Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị trên toàn quốc đã tăng lên 6,1% vào tháng 4 năm nay, trong khi vào tháng 7, mùa tốt nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị từ 16 - 24 tuổi đã chiếm 19,9%. Những con số cụ thể này xuất hiện xung quanh chúng ta và dần biểu hiện rõ ràng trong cuộc sống như có người bắt đầu "tối giản hóa" lối sống do áp lực kinh tế, có người đóng cửa hàng buôn bán nhỏ, có người từ bỏ kế hoạch du học, hoãn đám cưới…
Dưới đây là lời tâm sự của 3 người trẻ đã từng trải qua cảnh không có thu nhập hoặc thu nhập không bõ bèn gì so với chi tiêu cho cuộc sống bình thường. Hãy để họ chứng minh tiền tiết kiệm có vai trò quan trọng như thế nào!
Taozi, 26 tuổi, đang làm trong ngành điện ảnh và truyền hình
Hồi mới ra trường, về cơ bản tháng nào cô cũng có thói chi tiêu theo cảm xúc, nhưng từ khi có dịch, cô không bao giờ dám tiêu hết tiền mặt trong ví. Thời điểm Covid-19 căng thẳng nhất, Taozi cũng không WFH (làm việc ở nhà) nên cũng không có lương. Đến khi cần mua thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày chuẩn bị cho chuỗi ngày cách ly, cô cũng không có nhiều tiền tiết kiệm.
Đó chính là thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc đời, Taozi phát hiện ra rằng nếu luôn không có tiền trong túi, nếu một ngày bị công ty sa thải thì cô có thể trả tiền thuê nhà của tháng tới không? Cô có đủ khả năng để ăn và uống Coke không? Nếu bị cho thôi việc, cô phải làm gì để sống trong khi tìm việc mới? Nghĩ đến đó, Taozi đã bắt đầu sống cuộc sống của mình một cách cẩn thận hơn.
Biểu hiện rõ ràng nhất của việc lập kế hoạch cẩn thận là giảm những khoản chi. Cô đã từng sử dụng một loại mặt nạ có giá hơn 10 tệ (khoảng 32 ngàn), nhưng bây giờ cô không cần nó nữa. Taozi đi ngủ sớm, dậy sớm và tập thể dục nhiều hơn, và làn da trở nên tốt hơn. Cô hay đi siêu thị mua nho Qingwang nhưng thấy nho Kyoho vừa rẻ vừa ngon nên mua ngay mà chẳng do dự nhiều. Taozi cũng bớt đi ăn ngoài và thường xuyên đổi món khi ăn ở nhà, không những tốt cho sức khỏe mà còn giảm cân khá hiệu quả.
Ngoài ra, cô cũng dành nhiều thời gian ở nhà hơn thay vì những bữa tiệc giết thời gian. Taozi không cần phải mua thêm quần áo, hai đôi giày thể thao và hai bộ quần áo mặc ở nhà là đủ. Nhiều thứ mà trước đây cô nghĩ là nên mua, nhưng bây giờ lại không mua chúng vì cơ bản là chúng không hề cần thiết. Từ từ, cuộc sống trở nên đơn giản hơn, Taozi phát hiện ra rằng cách sống tiết kiệm nhất và dễ dàng áp dụng chính là: tự nấu những món ăn tốt cho sức khoẻ, tập thể dục và đọc sách. Nó không tốn nhiều tiền, và nó làm cho cuộc sống trở nên phong phú hơn rất nhiều.
Hay câu chuyện của Xiao Ying, 32 tuổi, thu ngân tại một chuỗi siêu thị.
Xiao Ying là nhân viên thu ngân làm việc lâu năm trong một chuỗi siêu thị trong thành phố. Mấy năm nay cửa hàng luôn tuyển lao động lẻ nhưng từ cuối năm ngoái đến nay lại ít tuyển được người. Không chỉ vậy, đầu năm, một số đồng nghiệp xung quanh đã bị đuổi việc vì nhiều lý do như đi muộn về sớm, mắc lỗi trong thời gian làm việc nhưng không ngờ lại bị đuổi thẳng tay như vậy. Họ trong lòng đều biết đây chỉ là một cái cớ, kỳ thật là lợi nhuận không được như trước nên siêu thị cũng sẽ không tạo công ăn việc làm cho nhiều người như vậy.
Người quản lý biết cô ấy vẫn phải nuôi con đang học cấp 1, nên có một vài lần mắc sai lầm nhỏ, bà ấy đều chỉ nhắc nhở nhẹ hoặc nhắm mắt cho qua. Nhận thấy công việc không ổn định nên hai năm nay họ đều thắt lưng buộc bụng trong cuộc sống. Xiao Ying thường thấy trên mạng có người nói muốn sống cuộc sống tối giản, bây giờ cô cũng đang sống tối giản hết mức nhưng không phải vì thích lối sống đó mà vì cô không có tiền.
Cô cảm thấy rằng giá cả của nhiều thứ đã tăng lên, nhưng tiền lương vẫn không thay đổi và thấy rằng mình không thể mua được nhiều thứ bằng tiền lương. Cô thường đến các cửa hiệu bán đồ cũ để sắm sửa đồ đạc cần thiết và về cơ bản, họ luôn mặc quần áo của năm ngoái. Trước đây, Xiao Ying thường mua các sản phẩm chăm sóc da và đồ dùng nhà bếp trên mạng, bây giờ hầu hết là mì khô và đồ đông lạnh.
Hai ngày trước, Xiao Ying mua bốn quả đào, một nải chuối và hai quả táo với giá 40 tệ (khoảng 133 ngàn), tương đương với hai bữa ăn. Cô đã từng nghĩ rằng 20 tệ (khoảng 65 ngàn) cho một bữa ăn là rất đắt, nhưng ở một thành phố lớn, bằng này tiền chỉ có thể ăn một hộp cơm bình thường nhất, vừa đủ no. Thực ra, chỉ cần sống là được, nếu muốn tiết kiệm nhiều, bạn có thể chỉ tiêu chưa đến 5 tệ (khoảng 16 ngàn) một ngày bằng mì gói và trứng nhưng ai tính được tiền nhập viện trong tương lai vì những thứ không tốt cho sức khoẻ này là bao nhiêu.
"Sau khi bị cho thôi việc, khoản nợ vay mua nhà lại khiến tôi hối hận" - theo lời He Lei, 35 tuổi, giám đốc dự án
Quyết định hối hận nhất mà anh từng thực hiện trong đời là mua một căn nhà trong đợt dịch bệnh. Lúc đó, He Lei không nghe lời khuyên và muốn có một ngôi nhà nhỏ của riêng mình ở thành phố lớn nên đã mua một căn bằng số tiền dành dụm được mười mấy năm đi làm. Trả trước 600.000 tệ (khoảng 2 tỷ), vay 1,4 triệu tệ (khoảng 4.6 tỷ), hàng tháng trả hơn 7.000 tệ (khoảng 23 triệu). Nhưng sau khi chuyển đến nhà mới, anh không hạnh phúc như bản thân tưởng tượng.
Cảm giác này là do sự bất an khi không còn một khoản tiết kiệm nào. Sau khi trả góp xong chỉ để dành được ít tiền, trang trí nhà cửa cũng không dám, ốm đau cũng không dám, nếu tiêu trên 100 tệ (khoảng 334 ngàn) một chút thì phải cân nhắc. Cảm giác an toàn ở một thành phố lớn được tăng lên vì có nhà, nhưng khi nhìn thấy hóa đơn thanh toán hàng tháng thì cảm giác lang thang bất định vẫn còn đó.
Điều khiến He Lei lo lắng nhất là vào tháng 3 năm nay, hoạt động của công ty không tốt, toàn bộ dây chuyền kinh doanh bị cắt đứt, và anh cũng bị cho nghỉ việc. Việc tìm kiếm việc làm rất khó khăn, các vị trí phù hợp rất ít và mức lương cũng không hề tốt. Lúc đó, dù đang cực kỳ hoang mang nhưng không dám nói cho bố mẹ biết tin thất nghiệp, không muốn chia sẻ năng lượng tiêu cực với bạn bè, đang không biết ngày mai làm gì, ăn gì nhưng vẫn nhận được thông tin nhắc nhở trả nợ đúng hạn hàng tháng.
Đến tháng 6 năm nay, để giảm bớt áp lực vay tiền mua nhà, anh đã đi làm tạm ở một công ty có mức lương thấp hơn nhưng cũng đủ để trả khoản vay. Mặc dù vẫn còn nhiều phân vân về tương lai, nhưng chúng ta hãy cố gắng lên. Đến cuối cùng vẫn sẽ có một lối thoát mới, phải không?
Sau cùng, tiền tiết kiệm thực sự rất quan trọng, bạn hãy tập bỏ thói quen tiêu tiền hoang phí. Nhiều người khi thấy thích món gì thì lập tức mua mà chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, không có đủ tiền mặt thì dùng thẻ tín dụng để mua. Trên thực tế, thời gian và một cơ thể khỏe mạnh mới là những thứ quan trọng nhất đối với mỗi người. Nhưng đôi khi vì những thói quen tiền bạc tiêu cực, nhiều người không có nhận thức về rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Hãy tiêu dùng có kế hoạch.
Nguồn: Zhihu