Uống nước lá tía tô có thể đem lại những công dụng tuyệt vời thế nào?
Trong phim "Hướng dương ngược nắng", vai Minh (Lương Thu Trang thủ vai) là một cô gái cá tính, sinh ra từ miền sơn cước, rất giỏi về dược liệu. Chính vì thế, Minh không ngừng áp dụng những mẹo dân gian đơn giản, dễ làm lại hiệu quả cho những người xung quanh. Trong đó, nước lá tía tô là thức uống được cô sử dụng rất nhiều lần.
Ví dụ như trong tập 23, khi Châu ra về, Minh tặng cô chai nước lá tía tô vì thấy Châu (Hồng Diễm) thích uống. Về nhà, Châu đem chai nước lên phòng Ngọc (Quỳnh kool) để hỏi han em gái. Ngọc thấy chai nước liền uống 1 cốc và tấm tắc khen ngon.
Hay như trong tập 24, Kiên (Hồng Đăng) kể cho Hoàng (Việt Anh) nghe về lần anh bị trượt chân ngã ở núi và được Minh cứu giúp. Cô đắp cho anh thuốc lá cây rừng vào vết thương rồi cho anh uống nước tía tô. Sau đó chính Minh cùng một người dân đưa Kiên tới trạm y tế. Chính món nước lá tía tô giúp Kiên giải rượu hiệu quả, cứu nguy cho anh kịp thời.
Từ những tình huống thực tế ấy, nhiều người băn khoăn, không biết nước lá tía tô có công dụng tuyệt vời thế nào mà từ người bệnh đến người khỏe mạnh bình thường cũng có thể sử dụng?
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), nói riêng về nước lá tía tô, chuyên gia cho biết, món đồ uống này cực tốt cho chị em phụ nữ vì có công dụng làm trắng da, ngăn ngừa lão hóa.
Kinh nghiệm dân gian cũng cho thấy, sử dụng lá tía tô đun nước xông hơi da mặt hoặc đắp lá tía tô trị nám cũng phát huy công dụng rất tốt. Chưa kể, đây là loại đồ uống giúp hỗ trợ giảm cân hiệu quả nên không thể không khiến nhiều chị em trong "Hướng dương ngược nắng" mê mẩn. Với trường hợp bị say rượu mà uống nước lá tía tô cũng giúp giải rượu hiệu quả là kinh nghiệm có thực trong dân gian nên được nhân vật Minh áp dụng cũng không có gì là khó hiểu.
Ngoài làm nước uống như trà, lá tía tô có thể làm thuốc chữa bệnh
Theo lương y Bùi Hồng Minh, trong Đông y, tía tô có tính ấm, vị cay, không độc. Lương y ghi nhận, lá tía tô là rau thơm gia vị rất phổ biến đồng thời là vị thuốc rất hay dùng, để trừ cảm mạo. Hạt làm trà uống và dùng làm thuốc...
Y học hiện đại cũng công nhận, tía tô có giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin A, C, giàu hàm lượng Ca, Fe và P. Chúng không chỉ giúp món ăn của bạn thêm màu sắc, mùi vị, giúp bạn ngon miệng hơn mà còn có tính năng chữa bệnh cực tốt. Không chỉ vào những ngày mùa đông lạnh lẽo, ngay cả những tháng ngày nóng nực, loại rau gia vị này vẫn nên có sẵn trong nhà để chữa các chứng bệnh ho, sốt, viêm họng...
Chỉ cần bỏ một chút thời gian, công sức, bạn sẽ không tốn một xu mua thuốc mà vẫn có thể chấm dứt ốm sốt hoàn toàn. Đặc biệt, công dụng chữa bệnh của lá tía tô không chỉ phát huy trên người lớn mà ngay cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng có thể áp dụng các bài thuốc đơn giản, an toàn nhưng hiệu quả cao.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ lá tía tô cực dễ áp dụng lại siêu hiệu quả được chuyên gia "bật mí" như sau:
- Chữa cảm lạnh: Một nắm lá tía tô nấu với nước uống hoặc dùng lá tía tô với kinh giới, hương nhu, lá xả, lá tre nấu với nước để xông.
- Toát mồ hôi, giúp nhẹ người, đỡ mệt mỏi: Nấu cháo gạo tẻ cho ra bát, trộn lá tía tô non thái chỉ. Ăn nóng, để mồ hôi toát ra. Đây cũng là cách chữa cảm mạo, cảm lạnh cực hiệu quả và rất phổ biến.
- Ngộ độc thức ăn: Đau bụng đi ngoài, nôn mửa do ăn các loại thức ăn như cua cá: Sử dụng lá tía tô đủ dùng, giã lấy nước cốt để uống. Đối với người xuất hiện ngứa nổi mẩn (dị ứng) thì lấy bã đã sắc hoặc lá tươi xoa xát.
- Viêm họng, răng, miệng: Dùng lá tía tô sắc nước súc miệng, ngậm và uống.
- Chữa đau bụng, đầy chướng: Giã lá tía tô lấy một bát nước, hòa một chút muối cho uống một lần.
- Chữa các chứng chảy máu do ho, nôn, tiêu chảy: Lấy nhiều lá tía tô cho vào nồi đun gạn bỏ bã, cô đặc thành cao.
- Chữa ngứa da, mề đay, mẩn ngứa vào mùa lạnh, làm đẹp da, giúp da mịn sáng hơn: Dùng lá tía tô giã lá, lọc lấy nước để tắm hoặc lau chỗ ngứa.