành phần không nên bôi chồng với sản phẩm chứa vàng. "Bản thân AHA và retinol đã tiềm ẩn nguy cơ gây kích ứng", bác sĩ Loretta Ciraldo cho biết. "Tôi không muốn thoa sản phẩm chứa vàng cùng với những thành phần mà chúng ta vốn biết dễ khiến da kích ứng".

Làm thế nào để dùng vàng trong chăm sóc da?

Vì vàng đang phủ sóng thế giới làm đẹp, bạn có thể tìm thấy thành phần này trong các loại mặt nạ, serum, kem mắt… Theo đó, tần suất sử dụng vàng trong chăm sóc da sẽ khác biệt theo từng sản phẩm.

Bác sĩ Ife J. Rodney nhấn mạnh thêm một lần nữa đó là cách sử dụng thành phần vàng để skincare sẽ "tùy thuộc vào từng sản phẩm chứa nó". Ví dụ, khi bổ sung một lọ serum chứa vàng, bạn có thể sử dụng nó hàng ngày nếu được nhà sản xuất khuyên khích. Nếu bạn đang thử nghiệm sản phẩm, bác sĩ Ife J. Rodney khuyên bạn nên dùng với tần suất 2 - 3 lần/tuần.

*Gợi ý các sản phẩm chăm sóc da chứa vàng:

Đắp mặt nạ vàng như Huyền Baby có gì tốt? - Ảnh 3.

Peter Thomas Roth 24K Gold Mask Pure Luxury Lift & Firm

Nơi mua: Peter Thomas Roth

Giá: 2.099k

Đắp mặt nạ vàng như Huyền Baby có gì tốt? - Ảnh 5.

Physicians Formula 24-Karat Gold Collagen Serum

Nơi mua: Physicians Formula

Giá: 419k

Đắp mặt nạ vàng như Huyền Baby có gì tốt? - Ảnh 7.

Chantecaille Gold Recovery Mask

Nơi mua: Chantecaille

Giá: 7.408k

Đắp mặt nạ vàng như Huyền Baby có gì tốt? - Ảnh 9.

ZPM 24K Advanced Gold Serum

Nơi mua: ZPM

Giá: 639k

Nguồn và ảnh: Byrdie, Daily Mail