Ăn cơm có thể chia đôi tiền cơm, mua đồ có thể ghép đơn để miễn phí ship, hôn nhân liệu có thể làm tương tự như thế không? Xã hội thương mại cùng các mối quan hệ xã giao qua Internet khiến hôn nhân truyền thống biến đổi mãnh liệt, không ít người cho rằng phân chia sòng phẳng cũng là một hình thức chung sống, có thể giải quyết các vấn đề phát sinh vì tiền trong gia đình. Vậy đích thân sống trong gia đình vợ chồng chia đôi sinh hoạt phí, tiền ai người ấy dùng là trải nghiệm như thế nào?
Amy (34 tuổi) - 2 năm chia đôi sinh hoạt phí với chồng
Tôi kết hôn cách đây 2 năm, vì ngoại hình không nổi bật, thông qua giới thiệu xem mắt mà quen với chồng tôi hiện tại, anh ấy mặt mũi cũng bình thường, cả 2 đều là Thạc sĩ, xem như là xứng đôi. Quen nhau được 1 tháng, 2 gia đình gặp gỡ nhau, cảm thấy đối phương không tệ, liền tiến hành đính hôn luôn.
Quá trình này nghĩ lại chính tôi cũng cảm thấy quá nhanh, ngày đi đăng ký kết hôn trời mưa rất to, chúng tôi hẹn gặp nhau trước cửa Cục dân chính ̣(tương đương Ủy ban nhân dân), cũng mới chỉ đi xem phim cùng nhau, 1 vài lần nắm tay, thật sự giống như những đứa trẻ thuần khiết lần đầu nếm trải yêu đương, tuy rằng cả 2 đều đã hơn 30 tuổi rồi. Cảm giác của tôi chính là cuộc đời ai cũng phải trải qua giai đoạn này, yên lặng không 1 tiếng động, từ 1 cô gái nhỏ bé biến thành vợ người ta, hoàn toàn là nhờ số mệnh phụ giúp.
"Em xem, cha mẹ chúng ta nói chuyện thuận lợi chưa kìa, xem ra chúng ta cũng có duyên đấy!" - Trong lúc người lớn 2 nhà bàn chuyện đính hôn, anh ấy đã nói với tôi như vậy, khiến cho tôi bắt đầu tin tưởng rằng chúng tôi quả thật là 1 đôi, tuy rằng thời gian yêu đương tìm hiểu không dài như những cặp đôi khác.
Mẹ tôi có truyền đạt kinh nghiệm cho tôi: "Tiền trong nhà con phải quản, không được để chồng tiêu linh tinh." Tôi cùng anh ấy thương lượng, tiền lương đưa cho tôi giữ, cùng nhau tính toán chi tiêu, cũng vì chuyện này mà chúng tôi cãi nhau 1 trận, cuối cùng anh ấy cũng thỏa hiệp, mỗi tháng đều đưa lương cho tôi, để tôi sắp xếp chi tiêu.
Nhưng không bao lâu sau, tôi phát hiện chồng tôi vẫn luôn giấu quỹ đen, thực ra tôi cũng không thèm quan tâm, ngược lại còn cho rằng chuyện này rất bình thường. Không ngờ, tôi lại tiếp tục phát hiện anh ấy thường xuyên cho bạn học và đồng nghiệp mượn tiền, số tiền luôn trên 10 nghìn tệ (khoảng 36 triệu đồng) mà đều không ghi giấy vay nợ làm bằng chứng. Hơn nữa, những chuyện này cho tới bây giờ anh ấy vẫn không nói với tôi nửa lời.
Đây cũng là nguyên nhân khiến tôi quyết định chia tiền sinh hoạt phí sòng phẳng với chồng, chúng tôi không có con, lại càng dễ bề tính toán. Lúc đó, chúng tôi cãi nhau 1 trận to, trong lúc cãi nhau, chuyện anh ấy cho người khác vay tiền cũng bị lộ ra, chúng tôi chiến tranh lạnh 1 tuần sau đó mới làm lành, anh ấy cũng đồng ý với phương pháp chia đôi sinh hoạt phí của tôi.
Hiện tại, chung sống sòng phẳng với nhau đã hơn 1 năm, tôi biết trong lòng anh ấy cũng không thoải mái gì, tôi cũng cẩn thận suy xét việc lựa chọn chia sinh hoạt phí như vậy có đúng đắn hay không. Nhưng khi xem tin tức về việc phụ nữ không độc lập tài chính, sau này ly hôn hoặc xảy ra biến cố lập tức mất đi năng lực kinh tế và năng lực sinh tồn, tôi nhận thấy chia tiền như vậy ít nhất đối với tôi mà nói chính là tạo cho chính mình 1 khoản bảo hiểm trong tương lai.
Lý Phương (30 tuổi) - "chia" rồi ắt không "hợp" được nữa
Chia tiền sòng phẳng là thói quen của chúng tôi từ lúc yêu đương. Nhớ rõ khi ấy, câu "chúng ta cưa đôi tiền đi" bồng bềnh trong màu hồng của tình yêu, khiến cho con người ta có cảm giác chúng tôi là đôi vợ chồng trẻ cùng nhau chung hoạn nạn. Anh ấy tặng tôi trang sức, tôi bèn tặng anh ấy máy chơi game hoặc quần áo ngang giá trị. Đối với chuyện này, chúng tôi vô cùng ăn ý, có lần tôi mua cho anh ấy 1 cái áo khoác khá đắt tiền, anh ấy nhân lúc tôi ngủ, lén lên mạng điều tra giá cả rồi bị tôi bắt được, nhưng lúc đó tôi cũng không để tâm lắm.
Chia chác sòng phẳng như vậy sẽ có lúc làm tổn thương tình cảm, có khi chỉ vì vài thứ nhỏ nhặt, vài món tiền lẻ cũng đem ra chia, trong lòng thực sự không thoải mái. Nhưng đây là quy tắc sống chung, là một cái cũi, vào rồi thì ra không được.
Cha mẹ anh ấy đã qua đời từ rất lâu trước đó rồi, tôi cũng không đem chuyện chúng tôi chia tiền sinh hoạt phí nói cho cha mẹ tôi biết. Lúc kết hôn, mua nhà ở quê mỗi người trả một nửa tiền, dự tính qua 1 thời gian sẽ sinh con rồi về quê sống.
Hôn nhân chính là tìm cho mình 1 người bạn cùng phòng, 2 người góp tiền với nhau, cùng nhau san sẻ. Tôi đem chuyện này nói với 1 người bạn, cô ấy giật mình: "Lúc yêu thì chia đôi còn được, nhưng lấy nhau rồi còn chia đôi không tốt lắm đâu, nếu như sau này ly hôn, cái gì cũng "chém" thành 2 nửa, thế thì khó lắm!" - Câu nói này thực sự đã khiến tôi sợ hãi.
Sống chung 3 năm, chuyện chia tiền này quả nhiên là quả bom hẹn giờ, cha mẹ giục chúng tôi sinh con, nếu không thì còn tính là vợ chồng gì nữa. Vì thế, vấn đề lớn tới rồi, chúng tôi lại vắt óc tính toán, tiền tiêu cho con còn có thể chia nhau, nhưng sinh con, chăm con thì không có cách nào chia được. Nghỉ sinh nửa năm, tiền tôi góp với chồng đều là tiền tiết kiệm suốt thời gian trước, anh ấy cũng chủ động nói hay là chuyện này không cần tính toán rõ ràng như vậy, tôi đồng ý, tức khắc việc nuôi con không còn chia đôi nữa mà hoàn toàn trở thành việc của tôi.
Sòng phẳng sinh hoạt phí khiến chúng tôi đôi lúc rơi vào mệt mỏi. Năm qua anh ấy đổi công tác, tôi cũng nghỉ làm, cuộc sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc) rất áp lực, nghĩ muốn về quê, nhưng cuối cùng chuyện về quê cũng chỉ là chuyện đầu môi, không hề có kế hoạch.
Tuy chia chác sòng phẳng là 2 bên độc lập kinh tế, nhưng kỳ thật trong lòng chúng tôi đều rõ chúng tôi không thể rời xa nhau. Đặc biệt là bây giờ còn có con nữa, chuyện gì cũng phải nghĩ đến tương lai xa, mà chúng tôi lại như 2 đứa trẻ con, anh ấy so với những đàn ông có vợ khác càng có thêm nhiều tự do, không ai quản tiền của anh ấy, còn tôi mang theo con cái, thời gian và sức lực tiêu phí ngày một nhiều, người thảm hại hơn chắc chắn là tôi.
Năm nay chúng tôi cãi nhau nhiều hơn trước, gần đây tôi lên mạng xem được tin tức về kiểu hôn nhân "hai bên cùng cưới", cảm thấy tôi và chồng là "hai bên cùng cưới" phiên bản cũ chưa nâng cấp, đôi lúc trong lòng trống rỗng, có lẽ đây chính là tai họa tiềm tàng trong nay mai.
Trương Thiếu (28 tuổi) - Nếu cô ấy không muốn share tôi sẽ vui vẻ đồng ý
Chúng tôi bên nhau đã 3 năm, ngay từ khi bắt đầu yêu đương đã thỏa thuận sẽ "cưa đôi" mọi chi phí với nhau. Đối với đàn ông mà nói, share với phụ nữ đôi khi thật là mất mặt, nhưng tôi vẫn thuận theo ý cô ấy. Cô ấy nói: "Em không muốn thiếu nợ anh tiền, đến yêu anh chứ có phải đến tiêu tiền của anh đâu."
Tính toán tiền nong minh bạch khiến cho chúng tôi trở nên khác biệt so với các cặp đôi khác. Có lần tôi kể chuyện này với bạn bè, họ nhất mực cho rằng tôi "không đàn ông", ngay chính cha tôi cũng phê bình: "Đàn ông con trai vẫn nên vì bạn gái mà tiêu chút tiền chứ!"
Lúc đó, tôi rất xấu hổ nói với ông: "Con mua quà cho cô ấy, cô ấy sẽ tặng lại cho con 1 món giá cả tương đương."
Chắc chắn sẽ có người nghi ngờ: "Nếu 2 người kết hôn, chuyện sẽ không chỉ dừng ở việc tặng quà, sòng phẳng với nhau cũng không dễ dàng như trước." Quả thật là như vậy, nhưng tôi hi vọng lúc đó sẽ có biện pháp giải quyết tương ứng, cuối năm vừa rồi, tôi định cầu hôn cô ấy, nhưng sau đó lại muốn đợi thêm 1 năm nữa để tôi có thêm thời gian chuẩn bị thật tốt, nếu cô ấy không muốn "chia đôi" nữa, tôi cũng sẽ vui vẻ đồng ý.
(*Tên các nhân vật trong bài đã được đổi tên để bảo vệ quyền riêng tư)
Nguồn: Thepaper