Hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục: Bắt đầu từ đào tạo giáo viên để kiến tạo những tiết học hạnh phúc

Quang Vũ | 20-12-2024 - 11:30 AM

Với nội dung thiết thực, hữu ích, hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục" do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức - với sự hỗ trợ của trường TH School và Tập đoàn TH - được các nhà quản lý giáo dục, giáo viên và phụ huynh tham dự đánh giá cao về chất lượng.

Phương pháp giúp học sinh phát triển toàn diện cả tri thức và tinh thần

Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực EDI với tầm nhìn chiến lược tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên, giáo viên là cái gốc để tạo nên những tiết học hạnh phúc, từ đó kiến tạo nên môi trường giáo dục tích cực mà người giáo viên không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức mà còn giúp học sinh hun đúc, rèn luyện trí tuệ cảm xúc, tất cả nhằm lan tỏa hạnh phúc trong giáo dục, giúp học sinh Việt Nam phát triển toàn diện và vươn xa trên trường quốc tế.

Hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục: Bắt đầu từ đào tạo giáo viên để kiến tạo những tiết học hạnh phúc - Ảnh 1.

Những tiết học hạnh phúc kiến tạo bởi những giáo viên được đào tạo bài bản về hạnh phúc trong giáo dục là nền tảng để đổi mới giáo dục cũng như xây dựng thế hệ tương lai phát triển toàn diện. (Ảnh một tiết học hạnh phúc tại trường TH School)

Tham gia Hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, hội thảo này đặc biệt có ý nghĩa khi được diễn ra trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ, trong đó, tất cả sự thay đổi nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, giúp con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cho những người xung quanh.

Để tạo môi trường giáo dục hạnh phúc, cần sự phối hợp khăng khít từ nhiều phía, bao gồm các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo và cả quý phụ huynh - những đối tượng ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Hội thảo được tổ chức thành nhiều phiên thảo luận khác nhau với những nội dung dành riêng cho từng đối tượng tham gia. Cụ thể, bao gồm khóa khai mạc dành cho nhà giáo dục, lãnh đạo nhà trường; hội thảo phụ huynh; hội thảo dành cho giáo viên.

Các nhà quản lý giáo dục: Góc nhìn toàn cảnh về Hạnh phúc trong giáo dục

Bằng những trải nghiệm cá nhân được đúc rút từ nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, ông Martin Skelton - cố vấn Sáng lập của TH School nhìn thấu nhu cầu của học sinh và trách nhiệm của giáo viên trong việc hướng tới những kết quả mang lại hạnh phúc trong giảng dạy và học tập. Ông chia sẻ: "Là một nhà giáo, tôi muốn được đánh giá dựa trên việc học sinh của tôi đã học được những điều tốt đẹp như thế nào". Từ chia sẻ này, có thể thấy, để truyền cảm hứng giáo dục toàn diện cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, vai trò của những người lãnh đạo nhà trường là vô cùng quan trọng, dẫn lối cho mọi quyết định, đường lối, phương cách mà nhà trường thực hiện để đào tạo ra thế hệ học sinh toàn diện cả về tri thức cũng như tinh thần hạnh phúc.

Hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục: Bắt đầu từ đào tạo giáo viên để kiến tạo những tiết học hạnh phúc - Ảnh 2.

Theo ông Martin, học sinh cần được đào tạo toàn diện cả về tri thức và tinh thần hạnh phúc

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần kiến tạo Hạnh phúc trong giáo dục chính là việc tạo môi trường học tập vui vẻ, tích cực để học sinh tìm thấy niềm vui khi đi học. PGS. TS Ngô Tuyết Mai, Giảng viên Đại học Flinders, Úc định nghĩa hạnh phúc trong giáo dục có thể đến từ những điều giản dị, như một nụ cười của người mẹ với con, từ nụ cười của thầy cô với học sinh của mình. Điều đặc biệt, theo bà, hạnh phúc trong giáo dục không dừng lại ở những khoảnh khắc thoáng qua mà là cả một hành trình vun đắp, nuôi dưỡng để mỗi đứa trẻ đều cảm thấy được yêu thương, được là chính mình và được tự do phát triển.

Khẳng định tầm quan trọng của việc giáo dục cảm xúc, PGS. TS Ngô Tuyết Mai dẫn lời nhà triết học Hy Lạp Aristotle: "Đào tạo trí óc mà không đào tạo trái tim thì không gọi là trí óc". "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, việc học cần phải gắn liền với niềm vui, sự khám phá bản thân. Học mà chơi, chơi mà học giúp các em học sinh tìm ra được tố chất của mình, điều này sẽ giúp các em cảm thấy hạnh phúc và tỏa sáng", bà giải thích.

Với phụ huynh: Sức mạnh của ngôn từ yêu thương, mở khóa kích hoạt con phát triển toàn diện

Tại phiên thảo luận dành riêng cho các bậc phụ huynh, các diễn giả lý giải sức mạnh của ngôn từ yêu thương, tích cực và những ảnh hưởng của chúng đến sự phát triển của trẻ, sức mạnh của giao tiếp khơi dậy phát triển tư duy.

PGS.TS Ngô Tuyết Mai khẳng định, khi nói đến trường học, người ta hay nghĩ đến các nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo nhà trường, giáo viên, nhưng không kém phần quan trọng chính là các phụ huynh. Vì phụ huynh là người thầy đầu tiên, cũng là người thầy thường xuyên của con. Mỗi ngày, chúng ta đều trò chuyện và gần gũi với con mình, vì vậy, việc có cùng tầm nhìn với con, cho con hạnh phúc thực sự là điều vô cùng quan trọng. Vì khi hạnh phúc, các con sẽ tìm thấy niềm vui trong học tập.

Hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục: Bắt đầu từ đào tạo giáo viên để kiến tạo những tiết học hạnh phúc - Ảnh 3.

Ông Thomas Hobson chia sẻ tại Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục

Nhà giáo dục mầm non, diễn giả quốc tế, chuyên gia tư vấn giáo dục, Thomas Hobson trong bài phát biểu "Giao tiếp với trẻ em để khơi dậy tư duy" của mình nhận định, ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng hàng ngày không đơn thuần là phương tiện trao đổi thông tin mà còn là chìa khóa giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cách những từ ngữ cụ thể, cùng thời điểm sử dụng, có thể tạo dựng nên một thế giới thực đầy ý nghĩa cho trẻ, theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực.

Theo dõi phiên thảo luận cho các bậc phụ huynh, người tham dự được học cách giao tiếp mà không rơi vào việc ra lệnh hay áp đặt để khuyến khích sự do và chủ động của trẻ, cách sử dụng ngôn từ yêu thương để khuyến khích trẻ khám phá, học hỏi từ thực tế xung quanh; cách trao cho trẻ cơ hội tự chịu trách nhiệm và phát triển khả năng tư duy độc lập ở trẻ; từ đó, giúp trẻ tìm ra những bài học từ những hành động của chính mình. Theo ông, đây chính là những thông điệp quan trọng nhất trong giao tiếp với trẻ mà nếu phụ huynh nắm được và thực hành nhuần nhuyễn có thể giúp khơi dậy tư duy tối đa cho trẻ.

Giáo viên: Tư duy và hành động để thúc đẩy hạnh phúc và sức khỏe cảm xúc xã hội trong trường học, lớp học

PGS. TS Ngô Tuyết Mai khẳng định, "Giáo viên phải là người hạnh phúc. Hàng ngày giáo viên nên tự hỏi mình sẽ gửi gắm điều gì vào ngân hàng hạnh phúc của người học. Đó có thể là nụ cười, lời khen, nhận xét tích cực, động viên… Nếu giáo viên không hạnh phúc thì không thể giúp được ai hạnh phúc". Chỉ khi nhận thức được sâu sắc điều này, các giáo viên mới có thể truyền cảm hứng, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện cả về tri thức và hạnh phúc trong tinh thần.

Thông qua những chia sẻ tại các bài phát biểu tại hội thảo, các giáo viên hiểu rõ hơn các cách thức quản lý, tổ chức, thực hành phương pháp hạnh phúc trong giáo dục thông qua những ví dụ dễ hiểu, chạm và đầy thực tế của các diễn giả, suy nghĩ về việc thay đổi phương pháp tiếp cận, truyền đạt với các học sinh…

Hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục: Bắt đầu từ đào tạo giáo viên để kiến tạo những tiết học hạnh phúc - Ảnh 4.

Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong giáo dục được tổ chức bởi EDI và trường TH School - tiên phong đào tạo, thấm nhuần phương pháp giáo dục hạnh phúc, từ các lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo, chuyên viên giáo dục. Nhờ việc chia nhỏ các chủ đề thảo luận và phân rõ đối tượng tham dự, hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong giáo dục tác động sâu đến suy nghĩ và hành động của những người tham gia. Không chỉ lãnh đạo, mà cả giáo viên và phụ huynh đều có thêm những hiểu biết sáng rõ và được truyền cảm hứng để vững tin hơn trên hành trình gieo mầm giáo dục hạnh phúc,

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM