Hạnh phúc là đích đến của giáo dục hiện đại nhưng việc thực hành các yếu tố hạnh phúc trong giáo dục như thế nào cho đúng, đủ và đạt kết quả cao vẫn luôn là trăn trở của nhiều nhà lãnh đạo, giáo viên cũng như các bậc phụ huynh. Thấu hiểu băn khoăn này, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) - với sự đồng hành của TH School và Tập đoàn TH - tổ chức Hội thảo Quốc tế "Hạnh phúc trong giáo dục 2024".
Sự kiện diễn ra trong hai ngày, gồm các phiên hội thảo được thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng, cụ thể: Hội thảo dành cho các nhà hoạch định giáo dục, các khách mời từ Bộ Giáo dục và các lãnh đạo trường học (phiên sáng ngày 23/11/2024); Hội thảo dành cho phụ huynh học sinh (chiều ngày 23/11/2024) và Hội thảo dành cho giáo viên (cả ngày 24/11/2024).
Xuyên suốt hai ngày sự kiện, 8 chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng lật mở và đi sâu vào từng khía cạnh của hạnh phúc trong giáo dục dựa trên mô hình SPIRE. Đây là mô hình được phát triển bởi Tiến sĩ Tal Ben Shahar, một nhà giáo dục quốc tế và tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng. Thông qua các bài diễn thuyết, người tham dự tìm được câu trả lời về việc làm thế nào để học sinh phát triển toàn diện Tâm - Trí - Lực và những phương thức giúp nuôi dưỡng hạnh phúc và sự an lành trong trường học.
Phiên hội thảo sáng ngày 23/11 có sự tham gia của các chuyên gia: ông Martin Skelton - cố vấn đặc biệt cho International Schools Partnership (ISP), đồng tác giả chương trình IPC; PGS Ngô Tuyết Mai - giảng viên Đại học Flinders (Úc); ông Thomas Hobson - chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em và blogger giáo dục nổi tiếng thế giới đến từ Hoa Kỳ và Giáo sư Yong Zhao - giảng viên Đại học Kansas, Hoa Kỳ. Bên cạnh những vấn đề xoay quanh giáo dục toàn diện, cá nhân hóa học tập và xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, các diễn giả còn chia sẻ những câu chuyện thành công về mô hình trường học hạnh phúc tại một số hệ thống trường học ở Việt Nam.
Trong phiên hội thảo chiều ngày 23/11/2024, các bậc phụ huynh được chia sẻ về kỹ thuật nuôi dạy trẻ, cách giao tiếp phù hợp để khuyến khích và kích thích sự tò mò, sáng tạo và niềm vui trong học tập cũng như các chiến lược giúp phát triển tâm - thể - trí của con trẻ. Ngoài 3 diễn giả ở phiên sáng, phiên chiều còn có sự góp mặt của bà Yvette Jeffrey - Hiệu trưởng khối Mầm non và Tiểu học TH School.
Ở ngày hội thảo thứ hai, các giáo viên và nhà quản lý giáo dục được khám phá những phương pháp giáo dục sáng tạo, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Song song với đó, các công cụ, chiến lược để theo dõi và thúc đẩy sự an lành, hạnh phúc của học sinh, đồng thời khuyến khích tư duy phản biện và tầm nhìn toàn cầu… cũng được chuyên gia quốc tế hướng dẫn chi tiết trong chương trình.
Với gần 20 bài diễn thuyết tâm huyết, tiếp cận chủ đề hạnh phúc trong giáo dục một cách đa chiều và sâu sắc, Hội thảo trang bị cho các giáo viên, nhà quản lý giáo dục và phụ huynh những kiến thức và kỹ năng cần thiết để nuôi dưỡng sự an lành của học sinh. Đồng thời, sự kiện cũng góp phần thúc đẩy hợp tác, phát triển chuyên môn và truyền cảm hứng cho khách tham dự, lan tỏa hạnh phúc trong cộng đồng giáo dục và tạo cơ hội để các nhà lãnh đạo giáo dục, thầy cô giáo cùng phụ huynh học tập, giao lưu và chia sẻ.
Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tự hào sở hữu đội ngũ nhân lực là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam và quốc tế, là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và triển khai các giải pháp giáo dục đổi mới, sáng tạo và hiệu quả.
Trong gần 10 năm qua, Viện EDI đã khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nguồn nhân lực – đặc biệt là nhân lực trong ngành giáo dục – bằng những chương trình đào tạo, hội thảo và hội nghị chuyên ngành chuyên sâu, chia sẻ kiến thức và cập nhật các xu hướng giáo dục tiên tiến. Những khóa huấn luyện chuyên sâu mà Viện tổ chức đã góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực giảng dạy và quản lý cho giáo viên, góp phần xây dựng một cộng đồng giáo dục vững mạnh và năng động tại Việt Nam và trong khu vực.