Gần đây, câu chuyện về sự thật phũ phàng phía sau Thượng Hải danh viện - hội nhóm quy tụ toàn những phú bà "fake", những cô nàng đam mê sống ảo - đã nhanh chóng trở thành chủ đề được nhiều người bàn tán khắp mạng xã hội Trung Quốc. Vậy những cô gái có cuộc sống trong mơ, dường như chỉ thấy trên phim ảnh liệu có thực sự tồn tại? Hay chỉ là thói đua đòi nửa mùa của các cô gái mơ ước được chạm tay tới cuộc sống thượng lưu?
Một cô gái tên Lý Trung Nhị cho biết, vì tò mò, cô đã bỏ ra 500 tệ (khoảng 1,73 triệu đồng) để lẻn vào "danh viện" này, và tiết lộ những sự thật phũ phàng của các "phú bà" sang chảnh. Lúc đầu, cô tưởng mình đã gia nhập vào nhóm các cô gái trẻ thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội, trong nhóm các cô gái đều rất thanh lịch và có trí thức, họ thường xuyên bàn luận về những món đồ xa xỉ, bình luận về thơ ca, tranh hoạ.
Tuy nhiên sau khi gia nhập ít lâu, thì hỡi ôi, "danh viện" hào nhoáng ấy hóa ra chỉ là một nhóm chuyên đi mua chung, ghép đồ phiên bản cao cấp.
Các cô gái đã tham gia vào hội "phú bà", chỉ cần bỏ ra 85 tệ (khoảng 300 nghìn đồng) là đã có thể thong dong thưởng thức tiệc trà chiều trong khách sạn Ritz-Carlton đắt đỏ, và chỉ cần chi 125 tệ (khoảng 437 nghìn đồng) là đã có ngay 40 phút thoả thích chụp hình sống ảo trong khách sạn Bulgari nổi tiếng. Chiếc xe Rolls-Royce nổi tiếng đắt đỏ bỗng chốc trở thành phông nền chụp hình xuất hiện nhan nhản trong bức ảnh của các cô gái, hình ảnh những người chụp bên Rolls-Royce thậm chí còn nhiều hơn số lượng chiếc xe được bán ra.
Việc đăng những tấm hình sang chảnh, tận hưởng dịch vụ ở những địa điểm đắt đỏ, những khoảnh khắc ấy tuy ngắn ngủi nhưng đã phần nào thoả mãn được sự ham muốn vật chất, khát vọng về một cuộc sống giàu có, xa xỉ của nhiều cô gái trẻ hiện nay. Trong giây phút đắm chìm vào mộng tưởng ấy, dường như các cô gái ấy đã quên mất đó chỉ là ảo vọng xa vời, đánh mất cuộc sống thực từ lúc nào chẳng hay. Họ quên mất rằng sau khi chiếc đồng hồ điểm 12 giờ, đôi giày thuỷ tinh biến mất, thì họ sẽ lại trở về với cuộc sống thực tại, câu chuyện cổ tích bỗng chốc trở thành câu chuyện bị kẻ cười người chê.
Vì thể diện, vô tình đánh mất chính mình
Bức hình chụp những món đồ xa xỉ thì ra chỉ là sản phẩm được mua chung của các cô gái đam mê sống ảo. Lướt một hồi MXH, liếc mắt liền có thể nhận ra đặc điểm chung của những bức ảnh ấy. Những cô gái khoác trên mình chiếc áo choàng, "vô tình" để lộ logo đắt tiền của khách sạn, cầm cuốn tạp chí trông có vẻ rất tinh tế, trên chiếc khăn trải bàn tuyệt nhiên không có lấy một vết nhăn. Trông nho nhã thanh tao là vậy, ấy nhưng cuộc sống thực của họ hoá ra lại vô cùng hỗn độn.
Những "phú bà" sang chảnh hóa ra lại chẳng được "chanh sả" như vậy. Để có được bức ảnh hào nhoáng ấy, họ có thể kêu gọi vài cô gái khác cùng nhau thuê một phòng khách sạn rồi thoả thích chụp hình. Thậm chí, họ còn có thể chung nhau mua một đôi tất da chân.
Cuộc sống giả vờ thanh tao, có lẽ bắt nguồn từ nỗi cô đơn của những cô gái trẻ. Khi mà việc nỗ lực học tập, làm việc để có thể nâng cấp bản thân phải mất rất nhiều thời gian và công sức, thì việc nguỵ trang cho mình bằng hình thức bên ngoài, những tấm hình sống ảo được đăng trên mạng xã hội lại quá dễ dàng. Chỉ cần vài bức ảnh chụp đồ hiệu, ngồi trong chiếc xe hạng sang là họ đã được tung hô như những phú bà giàu có thực sự.
Sau khi tiếp xúc với cuộc sống giả tạo này quá lâu, họ tự tạo cho mình ảo tưởng về một tương lai tươi đẹp, tự cho rằng mình đã bước chân vào xã hội giàu có, có thể tiếp xúc với giới thượng lưu, hy vọng có thể tìm cho cho mình một anh chàng "phú nhị đại", sống một cuộc sống giàu sang mãi mãi về sau.
Và rồi đến một ngày, cái ảo tưởng do họ tự tạo ra lại làm tổn thương chính bản thân mình. Những chàng trai giàu có thực sự sẽ chẳng để mắt đến họ. Cuối cùng, họ chợt nhận ra mình đã bỏ lỡ thanh xuân đáng quý để theo đuổi sự xa xỉ chớp nhoáng và dần mất phương hướng rồi đánh mất chính bản thân mình.
Ánh hào quang giả dối
Kiều Muội, 27 tuổi, hiện là nhân viên văn phòng. Thu nhập hàng tháng của cô là 3.800 tệ (khoảng 13 triệu đồng), mỗi tháng cô phải bỏ ra 1.200 tệ (khoảng 4 triệu đồng) tiền thuê nhà. Sinh hoạt phí khoảng 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng), cô bỏ ra 500 tệ (khoảng 1,75 triệu đồng) tiền mua mỹ phẩm, số tiền còn lại cũng không còn bao nhiêu. Ấy vậy mà ngày nào cũng thấy cô cầm một ly Starbucks trên tay, mỗi ly có giá tới hơn 30 tệ (khoảng 100 nghìn đồng) mà không hề cảm thấy tiếc nuối. Đến cuối tuần, cô còn đi tham dự những buổi hoà nhạc sang chảnh.
Và đến khi hết tiền, cô lại gọi điện về xin cha mẹ. Được biết, cha mẹ cô đều là nông dân, mỗi ngày họ đều phải đi hái rau và đem ra chợ bán, thậm chí họ còn mang vài chiếc bánh theo người để tiết kiệm tiền ăn sáng.
Cuộc sống giả vờ sang chảnh, xuất phát từ tâm lý học đòi giới thượng lưu một cách mù quáng, nó không chỉ xuất hiện ở Trung Quốc mà còn làm mưa làm gió ở nhiều quốc gia khác. Nhiều cô gái muốn trở thành người thượng lưu, cố gắng trang điểm thật lộng lẫy, khoác lên mình những bộ cánh đắt tiền. Tuy nhiên "gầm gừ như hổ cũng chẳng thể biến thành hổ", liệu họ có thể thực sự hoà mình vào giới thượng lưu?
Một cư dân mạng cho rằng, giới nhà giàu thực sự sẽ không đời nào đăng những tấm hình khoe vật chất một cách nông cạn thế này lên MXH, mà ngược lại cuộc sống của họ đều vô cùng giản dị và khiêm tốn. Nếu cứ chỉ theo đuổi sự sang chảnh hào nhoáng, thì thứ mà chúng mang lại cũng chỉ là sự bành trướng hoang tưởng mà thôi. Sau khi trở về với hiện thực, họ sẽ cảm thấy chán ghét cuộc sống, bất chợt đánh rơi mất những cảm nhận về cái đẹp của cuộc sống.
Phi Phi sống cùng mẹ trong một khu tập thể cũ ở Trường Ninh, Thượng Hải. Cô là nhân viên kinh doanh cho một công ty nước ngoài, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 5.000 tệ (khoảng 17,5 triệu đồng).
Trước khi gia nhập Thượng Hải danh viện, Phi Phi chưa từng tới Ritz-Carlton, cũng chưa từng dùng bữa ở những nhà hàng đắt đỏ ở Lục Gia Chuỷ - một trong những khu vực trung tâm đắt đỏ bậc nhất của Thượng Hải. Những địa điểm đó cô chỉ từng thấy qua những bức ảnh trên MXH.
Cô được một người bạn giới thiệu tham gia nhóm "phú bà", Phi Phi cho biết hầu hết các cô gái trong nhóm Thượng Hải danh viện đều có điều kiện kinh tế giống như cô. Bình quân thu nhập khoảng từ 5.000-10.000 tệ (khoảng 17,5-35 triệu đồng). Phi Phi cho rằng tiêu tiền do chính mình vất vả kiếm được là những việc hết sức bình thường, có gì mà không được chứ?
Những điều Phi Phi nói cũng không phải là không có lý. Thực tế, mỗi người chúng ta đều bỏ tiền ra để sở hữu một thứ gì đó trong một khoảng thời gian nhất định. Người khác mua một chiếc túi Hermes và dùng nó trong mười mấy năm, thì cô sẽ bỏ ta 300 tệ (khoảng 1 triệu đồng) để thuê túi Hermes trong suốt một tuần. Người khác bỏ ra 4.000 tệ (khoảng 14 triệu đồng) để hưởng thụ một đêm trong khách sạn đắt tiền, thì cô ấy sẽ bỏ ra 100 tệ (khoảng 350 nghìn đồng) để đổi lấy 36 phút hưởng thụ chụp hình. Cũng chẳng có gì khác biệt, chỉ trừ bữa tiệc trà chiều môi không chạm tới trà mà thôi.
Cuộc sống mà trước đây đến trong mơ cũng không dám nghĩ tới, vậy mà giờ đây lại dễ dàng có được bằng cách ghép đơn vô cùng dễ dàng, cô cảm thấy giống như được mở ra một thế giới mới. Từ lúc gia nhập hội, số lượt like bài đăng của cô cũng tăng lên đáng kể. Dù biết rằng đang tự lừa dối chính bản thân mình, nhưng cảm giác được người khác ngưỡng mộ khiến cô không thể dừng lại được, cô cần sức mạnh từ ánh hào quang giả dối ấy để tiếp thêm chút tự tin cho cuộc sống tẻ nhạt của cô.
Chiếc hài Lọ Lem - ước mơ của mọi cô gái
Mục tiêu của các cô gái này là tìm những anh chàng nhà giàu có nhưng nông cạn, những anh chàng tuổi khá cao, đang gấp gáp tìm một cô gái để có thể sinh con nối dõi, nhưng lại không thể với tới những cô gái nhà giàu.
Cả Phi Phi và Kiều đều nhắc đến câu chuyện về Công chúa Lọ Lem. Phi Phi nói, có nàng Lọ Lem nào mà không muốn tìm cho mình chiếc hài thuỷ tinh chứ? Tuy nhiên, họ lại không nhắc tới nàng Lọ Lem sẽ ra sao khi không đi vừa chiếc hài. Trong thế giới thực, nếu họ thất bại trong cuộc chiến do chính mình tạo ra, thì ngay lập tức họ sẽ bị dồn tới mép vực. Không chỉ vậy, nếu các cô gái ấy chọn nhầm hoàng tử của đời mình, thì rất có thể sẽ phải trở về với hai bàn tay trắng, nợ nần dồn dập.
Thực chất, nếu sự ham muốn vật chất có thể kích thích một người cố gắng làm việc chăm chỉ, không ngừng phát triển bản thân thì đó cũng là một điều tốt. Tuy nhiên nếu cứ chỉ đắm chìm trong ảo mộng mà đánh mất chính bản thân mình, thì sẽ có một ngày bạn chợt nhận ra mình chẳng còn gì trong tay.
Tất cả chúng ta đều khao khát một cuộc sống tươi đẹp và tinh tế, nhưng rốt cuộc, cuộc sống tinh tế thực sự là như thế nào?
Cuộc sống tinh tế thực sự không thể hiện qua những bức ảnh sang chảnh đắt tiền được đăng trên mạng xã hội, mà là khí chất, là vẻ đẹp từ sâu bên trong mỗi con người, điều này chỉ có thể có được qua việc rèn luyện hàng ngày. Thế giới của bạn nằm trong những việc bạn đã trải qua, những cuốn sách mà bạn đã đọc, trong từng lời nói và cử chỉ của bạn, những điều này không một bức ảnh nào có thể thể hiện được. Chỉ có học thật nhiều, cố gắng phát triển bản thân, mới có thể có được cuộc sống tinh tế đích thực!
Nguồn: Toutiao, Tengxun