Năm 2011, Trần Việt Hùng khởi nghiệp trên đất Mỹ. Thời điểm ấy, Hùng và một người bạn Mỹ gốc Việt còn đang là các sinh viên nghiên cứu sinh và đơn giản chỉ làm một sàn online cho gia sư sau khi thực hiện thành công hơn 400 giao dịch một cách hoàn toàn thủ công - kết nối nhu cầu học thêm thời 4.0. Cho đến nay, startup đó đã phát triển thành một công ty có trụ sở chính tại Silicon Valley (Mỹ) và chi nhánh tại Việt Nam, Hàn Quốc, và Ấn Độ.
Sau 10 năm vận hành, đổi tên từ Tutor Universe sang Got It, startup do Hùng Trần sáng lập đã huy động được hơn 25 triệu vốn từ các quỹ đầu tư nổi tiếng, đồng thời mời được Peter Relan – người được mệnh danh là "Bố già Sillicon Valley" về làm CEO.
Got It mà Hùng Trần là founder đang có triển vọng trở thành một kỳ lân mới sau khi vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, và đạt được những thành tựu quan trọng với Conversational AI – một sản phẩm về trí tuệ nhân tạo cho phép hội thoại với cơ sở dữ liệu. Một trong những ứng dụng của nó là có thể thay thế hoàn toàn con người trong nhiều hoạt động hỗ trợ khách hàng.
Người ta hay nhìn thấy Hùng Trần của Got It với những câu chuyện về sản phẩm công nghệ có tầm ảnh hưởng thế giới với phần lớn câu chuyện bắt đầu từ khi sang Mỹ du học. Còn trước đó thì sao?
Cái thời đi học ở quê, mình không có nhiều nhìn nhận về tương lai, vì không ai định hướng cho mình cả. Thực ra thầy cô, bố mẹ, thậm chí là các anh chị đi trước cũng chỉ nói là lên Hà Nội để thi đại học. Hết! Gần như là vừa đi vừa dò đường, không hề có định hướng hay tầm nhìn dài hạn nào, cũng chẳng có ước mơ gì.
Rồi lên đại học thì bắt đầu được đi thực tập từ năm thứ 3 ở Công ty VASC (một công ty CNTT nổi tiếng lúc đó). Lúc ấy, mình được tiếp xúc thường xuyên với Internet và nhiều thứ nữa. So với những bạn khác thì mình cũng "tân tiến" hơn một chút rồi.
Nhưng cuộc sống sinh viên hồi ấy cũng khổ mà, hầu hết đi xe đạp, cuối tháng là hết tiền và chỉ nghĩ đến việc làm sao vượt qua cái tình cảnh này. Vậy nên khi tốt nghiệp đại học xong, mình cũng chỉ nghĩ đơn giản là đi làm để kiếm tiền thôi.
Đến lúc ra trường, mình làm ở Vietkey – một nhóm phần mềm có tiếng tăm ngày đó. Ban đầu mình hào hứng lắm vì được thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác và gần cuối tháng không còn lo hết tiền nữa. Nhưng sau một thời gian, khi mọi thứ chẳng có gì thay đổi, nhiều khi mình phải tự hỏi: "Nếu mình cứ như thế này mãi thì sẽ thế nào?".
Rồi mình nghĩ, nếu làm ở Việt Nam thì sẽ chỉ có như thế này thôi, còn không thì làm cho công ty nước ngoài hoặc là đi nước ngoài. Nhưng nghĩ đến đi nước ngoài thì thấy hành trang của mình chẳng có cái gì cả.
Vì sao lại "chẳng có cái gì cả"?
Thực tế, tốt nghiệp đại học ra, mình đi làm, có một chút kinh nghiệm thôi, nhưng tiếng Anh lúc đó thì cũng vớ vẩn (cười). Nhìn vào cơ hội đi nước ngoài là không hề dễ nên mình phải chuẩn bị. Sau đó mình xin nghỉ việc, dành thời gian học tiếng Anh, thi các kỳ thi chuẩn như TOEFL, GRE…; rồi nộp đơn và cũng phải đến năm thứ hai thì mới đi Mỹ được.
Thời gian học ở Mỹ đã ảnh hưởng như thế nào đến tư duy và các quyết định sau này của anh?
Khi mới sang, mình vẫn còn tính "trẻ trâu", kiểu của mấy bạn sinh viên Việt Nam được học bổng, điểm ngoại ngữ rất cao, nên cứ nghĩ mình ngon. Húng lắm! Nhưng điểm ngoại ngữ cao chỉ là trong kỳ thi thôi.
Sang bên đấy, ngay lập tức mình được đưa vào môi trường ở hệ sau đại học: đọc, viết, nghe giảng và thậm chí còn phải thảo luận bằng tiếng Anh nữa. Những điều này làm cho mình cảm thấy cực kỳ sợ và bất lực. Bởi khi bước vào giảng đường, mình tham gia nhóm nghiên cứu và phải thảo luận rất nhiều nhưng lại không nghe, không hiểu, không nói được.
Bạn cứ thử nghĩ cảm giác của mình khi "vừa bị câm, vừa bị điếc" thì sẽ thế nào.
Trong những lúc khó khăn và phải vật lộn như vậy, mình lại gặp được những người dành thời gian giúp mình, chẳng vì cái gì cả. Vì lúc đó giúp mình thì họ được gì đâu. Họ còn chẳng biết mình là ai nhưng vẫn giúp rất tận tình và chân thành.
Thậm chí, lúc đầu mình còn chẳng tin người ta lại tốt và cực kỳ thành thật như vậy. Đó còn là những người giỏi nhưng rất nhẹ nhàng, khiêm tốn…
Chính thời gian học ở Mỹ đã đem lại cho mình bước ngoặt về tư duy và mình có được ngày hôm nay là nhờ nhiều người đã giúp đỡ mình vô điều kiện từ những ngày "vừa câm, vừa điếc" đó.
Anh có nhớ ai nhất trong số những người từng giúp mình khi còn học ở Mỹ?
Thời gian đầu mình may mắn được giới thiệu với một người bạn của sếp cũ, là người Mỹ và rất nổi tiếng. Khi gặp mình, ông ấy biết ngay là mình không hiểu, không nghe được. Sau đó, ông ấy dành rất nhiều thời gian chỉ cho mình từng cái một, ví dụ như việc giải thích về mặt văn hóa, ở tình huống thế này thì cư xử ra sao là phù hợp.
Rồi cuối tuần ông ấy còn đưa mình đến những khu vực mà người châu Á thường ít tới, để giúp trải nghiệm về môi trường, cách suy nghĩ khác, thấy hệ thống giá trị khác, cách mọi người đối xử với nhau cũng khác.
Cũng vì được gặp những người như ông ấy, mình đã có một bước ngoặt trong suy nghĩ bởi thấy cơ hội học được những điều rất mới và cố gắng học càng nhiều càng tốt trong thời gian ở trường. Đó thực sự là một bước ngoặt trong cuộc đời của mình.
Kể từ khi bắt đầu học kỳ thứ 2, mặc dù học chuyên môn chính là computer science nhưng khi sang trường business school, người ta có leadership academy dạy rất nhiều môn hay và miễn phí nên mình đăng ký học nhiều lớp. Ví dụ như họ dạy mình các kỹ năng mềm từ viết lách, trình bày, thậm chí ăn mặc sao cho phù hợp, rồi cả các môn về kế toán, nhân sự… Lúc đấy mình cũng không nghĩ là sẽ lập công ty gì đâu, chỉ thấy có cơ hội thì cứ học thôi
Còn về mặt tâm lý, mình cảm thấy cực kỳ thú vị, và sung sướng vì được học nhiều thứ rất mới mà với thầy xịn nhất luôn. Cũng kể từ đó, mình kết bạn với nhiều người Mỹ, các nước khác và cảm thấy thoải mái ở một môi trường đa văn hoá, không còn kiểu rụt rè. Những thứ đó giúp mình có thêm nhiều kiến thức mới và cả góc nhìn khác nữa.
Có vẻ như quá trình học Tiến sĩ ở Mỹ của anh rất thuận lợi và sau đó là khởi nghiệp?
Khởi nghiệp là từ năm thứ 4 nhưng việc học hành ở Mỹ cũng có lúc không suôn sẻ lắm.
Lúc đầu mình định sang Mỹ làm tiến sĩ về an ninh mạng, vì nghĩ ngành đấy "cool ngầu" như kiểu hacker ấy, và đó cũng là ngành quan trọng nữa. Nhưng mà học 2 năm thì một ngày bỗng dưng bà giáo sư hướng dẫn của mình bỏ việc. Thế là mình bơ vơ.
Lúc ấy, mình có 2 lựa chọn. Một là học cho đủ tín chỉ để lấy bằng Thạc sĩ rồi về Việt Nam. Hai là chọn giáo sư khác và làm lại từ đầu.
Mình cực kỳ hoảng loạn, vì vừa mới đưa vợ con sang. Lúc ấy, mình đã học gần đủ tín chỉ rồi, nếu một học kỳ nữa thôi là tốt nghiệp và có bằng thạc sĩ. Thế nhưng mình chưa hề chuẩn bị cho việc tốt nghiệp sớm như thế. Vợ con vừa sang chẳng lẽ lại quay về Việt Nam?
Nên mình quyết tâm phải "chiến lại", và tìm giáo sư khác. Mình nói chuyện với nhiều người và cuối cùng cũng tìm được một giáo sư có chuyên ngành nghiên cứu mình thích thú: AI (trí tuệ nhân tạo) và Data Mining. Ngày ấy chả mấy người quan tâm đến ngành này nhưng nó lại trở thành may mắn của mình (cười).
Chuyển sang một chuyên ngành rất mới sau khi đã học 2 năm ở chuyên ngành khác, làm thế nào để anh theo kịp và có công trình nghiên cứu để tốt nghiệp Tiến sĩ?
Đúng là rất thách thức vì mình không có nhiều kiến thức nền tảng về ngành này, trong khi yêu cầu phải đủ kiến thức để nghiên cứu được. Ngày xưa học ở ĐH Bách Khoa cũng chỉ biết được tí, có nhiều đâu. Đến năm thứ 3, mình quyết tâm phải học được đủ kiến thức cơ bản để có thể tiếp tục được. Cả năm đó, mỗi ngày mình chỉ ngủ 3 tiếng.
Hết năm thứ 3 thì mọi thứ bắt đầu có kết quả tốt hơn, vì mình vừa bổ sung được kiến thức nền vừa tìm ra được một mảng mới cho nghiên cứu. Không những thế, mình còn xây dựng được một hệ thống từ thu thập dữ liệu cho tới các cách tiếp cận cho giải thuật mà sau này một số sinh viên khoá sau vẫn tiếp tục dựa vào hệ thống đó để tốt nghiệp được.
Sau khi xuất bản được một số nghiên cứu và thấy "êm" rồi, mình cũng nghĩ là chắc mình không hợp làm giáo sư, nên chuẩn bị ôn luyện để vào làm việc ở mấy công ty lớn như Google, Facebook… Mình xác định là không đi theo ngạch học thuật nên cố gắng làm cho đủ chứ không thì hệ thống đó cũng có thể cho ra được nhiều hơn các kết quả có thể công bố được.
Vậy cơ hội khởi nghiệp với Tutor Universe được tạo ra như thế nào?
Có một sự kiện đến một cách khá tình cờ. Thời đi học bên đó mình hay đi làm gia sư và rất hợp, lại kiếm được nhiều tiền hơn là làm thư viện hay các việc khác ở trong trường nhiều lần. Thường các việc khác chỉ được 8-10 USD/giờ trong khi gia sư là 50 USD/giờ.
Đến kỳ thi thì sinh viên đổ dồn đến học, mình cũng không có thời gian để nhận kèm tất cả vì cũng bận thi nữa. Thế nhưng, mình cũng không muốn mất học sinh, bởi nếu họ tự tìm được gia sư khác là mất mối.
Thế là mình tìm mấy người bạn ở các trường khác nhờ giúp, dạy qua Skype, rồi trả tiền qua Paypal. Lúc đó, mình chỉ giúp kết nối thôi chứ không thu phí, miễn là giữ mối hộ mình, đừng để họ đi học người khác.
Sau khi kết nối tới 400 buổi học như vậy thì mình phát hiện ra một nhu cầu khác với cách làm gia sư truyền thống diễn ra cả trăm năm nay rồi: đó là hẹn nhau ở thư viện, quán cà phê, giảng đường… rồi trả tiền mặt. Nhưng nhờ có công nghệ, mình không cần gặp trực tiếp nữa, mà có thể học qua mạng và gặp nhau bất cứ lúc nào.
Lúc đó, mình nghĩ là với dữ liệu của hàng trăm buổi học như vậy, sao không xây một cái sàn giao dịch như kiểu "eBay cho gia sư": ai giỏi môn nào, có xác thực được email của trường đại học, đăng profile lên để sinh viên nhìn thấy và đặt lịch thôi. Nguyên tắc ban đầu của Tutor Universe đơn giản như vậy nhưng nó hoạt động tốt.
Khi xây dựng "eBay cho gia sư", làm thế nào để anh giải quyết vấn đề về uy tín, cũng như tranh chấp nếu người học khiếu nại?
Đầu tiên mình phải tìm cách xác minh người dạy và profile đầy đủ. Nếu là sinh viên cần có email của trường đại học. Tiếp theo là sau mỗi buổi học diễn ra, mình giữ lại khoản phí trong 72 tiếng, không trả ngay cho gia sư. Mục đích là trong 72 tiếng đó, sinh viên có thể kiện nếu gặp gia sư "lởm". Nếu khiếu nại đúng thì mình trả lại tiền cho sinh viên.
Cuối cùng là Tutor Universe có hệ thống đánh giá, chấm điểm. Ai mà dạy không tốt bị rating, review, comment xấu thì sẽ rất khó có học viên mới bởi mỗi người chỉ có một tài khoản theo email định danh thôi. Đó là cách mình đảm bảo tốt nhất có thể về gia sư trên hệ thống. Thực tế, Tutor Universe tuân theo tất cả nguyên tắc của một sàn giao dịch 2 chiều và có thu phí.
Thời gian đầu Tutor Universe hoạt động ra sao?
Lúc đầu, nó hoạt động rất ngon. Từ chỗ chưa bao giờ nghĩ là sẽ thành lập công ty hay trở thành doanh nhân hoặc làm startup thì mình có một sản phẩm rất thành công.
Tutor Universe cũng được trường hỗ trợ rất nhiều bởi trong lịch sử ngành Khoa học Máy tính của Đại học Iowa mới có startup này là công ty công nghệ thứ 2 phát triển một cách kỳ diệu thôi. Trường hỗ trợ nhiều lắm: cần văn phòng cho văn phòng, cần máy tính cho máy tính, nhiều khi bọn mình cần thực tập sinh nhà trường cũng trả tiền cho thực tập sinh đến công ty làm việc…
Đội ngũ của Tutor Universe rất nổi ở trường. Hồi năm 2012, bọn mình đem sản phẩm tham dự các cuộc thi ở trường thì cứ thi đâu là thắng giải ở đó, tổng giải thưởng của cả năm lên tới 60.000 USD. Năm sau, người ta mời mình làm giám khảo để… khỏi phải thi nữa.
Thậm chí, cả chính quyền tiểu bang Iowa cũng cho 150.000 USD để tiếp tục phát triển Tutor Universe vì thấy bọn mình làm tốt, tạo ra công ăn việc làm trong bang. Lúc đấy, bọn mình còn gọi được cả vốn nữa. Tất cả mọi thứ cứ như là trong mơ vậy.
Vì sao đang hoạt động "như mơ" tại bang Iowa mà anh lại quyết định chuyển sang Silicon Valley?
Mọi thứ đang hoạt động rất tốt, nhưng muốn phát triển thêm thì rất khó. Khi đó, có những quỹ đầu tư mạo hiểm tiếp cận và muốn đầu tư nhưng họ không nhìn thấy tương lai lớn mạnh hơn nếu cứ phát triển Tutor Universe ở Iowa. Thực tế, có tiền cũng không thuê thêm được người giỏi nữa vì khu vực ấy có bao nhiêu kỹ sư phần mềm giỏi thì bọn mình đều biết hết rồi.
Mùa hè năm 2013 thì cơ hội đến sau khi mình thất bại trong rất nhiều lần phỏng vấn với nhà đầu tư từ Chicago, Austin, Seatle, San Francisco… Khi phỏng vấn với Peter Relan (người được mệnh danh là "Bố già Silicon Valley") thì ông ý nhận lời ngay. Đến tháng 9/2013 thì bọn mình chuyển sang Silicon Valley. Sau này, Peter Relan làm CEO của Got It và trở thành một đồng sáng lập mới.
Như vậy là chuyển sang Silicon Valley cũng gắn liền với việc chuyển Tutor Universe thành Got It?
Khi chuyển sang Silicon Valley, bọn mình đánh giá lại sản phẩm thì thấy mọi thứ hoạt động vẫn rất tốt. Tuy nhiên, nếu cứ làm như vậy thì Tutor Universe sẽ chỉ là một công ty vừa thôi, khó thành một công ty tăng trưởng nhanh và siêu lớn được.
Ngồi nhìn lại thì thấy đối tượng người dùng của Tutor Universe vẫn rất tiềm năng, nhưng mình phải thay đổi sản phẩm vì làm trên web cực kỳ bất tiện, không hợp thời đại.
Lúc đó là thời đại của smartphone rồi, tỷ lệ người trẻ dùng smartphone rất cao và di chuyển rất nhiều. Bây giờ phải tạo ra sản phẩm giúp người dùng smartphone có được sự giúp đỡ họ cần nhưng phải nhanh gọn, chứ không phải ngồi trước màn hình máy tính học với gia sư như trước.
Lúc đấy, khi phân tích lại nhiều buổi học thì mình thấy thực tế là sinh viên chỉ cần trả lời một câu hỏi thôi nhưng vẫn phải book gia sư nguyên một buổi học để giải đáp. Khi đi khảo sát lại sinh viên thì nhu cầu cũng đúng như vậy. Đó là tiền đề đầu tiên để mình chuyển đổi Tutor Universe thành Got It, giúp sản phẩm bắt được xu hướng của thời đại smartphone và cũng mở ra một thị trường lớn hơn. Thế nhưng khi làm ra sản phẩm đầu tiên thì nó không ổn.
Sản phẩm đầu tiên làm giống như kiểu Quora (một nền tảng về hỏi đáp trực tuyến theo yêu cầu), mọi người dùng mobile app (Got It) gửi câu hỏi lên, sau đó gia sư vào trả lời câu hỏi đó. Nhưng khi ấy không ai dùng cả. Lúc đó mình cực kỳ stress, có lúc lâm vào trạng thái tuyệt vọng luôn.
Đang phát triển "như trong mơ" với Tutor Universe, tại sao đổi thành Got It mà đã tuyệt vọng ở Silicon Valley chỉ trong một thời gian ngắn như vậy được?
Sau khi khi bọn mình chuyển sang Silicon Valley thì tiểu bang Iowa đòi lại số tiền 150.000 đã cho trước đó (cười). Khi chuyển sang một nơi mới, đồng thời cũng chuyển đổi sản phẩm thì tất nhiên không thuận lợi như ở Iowa.
Còn các nhà đầu tư ở Silicon Valley cam kết đầu tư 120.000 USD trong vòng 9 tháng; cứ mỗi 3 tháng sẽ rót 40.000 USD nhưng phải đạt được milestone (kết quả) cam kết thì người ta mới rót tiền tiếp. Còn nếu mình không đạt milestone thì lúc đấy tiền cũ đã tiêu hết, tiền mới người ta không đầu tư nữa là mình "về mo" (sập startup). Vì thế, mình cực kỳ stress vì tiền sắp hết rồi mà sản phẩm thì không chạy.
Khi ấy mình phải thương lượng mãi, xin thêm 3 tháng để sửa sản phẩm.
Trong 3 tháng, làm thế nào để Got It thoát khỏi "vũng lầy" tuyệt vọng đó?
Khi nhà đầu tư đồng ý thì mình đóng cửa văn phòng, không làm sản phẩm nữa, tất tần tật từ quân đến tướng đều đi ra đường gặp học sinh, sinh viên, tìm hiểu tại sao họ không dùng sản phẩm của mình, cái gì họ thực sự cần và không cần... Cứ tầm 3h thì hội học sinh cấp 3 ở vùng Menlo Park học xong và hay mua đồ uống ở Starbucks, bọn mình cầm phiếu quà tặng đi phát và ngồi nói chuyện với học sinh.
Sau 3 tháng liền, cuối cùng bọn mình cũng hiểu được tại sao sản phẩm mình làm ra không ai dùng. Bởi hội học sinh ở đó không đứa nào biết Quora là gì cả và cũng không quan tâm đến cái đó.
Những cái mà đội đó quan tâm từ lúc ngủ dậy cho đến đi ngủ trên mobile chủ yếu là mấy động tác thôi: chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội, chat… Đó cũng là hoạt động chủ yếu của người dùng trên các app mobile lớn nhất như Facebook, Instagram, Snapchat, Messenger, Text Message. Những thứ mình làm trước đây chả ăn nhập gì với những việc đó cả, không tận dụng được những hành động giống như bản năng tự nhiên của giới trẻ với smartphone.
Ngoài ra, một vấn đề nữa là người hỏi cần có câu trả lời nhanh, rất nhanh. Trong khi đó thì app của mình post câu hỏi lên mãi mới có một ông trả lời, nếu hỏi tiếp thì lại phải đợi. Trong khi đó có câu hỏi thì 5-7 ông vào trả lời luôn hoặc không có ai trả lời cả…
Hiểu được những vấn đề đó, bọn mình về thiết kế lại app hoàn toàn mới, vứt hết cái cũ và làm lại.
Ví dụ người dùng cần hỏi hay bài giảng, họ chụp ảnh, đăng lên Got It và sau đó sẽ được chat với một chuyên gia, đúng với những gì mà giới trẻ vẫn làm hàng ngày. Kể từ đó, câu hỏi đặt ra luôn có người trả lời ngay, và chỉ 1 chuyên gia chứ không phải 5-7 người vào trả lời nữa. Sau khi sản phẩm sửa được đưa ra thì nó hoạt động ngay lập tức, tăng trưởng điên cuồng: cứ hai tháng lại gấp đôi, đến phát sợ (cười).
Sau khi làm lại sản phẩm Got It thành công như vậy thì anh có gặp phải khủng hoảng nào khác không?
Sau khi vấn đề sản phẩm được giải quyết thì công ty bắt đầu tăng trưởng, huy động được các vòng vốn nhỏ. Mọi thứ đang ngon và đến vòng seed-round (vòng hạt giống) với số vốn gọi tầm hơn 2 triệu USD, đang đàm phán với nhà đầu tư thì bạn co-founder (một người Mỹ gốc Việt) bỏ cuộc.
Lúc ấy, nhà đầu tư nói với mình đại ý là: bọn tao đầu tư ở giai đoạn này là vì tin tưởng chúng mày, mà giờ còn mỗi mình mày. Nhỡ mấy bữa nữa mà mày stress quá, cũng bỏ nốt thì tiền của bọn tao vứt đi hết à?
Khi đó mình phải thuyết phục họ cho thêm thời gian 3 tháng để vực dậy công ty, tuyển thêm người và họ mới quyết định đầu tư tiếp. Đó là năm 2014.
Trong cả hành trình làm Got It cho đến bây giờ, năm 2014 là năm stress nhất mà là stress từng ngày một chứ không phải thỉnh thoảng mới bị. Từng ngày một thật đấy.
Năm đó mình phải đưa vợ con về Việt Nam mà, vì công ty ở Mỹ có thể "chết" bất cứ lúc nào. Trẻ con đang đi học mà gặp phải tình cảnh "toang" như vậy thì chết dở.
Mình bảo với vợ: "Thôi ba mẹ con tạm thời về Việt Nam. Tình huống xấu nhất vẫn còn ông bà, có mọi người, vẫn có thể đi làm và sống được. Chứ ở bên này cả gia đình mà công ty của bố có thể ‘đi’ bất cứ lúc nào như vậy thì trong 30 ngày phải rời Mỹ. Trẻ con đang đi học mà bị như vậy thì nó sốc lắm".
(Theo quy định của Mỹ, nếu công ty do một người nước ngoài sáng lập mà phá sản – trong trường hợp của Got It là không có tiền để tiếp tục trả lương cho nhân viên theo tuần, thì người đó phải rời nước Mỹ trong vòng 30 ngày nếu không tìm được việc làm).
Hết năm 2014 thì mọi việc ổn. Khi gọi vốn được vòng seed-round thì Got It không còn là startup "trẻ trâu" nữa mà đã trở thành một công ty khá nghiêm túc. Kể từ lúc đó thì công ty phát triển quy củ hơn và tăng trưởng thần tốc, đến năm 2015 thì gọi vốn thành công vòng Series A… và mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau.
Vì thế, năm 2014 có thể gọi là năm "Make or Break" của mình.