Vừa ra mắt vào ngày 29/12 vừa qua, bài hát "Mang tiền về cho mẹ" của rapper Đen Vâu và ca sĩ Nguyên Thảo đã nhanh chóng trở thành chủ đề bàn luận nóng hổi trên mạng xã hội. Với nội dung vô cùng ý nghĩa về tình mẫu tử, sáng tác này nhận về vô số lời khen từ khán giả, đồng thời cũng tạo nên không ít tranh cãi xoay quanh tiêu đề có phần đặc biệt.
Có người cho rằng bài hát đang đặt nặng vấn đề kinh tế trong gia đình. Số khác lại lập luận rằng con cái phụng dưỡng và báo hiếu cha mẹ là chuyện nên làm, lời ca cũng chỉ mang tính tượng trưng, nhắc nhở mọi người không nên mang muộn phiền về nhà.
Trong khi tranh luận trên còn chưa ngã ngũ, cộng đồng mạng lại tiếp tục "sôi sục" trước quan điểm của một tiktoker nổi tiếng với hơn 400.000 lượt follow - Leng Keng. Cô khuyên các bạn trẻ "đừng mang tiền về nhà cho mẹ như anh Đen.”
Nữ tiktoker này cho biết, bản thân cô ngày xưa đi làm đều gửi hết tiền về cho mẹ giữ trong két..
“Nếu mẹ bạn ở quê, rất dân dã không có nhiều kiến thức về tài chính hay khả năng đầu tư thì tốt nhất bạn không nên gửi tiền về nhà quá nhiều. Đồng ý nếu bố mẹ có tư duy đầu tư cũng như khả năng khiến cho số tiền đó sinh lời thì bạn hoàn toàn nên gửi về nhà. Mà thực ra nếu là như thế thì có khi bạn chẳng phải gửi về đâu bởi vì bố mẹ bạn giàu sẵn rồi", cô nói.
Từ đó, Leng Keng đưa ra hai giải pháp khác thay vì gửi toàn bộ tiền về nhà cho bố mẹ. Một là dựa vào kiến thức tài chính để đầu tư sinh lời thêm nhiều lần. Do mẹ chưa cần dùng tới tiền, cô đã đem tiền đó đầu tư cổ phiếu và lãi thêm 20%. Hai là lập tài khoản lương hưu trên một ứng dụng cho bố mẹ. Bố mẹ Leng Keng ở quê không có lương hưu, nên cô trích một phần thu nhập ra để gửi vào ví điện tử làm tiền lương cho bố mẹ mình.
"Tóm lại đem tiền về nhà cũng rất tốt nhưng còn tốt hơn nếu bạn đem về nhà sự an tâm, vững chãi để ba mẹ bớt lo toan. Lúc đó tiền hay ko tiền cũng vẫn vui!" - Hot tiktoker kết luận.
Một số bạn trẻ đồng tình với quan điểm của Leng Keng. Theo họ, con cái nên trích ra một khoản tiền phù hợp đủ để phụ huynh sinh sống và mua sắm ở quê. Số tiền còn lại có thể dùng để đầu tư để tăng lên gấp nhiều lần. Người già ở quê thường không biết nhiều về đầu tư, chỉ cất trong tủ làm "của để dành", phòng trường hợp khẩn cấp.
Nhìn chung, cư dân mạng đều cho rằng "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", việc gửi tiền về như thế nào đều tùy thuộc vào hoàn cảnh từng gia đình. Suy cho cùng, điều mà cha mẹ vẫn mong chờ nhất không phải là tiền bạc, mà là được nhìn thấy con cái hạnh phúc và trưởng thành.
- "Cũng tùy trường hợp nữa mà. Có nhiều bạn ở nước ngoài, mang tiền về cho mẹ để sắm sửa Tết, rồi làm lại nhà cửa này kia nè. Mình nghĩ đơn giản là lớn rồi làm được nhiều tiền thì cho bố mẹ tiêu này tiêu kia thôi. Vì ở nhà như bố mẹ mình chả bao giờ thấy mua gì cho bản thân, toàn cất tiền cho con thôi .”
- "Đem tiền về hay không đem tiền về cũng là chuyện cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên Tết đến bậc cha mẹ nào mà không mong con mang tiền về biếu đâu. Cảm giác thích thú của bậc cha mẹ nữa."
- "Nếu bạn không mang tiền về cho mẹ, mẹ vẫn yêu thương bạn thôi. Nhưng nếu bạn yêu thương cha mẹ, thì hãy cố mà mang tiền về cho mẹ, nhiều ít gì cũng được, cốt là ở tấm lòng. Nhưng nhiều thì tốt hơn"
- "Tôi nghĩ 'tiền' trong bài hát đại diện cho những điều tốt đẹp mà bố mẹ mong muốn con có được, 'tiền' dù có là vật chất hay một điều gì đó tốt đẹp thì nó cũng khiến bố mẹ vui lòng vì đó là những điều con đã làm được, đó là sự trưởng thành của con. Khi bạn chỉ đứng ở 1 góc nhìn, thu hẹp tầm mắt thì "tiền" với bạn lại chỉ là những đồng tiền kiếm được."
(Tổng hợp)