Hội thảo diễn ra với bài trình bày từ các chuyên gia tới từ nhiều đơn vị khác nhau, mở ra góc nhìn rộng hơn đối với vấn đề an toàn thực phẩm và tình trạng về kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay. Ngoài ra, hội thảo cũng đã nhận được hơn 50 bài nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ nhiều Viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước.
Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã cho thấy tầm quan trọng của thực phẩm tới sức khỏe; những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường, hiệp hội, các tổ chức trong nước, quốc tế trong việc không ngừng tìm biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm. An toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng niềm tin giữa người tiêu dùng và các nhà sản xuất thực phẩm. Làm tốt công tác an toàn thực phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và thịnh vượng của ngành công nghiệp thực phẩm.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là trường đại học đa ngành, có đầy đủ thành phần cho chuỗi giá trị thực phẩm. Khoa Nông học, Tài nguyên và Môi trường, Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản, Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Kinh tế, Kế toán và quản trị kinh doanh… tạo nên chuỗi trong đào tạo, nghiên cứu và phục vụ xã hội; từ sản xuất, bảo quản, chế biến, lưu thông đến tiêu thụ… Học viện có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, phong phú với các đơn vị trong nước và quốc tế.
Hội thảo tạo cơ hội cho các thành viên tham dự giao lưu học thuật, chia sẻ các thông tin nghiên cứu bổ ích và tạo mạng lưới liên kết hợp tác sau này trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm nói riêng.
GS.TS. Trần Đức Viên phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo
Các đại biểu đã trình bày báo cáo khoa học về chủ đề như: Xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn vì sức khỏe; An toàn thực phẩm - góc nhìn từ quản lý nhà nước trong thời kỳ hội nhập; Biến đổi khí hậu và an toàn thực phẩm; Một số hợp chất có hại đối với sức khỏe sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm; Kế hoạch Hành động Quốc gia về phòng, chống AMR trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và kết quả nghiên cứu xác định quần thể gen kháng của vi khuẩn E. coli kháng carbapenem phân lập từ chất thải lợn và người chăn nuôi.
TS. Nguyễn Văn Thuận, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thành viên Dự án An toàn vì sự phát triển Safegro với chia sẻ "An toàn thực phẩm - góc nhìn từ quản lý nhà nước trong thời kỳ hội nhập".
TS. Trần Cao Sơn, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia với nội dung "Một số hợp chất có hại đối với sức khỏe sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm".
TS. Bùi Thị Dung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày kết quả "Bệnh sán lá lây truyền cho người qua thực phẩm và bước đầu thử nghiệm kiểm soát sinh học".
Trình bày tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tới người nghe một khái niệm khá mới ở Việt Nam về việc xây dựng "Văn hóa an toàn thực phẩm và vai trò của các trường đại học". Trong đó, văn hóa an toàn thực phẩm có vai trò gắn kết để tạo ra hiệu quả rõ rệt về an toàn thực phẩm. Các khái niệm mới về văn hóa an toàn thực phẩm tích cực, chủ động, phản ứng; thực trạng văn hóa an toàn thực phẩm trên thế giới và Việt Nam đã được giới thiệu. Vai trò của các trường giúp xây dựng và vận hành đào tạo ở các loại hình khác nhau sẽ giúp truyền tải văn hóa an toàn thực phẩm tới nhiều đối tượng hơn, dần ngấm sâu hơn cho mỗi cá nhân trong tổ chức.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Quản lý chất lượng thực phẩm trong toàn chuỗi đã được quan tâm và cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa thị trường thực phẩm cũng làm tăng thách thức trong quản lý nguy cơ mầm bệnh. Đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng vẫn gặp khó khăn ở cả quốc gia phát triển và đang phát triển. Hội thảo cũng đã đưa ra các kiến nghị và đề xuất nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, quản lý và phát triển an toàn thực phẩm và sức khoẻ ở Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của người dân.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Hội thảo quốc gia "An toàn thực phẩm và sức khoẻ" là một sự kiện quan trọng, giúp tạo một cái nhìn tổng quan hơn về thực trạng an toàn thực phẩm hiện nay. Hội thảo cũng là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và người tiêu dùng kết nối, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đề xuất chính sách, giải pháp giúp tăng cường nhận thức để tiếp tục hình thành kỹ năng, hành vi tốt trong sản xuất và tiêu dùng thực phẩm, góp phần xây dựng cộng đồng và thế giới khỏe mạnh hơn.