Diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11 tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), Quy Nhơn, Bình Định, Hội thảo ICHCHAA đã mang đến những phiên thảo luận sôi nổi về tiềm năng và thách thức trong việc cải biên, đưa chất liệu văn hóa-lịch sử vào phim ảnh.
Hội thảo quốc tế Di sản lịch sử văn hóa và cải biên nghệ thuật được thực hiện với sự cộng tác của Trung tâm ICISE và Hội gặp gỡ Việt Nam, TNA Entertainment, UNESCO, ĐH Văn Lang. Hội thảo cũng là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án phim huyền sử Trưng Vương (She-Kings) do TNA Entertainment thực hiện.
Chia sẻ về mục đích của Hội thảo, NSX Janet Ngo, GĐ Hội thảo và cũng là GĐ điều hành TNA Entertainment cho biết: "Tôi hy vọng hội thảo lần này là cơ hội để chúng ta cùng đặt ra những vấn đề, chất liệu còn mâu thuẫn, khó nắm bắt trong lịch sử, văn hóa; cùng khai phá, thảo luận và đưa ra những nhận định tường minh, định hướng về nghệ thuật, lịch sử và văn hóa cho các tác phẩm cải biên".
Hội thảo đã cung cấp một không gian toàn diện để giới học thuật, các nhà nghiên cứu, đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất phim cùng trao đổi những thông tin khoa học về vấn đề cải biên chất liệu truyền thống, quá khứ Việt Nam, cùng thảo luận và thúc đẩy việc hiện thực hóa các ý tưởng vào dự án nghệ thuật. Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp nhằm cân đối những đòi hỏi khắc nghiệt của ngành công nghiệp điện ảnh về tính giải trí, tính mới lạ với những tiêu chí thẩm mĩ khắt khe của công chúng, của nhà quản lí trước các nhân vật, câu chuyện lịch sử được đưa lên màn ảnh.
Trong hai ngày, Hội thảo đã mang đến 8 phiên thảo luận, với 3 nhóm chủ đề chính "Tự sự (vi) lịch sử như là chất liệu điện ảnh – truyền hình", "Tiếp nhận, phê bình phim cải biên lịch sử và những kinh nghiệm thẩm mỹ" và "Sản xuất phim từ chất liệu lịch sử văn hóa trung đại: Những tiềm năng và thách thức".
Các diễn giả, nhà làm phim đã mang đến những nghiên cứu thú vị, nhận được sự quan tâm, đàm luận sôi nổi như "Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng: qua một số thư tịch và truyền thuyết" (TS Phạm Văn Ánh, Viện Văn học); "Cải biên chất liệu văn hóa dân gian trong điện ảnh Việt Nam và Hàn Quốc - trường hợp Trạng Tí phiêu lưu ký và Squid game (TS Lê Thị Tuân - ĐH Quốc gia Hà Nội); Chuyển thể các chất liệu văn hóa xưa thành phim điện ảnh - truyền hình: từ góc nhìn nghề nghiệp của đạo diễn (Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang)…
Bên cạnh đó, Hội thảo ICHCHAA 2022 còn cung cấp một không gian trưng bày và trình diễn những sản phẩm nghe nhìn có tính văn hóa lịch sử, như những đề xuất và gợi ý về các tự sự vi lịch sử có thể trở thành chất liệu khả thi, hấp dẫn cho điện ảnh – truyền hình đương đại.
Cùng với việc phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế về Di sản văn hóa - lịch sử và cải biên nghệ thuật ICHCHAA 2022, TNA Entertainment cũng đang xúc tiến nhiều dự định hợp tác toàn diện nhằm phát triển văn hóa - nghệ thuật lành mạnh. Thông qua việc sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật, TNA Entertainment mong muốn và khuyến nghị sự hợp tác của nhà sản xuất với giới khoa học, phát huy tinh thần sáng tạo trong cải biên điện ảnh dựa trên tài nguyên văn hóa - lịch sử của đất nước.
Hội thảo khoa học quốc tế này là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho việc tái sinh các chất liệu truyền thống, thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của NSX dự án She-Kings đối với tiền nhân qua việc sử dụng chất liệu lịch sử về Hai Bà Trưng, để chuyển tải tinh thần nhân văn và ngợi ca vai trò của người nữ trong công cuộc kiến tạo lịch sử đất nước.