- Vì sao chị lựa chọn trở lại và ghi dấu mạnh mẽ với 2 chương trình cùng lúc, MoneyTalk: Tự do tài chính và Bí mật đồng tiền?
- Lần trở lại này của tôi không phải là lâu ngày nghỉ việc rồi đi làm lại. Tôi vẫn làm việc mỗi ngày. Nhưng, nói chính xác là sự trở lại của nhiệt huyết. Mất nhiệt huyết, hoặc do bạn nản, hoặc do bạn không có động lực phấn đấu do đã thấy đủ, đại khái như: "tôi chẳng còn lý do gì để phấn đấu nữa". Sau này, tôi mới nhận ra cái mình tưởng là ĐỦ, hoá ra là THIẾU.
Có thể mình đang nghĩ mình ở đỉnh, nhưng mình quên mất đó chính là tiệm cận đáy. Ai cũng thế thôi, đến đầu tư cũng cần có sóng, có lên có xuống.
- Chân sóng của chị bắt đầu từ khi nào?
- Đó là vào khoảng 2015-2016, khi tôi trở thành người dẫn chương trình ấn tượng của VTV. Đứng trên sân khấu nhận chiếc cup VTVawards tôi cảm thấy mình như đang ở đáy của sự nghiệp. Mọi người nhìn vào chỉ thấy, nhận giải thưởng là đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng không phải như vậy.
Có 2 lý do khiến tôi cảm thấy mình ở dưới đáy của sự nghiệp. Thứ nhất, tôi không tìm ra cái đích nào để mình tốt hơn. Thứ hai, tôi cảm thấy mệt. Đó là thời điểm ra mắt Chuyển động 24h. Tôi căng thẳng đến mức mang cả suy nghĩ về chương trình vào trong giấc ngủ, giải quyết mọi thứ lúc ngủ luôn. Một ngày cứ 2 chương trình như vậy, mình áp lực về rating, về sự đổi mới. Đội ngũ lại toàn các bạn trẻ chưa có chút kinh nghiệm nào, tôi cũng vậy. Chúng tôi như những đứa trẻ loay hoay, luôn nghĩ làm sao để rating đạt mức cao nhất, làm sao để không bị đụng hàng, làm sao để gây ấn tượng, mà quên mất rằng làm sao để không gặp phải rủi ro. Trong khoảng thời gian đó, tôi mệt đến mức đau dạ dày.
Cũng trong giai đoạn này, khi quá mệt tôi có nảy ra ý nghĩ - chính là khởi nguồn của sai lầm – thứ mà tất cả các bạn trẻ đều đang mơ ước: Về hưu sớm. Về hưu sớm là gì? Thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ, thích chơi thì chơi, mình vẫn có tiền tiêu. Chính suy nghĩ này đã tạo ra cho tôi khoảng lặng không cần thiết. Khi đã có một chút tài sản đủ để tự sinh sôi nảy nở, tôi nghĩ mình có quyền không làm việc. Tôi đã sai!
- Tại thời điểm ấy, chị coi điều gì là giá trị cuộc sống của mình?
- Hưởng thụ! Khi có một vài dấu ấn, tôi nghĩ mình đã chứng minh được bản thân rồi. Khi có một khoản tiền hòm hòm, không phải làm gì mà vẫn đủ sống, thế là vui rồi.
- Khoản tiền đủ sống của chị là khoảng bao nhiêu?
- Mình sẽ không bao giờ đủ sống khi nhu cầu của mình càng ngày càng gia tăng. Ngày xưa, lương 10 triệu VNĐ/tháng còn không biết tiêu gì cho hết. Khi đã có 10 triệu VNĐ, mình sẽ muốn lương lên 20 triệu VNĐ. Đến khi đã có 20 triệu VNĐ, lại có thêm gia đình, mình sẽ muốn tăng lên 50 triệu VNĐ. Khi đã đạt 50 triệu VNĐ thì sẽ muốn có 100 triệu VNĐ.
Trong mã gen của con người luôn có suy nghĩ: "Làm sao để có một cuộc sống tốt đẹp hơn?" Thế nào là biết đủ? Ngày xưa, ai cũng mơ rằng chỉ cần có 2 căn nhà mặt phố là đời hạnh phúc. Nhưng có ai ngờ được Covid-19 sẽ đến? Covid-19 khiến người ta hiểu ra, có 2 căn nhà mặt phố cho thuê cũng chẳng là gì. Mình có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào.
Về mặt công việc, Covid-19 có lẽ không ảnh hưởng nhưng nó làm tôi suy nghĩ khác về ý nghĩa cuộc sống. Nó biến mọi thứ không thể thành có thể.
Nhiều công ty công nghệ có thể thay thế gần như hoàn toàn mô hình truyền thống và trở thành kỳ lân cũng từ khi có Covid. Nhiều giá trị đạo đức, thói quen lối sống đều được sắp xếp trật tự lại cũng vì Covid. Dẫn đến các mô hình chiến lược truyền thông và marketing cũng đều thay đổi bởi Covid-19.
Sau Covid, mọi người hiểu ra rằng những thứ mình hay quên và bỏ qua thực ra rất quan trọng.
- 5 năm trước, ý nghĩa cuộc sống của chị là tận hưởng. Còn hiện tại, điều đó đã thay đổi như thế nào?
- Trước đây, tôi nghĩ tận hưởng là không làm gì mà vẫn được hưởng thụ. Bây giờ, tôi hiểu rằng nếu không làm gì, kể cả có hưởng thụ, thì những lấp lánh quanh mình cũng chỉ để lấp đi sự tự ti. Vì thế, mình mới đặt ra câu hỏi: Tại sao có những người tài sản đủ ăn nhiều đời không hết nhưng vẫn làm việc, nhiều tỷ phú Việt Nam và trên thế giới sẽ minh chứng cho điều tôi nói.
Điều này liên quan đến mô hình tháp nhu cầu Maslow. Mình không còn ở giai đoạn cuối – nhu cầu sinh tồn, nên hướng tới cái cao nhất – đi tìm giá trị sống. Làm gì để cảm thấy giá trị sống? Làm việc.
Sự khác biệt ở đây đơn giản là mình tận hưởng cuộc sống với tâm thế của một người đang hưởng thụ vật chất hay của một người có giá trị trong xã hội, tạo ra giá trị cho người khác? Đó là một dạng năng lượng ai cũng cần, chẳng qua nhiều khi mình mệt quá nên lấy cớ tạm dừng chân, nhưng dừng lâu quá thì ngủ quên rồi kẹt lại ở giữa núi. Nhìn thấy mọi người ai cũng leo lên được đỉnh núi thì mình phải dậy thôi.
- Chị tự thức dậy?
- Có người đã đánh thức mình. Giống như khi ngủ, mình sẽ phải tự thức dậy, nhưng trong mơ, mình sẽ nghe thấy tiếng gì đấy văng vẳng.
Những người đánh thức tôi không phải là những người ghét tôi, cũng không phải là những người thầy, mà là "next generation" (thế hệ kế tiếp). Dù làm gì đi chăng nữa, tôi cũng nghĩ mình phải đủ mạnh để thế hệ sau có vấp, tuy không kéo lên được, nhưng mình vẫn biết nên nói gì đúng lúc đúng chỗ để họ tự đứng lên.
Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng cứ lấy được chồng giàu là xong, có tiền cho con đi học trường xịn. Tuy nhiên, đến lúc vấp ngã, con sẽ rất cần một lời khuyên từ bố mẹ. Vậy mình cho con được lời khuyên gì, chứ không phải bao nhiêu tiền? Tất cả những điều đó không đến từ sách vở mà đến từ giá trị lao động. Chỉ có lao động mới biết thương người khác, và mới biết cách thương mình sao cho chuẩn.
Tiếng gọi đánh thức có thể do tôi tự tưởng tượng ra, nhưng nó đến từ trách nhiệm của mình. Giờ tôi cũng đã có tuổi. Đen Vâu từng hát: "Cuộc đời này có được mấy lần mười năm?". Giỏi lắm thì có 7 lần, vậy dùng 7 lần 10 năm như thế nào?
Truyền thông có cái tốt, nhưng cũng lắm thứ độc hại. Tôi rất "anti" chuyện về hưu tuổi 30 nghĩa là không làm gì. Tất nhiên, mỗi người có định hướng sống khác nhau. Tuy nhiên, tôi anti bởi tôi cũng đã từng nghĩ như vậy, từng làm như vậy và đánh mất bản thân.
- Đánh mất bản thân là như thế nào?
- Bạn đeo một cái đồng hồ đẹp, nhưng vẫn tự cảm thấy xấu hổ. Bạn đi một cái xe đẹp, nhưng cảm thấy vô nghĩa. Trên người dát không thiếu thứ gì nhưng bạn còn cảm thấy tự ti hơn cô lao công chăm chỉ. Đơn giản thôi: Người ta lao động, còn mình thì không. Tôi nghĩ sức mạnh của lao động và cống hiến cho xã hội mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải việc mình có bao nhiêu tiền.
Về tự do tài chính, thực ra ai cũng có thể tự do, hoặc trở thành nô lệ của đồng tiền miễn là bạn chọn. Bạn có thể chọn sống tiết kiệm tối giản hay xa hoa lãng phí. Nhưng, hưởng thụ nên song hành với lao động mới tạo ra sự cân bằng.
- Khi nhận ra những giá trị này, chị tỉnh dậy rồi đi tiếp như thế nào?
- Khi vấp ngã, nơi đầu tiên bạn muốn quay trở lại là xuất phát điểm. Cách đây 15 năm, tôi đã muốn làm cái show như Suzi On The Show, thậm chí còn suýt có cơ hội sang gặp trực tiếp ê-kíp để học hỏi. Vì mải mê với Chuyển động 24h nên tôi đã bỏ lỡ. Tuy nhiên, tôi chẳng hề thấy phí vì nghĩ rằng mọi thứ xảy ra với mình đều có lý do và là nguyên liệu cần thiết để tạo ra một sản phẩm.
Giờ đây, nhà nhà nói về tiền, người người bị lừa, ngành ngành tham gia cuộc chơi tài chính. Đây chính là cơ hội của mình, bởi lẽ có ai trên đời này không cần đến tiền để tiêu? Kể cả bạn không tiêu, muốn làm việc thiện đi nữa, bạn cũng cần thứ phương tiện đó để giúp người. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ dành thời gian để tiền vào túi mình, nhưng lại không quá để ý đến chuyện nó sẽ ra khỏi túi mình như thế nào. Quy luật này đã bị bỏ ngỏ. Tôi nhìn ra được điều đó. Đơn giản, Tiêu tiền cũng là cách để bạn Kiếm tiền! Tiêu mới là yếu tố để giữ tiền, kiếm thì ngày có ngày không.
- Trong giai đoạn chiêm nghiệm đó, cách tiêu tiền của chị khác đi như thế nào?
- Tôi có một đề tài mang tên "Chân dung của kẻ tiêu tiền". Nhìn cách người ta tiêu, biết ngay họ là người như thế nào; nhìn cách người ta chi, biết ngay họ kiếm tiền kiểu gì.
Thời còn trẻ, bạn sẵn sàng bỏ ra 800.000 VNĐ để mua một lọ nước hoa dù chỉ có 1 triệu VNĐ. Khi biết kiếm tiền rồi, bạn sẽ không thể đánh đổi bằng 80% tài sản hiện có của mình. Tất cả đều phải có lý do, ý nghĩa và được định giá dưới dạng tài sản. Đó là cái đầu tiên mình cảm thấy khác biệt.
Ngày xưa, tôi nghĩ có thể một thứ trang sức đắt đỏ nào đó có thể giúp định nghĩa về bạn, nhưng hãy nhìn lại, có những người để lại những dấu ấn và sự ngưỡng mộ của xã hội dù trên người họ chẳng có thứ trang sức gì đáng giá.
Tất nhiên, tôi không hướng đến xu hướng tối giản – bản thân tôi cũng là người màu mè, một con tắc kè hoa. Nhưng, tôi không dùng đồ vật với tâm thế mượn nó để định nghĩa chính mình.
Nếu coi tiền chỉ là một thứ để đổi chác, bạn sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ, trong đó có cả sự tự do của bản thân, để có được nó. Thế nhưng, nếu bạn coi tiền là hạt giống, nghĩ xem gieo vào đâu và được cái gì, cách chi tiêu của bạn sẽ thay đổi.
Ví dụ, khi bỏ tiền ra mua một chiếc túi nylon, bạn chỉ cầm về một chiếc túi nylon, còn gieo đượ cái gì, bạn tự biết. Khi bỏ tiền ra mua một chiếc túi thân thiện với môi trường, bạn vẫn cầm túi về, nhưng gieo được cái gì, bạn tự biết.
Ai cũng có suy nghĩ rằng: "Tôi phải chịu trách nhiệm vì tôi kiếm được nhiều tiền". Thế nhưng, có bao nhiêu người dám chịu trách nhiệm cho đồng tiền mình chi? Chính người tiêu dùng là người điều tiết thị trường, điều tiết đạo đức của các nhà sản xuất. Thay vì đổ lỗi, hãy nhận trách nhiệm về mình. Các nhà đầu tư bị lừa là do bản thân họ, trách gì kẻ lừa đảo?
- Có người nói rằng "Ngọc Trinh dẫn chương trình về tiền là rất chuẩn, vì nhìn cô ấy cũng đã sặc mùi tiền". Chị cảm thấy thế nào?
- Tôi không cảm thấy gì, vì tôi làm đâu phải để được bình luận.
Khi bắt đầu làm một thứ gì, tôi sẽ nghĩ: Có bao nhiêu người làm được giống mình? Nếu nhiều người làm được, tôi sẽ không làm. Theo tôi, cách nhanh nhất để gặt hái thành công đó là đừng coi bất kỳ ai là đối thủ. Nếu đi đoạn đường ai cũng đi thì sẽ bị tắc, nếu đi đoạn đường hơi gập ghềnh chút nhưng chỉ có mình đi thì sẽ nhanh.
Ngay từ đầu, tôi đã xác định rằng mình không phải là một MC. Tôi không thể dẫn sự kiện, đi giày cao gót, đứng trên sân khấu, nở nụ cười thân thiện, nói những lời có thể áp dụng với 10 chương trình. Nói thẳng luôn là tôi không làm được điều này bởi đó không phải sở trường của tôi.
Nếu làm một việc mà NHIỀU người làm được, giá trị bạn nhận về sẽ ÍT. Những thứ đồ bạn nghĩ là đắt vì cả thế giới chỉ có 1-2 chiếc; người ta có thể tạo ra 10 chiếc nhưng họ cương quyết chỉ làm 1-2 chiếc để tạo ra giá trị.
Nếu bạn yêu mến và muốn sở hữu sản phẩm có thương hiệu xa xỉ, hãy xây dựng thương hiệu của chính mình như vậy! Khi đó bạn sẽ thấy câu "y phục xứng kỳ đức" của các cụ cấm có sai.
- Ở góc độ cá nhân, chị dành bao nhiêu % thu nhập của mình để chi tiêu, mua sắm của mình?
- Nên ở mức tối thiểu. Cách tốt nhất là mình có được thứ đấy mà không mất gì.
Ngày xưa, tôi nghĩ có tiền thì sẽ tiêu. Bây giờ, tôi mới hiểu, có những thứ mình vẫn đạt được mà không cần phải chi tiền. Một bài đăng cũng đủ để bạn ở khách sạn 3 ngày. Thứ để bạn đánh đổi nhằm đạt được một cái gì đó hoàn toàn nằm ở bản thân bạn, cần gì đến tiền. Một recommend của bạn đôi khi là đủ để đổi lấy một món đồ.
Một kinh nghiệm khác : đừng "cắt thịt" ( tiền kiếm được) để tiêu pha cho thú vui vô bổ. Hãy thử đầu tư, và lấy chỗ lời đó để thoả mãn sở thích tốn kém của mình.
Mọi người nên nhìn nhận tiền như một tấm bằng chứng nhận về giá trị lao động, thay vì là tờ giấy để đánh đổi lấy sản phẩm.
- Và chị vẫn tiếp tục chi tiền cho những món hàng như siêu xe hay đồng hồ?
- Có chứ. Cái gì mình mua cũng có hai giá trị, để định nghĩa tiêu sản hay tài sản. Chẳng hạn, khả năng sinh lời của đồng hồ chẳng hạn ( tuỳ loại) hiện cao gấp 3 lần những thứ khác. Ai bảo nó là phù phiếm? Quan trọng là mình phải chọn đúng. Chọn bạn mà chơi cũng vậy. Con người ai cũng giống nhau, nhưng bạn sẽ chơi với một người có thể gia tăng giá trị hay hạ thấp giá trị của mình xuống?
Siêu xe cũng không xấu. Bạn đang mua một thứ sản phẩm mà trong đó có cả tinh hoa của văn hóa nghệ nhân và marketing, để biến một thứ không ai nghĩ là tài sản thành tài sản.
Xin nói thật, kiếm tiền của người giàu đã khó, của giới siêu giàu càng khó hơn. Từ phù phiếm có thể đúng với bạn chứ chưa chắc với mọi người.
Và theo quan sát của tôi khi gặp và tiếp xúc với những người kiếm tiền giỏi. Họ chỉ chi cho những thú vui ... có lãi. Họ luôn cố mua thứ có giá trị cao nhất với mức đổi chác thấp nhất. Niềm vui của họ đến từ đó, chứ không đến từ việc trưng diện hay khoe khoang.
Khi chạy theo trend, theo thiên hạ, mình định nghĩa rằng "bạn có cái này, bạn là như vậy". Giờ đây, mình phải định nghĩa lại: Bỏ ra từng này tiền để mua một thứ, tôi vui được bao lâu, dùng được bao lâu? Sau chừng đấy thời gian, nó tăng hay giảm giá trị? Chỉ cần tái định nghĩa lại, lựa chọn của bạn sẽ khác luôn.
Đồng hồ hay túi không xấu. Có những chiếc túi trước Covid có giá 1xxxx USD, sau Covid đã tăng lên 2xxxx USD.
- Từ khi nào chị bắt đầu kiểm soát được tâm lý của mình khi chi tiêu?
- Câu này khó nhỉ? Tôi bắt đầu kiểm soát được tâm lý khi mở rộng cộng đồng. Ngày xưa, khi còn thu mình trong một cộng đồng nhỏ với vài người bạn, họ mua gì thì mình mua đấy. Trẻ con mà.
Đến khi những người đồng hành trong cuộc đời mình đa dạng hơn, không chỉ là những người bằng vai phải lứa nữa, mình quan sát nhiều hơn và hiểu rằng phải kiểm soát bản thân và luôn cần kỷ luật, nhất là với TIỀN.
Ví dụ: Nếu bạn là rich kid, cái kính 20 triệu VNĐ trong cộng động của bạn chẳng là gì cả. Bạn cảm thấy 20 triệu VNĐ đấy rất nhỏ bé, chỉ đổi được cái kính. Thế nhưng, khi bắt đầu ra ngoài, bạn mới thấy 20 triệu VNĐ có thể thực hiện một ca mổ đem lại ánh sáng cho người khác . Lúc đó, bạn mới hiểu: hóa ra tiền không phải là để mua kính để các bạn cùng lớp ngưỡng mộ.
Cầm 500.000 VNĐ trên tay, bạn nghĩ đơn giản là mời hội bạn một bữa nhậu. Nhưng cũng 500.000 VNĐ đấy, bạn mời một người khác có thể tạo ra cơ hội để kiếm cả trăm triệu - đó là chi phí cơ hội.
Do đó, khi mở rộng cộng đồng, bạn sẽ hiểu ra một điều rất rõ: tiền đem lại cơ hội. Tiền như hạt giống, gieo ở mảnh đất nào thì nó sẽ ra thành cây như thế.
- Đôi khi trong cuộc sống, những gì mình nói và mình làm cách nhau xa lắm. Điều đấy có xảy ra với chị không?
- Khoảng cách càng xa, uy tín của bạn càng ít. Khi lời nói và hành động song hành với nhau thì uy tín của bạn tăng. Nó giống như bạn điều chỉnh một cuộc kéo co; có những lúc bên nói thắng, còn bên làm thua, hoặc ngược lại, nhưng cái khó nhất của mình là phải giữ được vị thế cân bằng. Uy tín cũng đến từ đó.
Cho nên, hỏi người này có uy tín không mà ai đấy trả lời là có, thì thể hiện rằng người đó nói được và làm được. Kiểu người chỉ nói thôi chứ không làm thì chẳng ai tin. Tôi vẫn còn trẻ mà, nên thứ tài sản tôi xây dựng chính là uy tín, chứ không phải là có bao nhiêu tiền trong tài khoản, bao nhiêu người theo dõi. Người ta theo dõi cả cái mình nói và làm, nếu nói mà không làm thì người theo dõi sẽ tự rụng.
- Theo thời gian, chị thấy Ngọc Trinh của ngày hôm nay và Ngọc Trinh của 10 năm trước, khác biệt lớn nhất là gì?
- Khác biệt lớn nhất là định nghĩa của mình về trẻ và già. Ngày xưa mình nghĩ rằng mình vẫn còn trẻ và giàu kinh nghiệm, nhưng đến 10 năm sau thì thấy hơi khác, không còn trẻ nữa và non kinh nghiệm.
Thực ra, 5 năm, 10 năm hay 20 năm thường sẽ là một chu kỳ. 10 năm trước và 10 năm sau bản chất là một chu kỳ, giống như chu kỳ trong thời trang, hay còn gọi là mốt quay lại ấy. Các sai lầm đều có thể quay lại, các cơ hội đều có thể quay lại, các bài học cũng có thể quay lại, nhưng mình đón nhận và giải quyết chúng như thế nào là dựa vào kinh nghiệm của bản thân.
Tôi cũng thế, cũng đang quay lại. Tôi quay lại đúng thời điểm của chu kỳ khám phá cá mới, thấy cái gì cũng bỡ ngỡ, cái gì cũng sợ sai. Thế nhưng tất nhiên, cô gái 10 năm trước bỡ ngỡ trên sóng cũng khác cô gái bây giờ về ánh mắt và thần thái. Thực sự là dẫn online khác rất nhiều so với dẫn sóng truyền hình. Tuy nhiên, 2 chương trình Bí mật đồng tiền và Tự do Tài Chính chỉ là 2 mảnh ghép rất nhỏ trên cả bức tranh tổng thể những điều tôi muốn làm.
- Nếu chọn một điều nhất định phải làm trong năm tới thì chị làm gì?
- Tôi sẽ phải mang những Guru thực sự đến với các bạn sinh viên, các bạn trẻ, tái định nghĩa lại khái niệm "thần tượng". Bởi lẽ, những người thành đạt chẳng bao giờ làm marketing và truyền thông cho hình ảnh của mình. Chính vì họ không làm điều đó, truyền thông đang dẫn dắt các bạn trẻ đi theo một hướng khác, nghe có vẻ tài chính nhưng trên thực tế lại rất phi tài chính.
Với tôi, nghề là phân công lao động của xã hội, nghiệp là sự phân công của vũ trụ ( cười), khi mình làm truyền thông, mà bản chất của truyền thông là sự kết nối, sự lan tỏa thông tin. Mình có được sự kết nối, lại chính là bản lề, vậy tại sao lại không làm? Vậy nên, tôi muốn đem những guru thật sự đến với giới trẻ, với những người coi trọng bản kế hoạch cho sự nghiệp, cho đồng tiền của mình.
Nếu tôi làm được, đây sẽ là một điều rất tuyệt vời. Hiện tại, tôi mới chỉ kết nối qua online, livestream, nhưng nếu có thể đem những người bằng xương bằng thịt dù ở VN hay quốc tế đến với các bạn, đó là điều tôi tâm nguyện.
Cảm ơn những chia sẻ của chị.