Hội đồng Tư vấn Du lịch hiến kế cho Thủ tướng với 4 kịch bản, 10 giải pháp giúp du lịch Việt Nam phục hồi từ coronavirus

Hoàng An | 15-02-2020 - 10:07 AM

(Tổ Quốc) - Nghiên cứu ban đầu của Hội đồng Tư vấn Du lịch cho thấy tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20% đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy vào vị trí ở các thành phố lớn (Hà Nội và TP.HCM) hay ở các địa danh nghỉ dưỡng (Sa Pa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cam Ranh, Nha Trang và Phú Quốc).

Ngày 14/2, Hội đồng tư vấn Du lịch đã có một bức thư gửi Thủ tướng, kiến nghị với Chính phủ về việc hỗ trợ ngành du lịch vượt qua nạn dịch Covid-19. Trong bức thư này, Hội đồng tư vấn Du lịch cũng đưa ra các phân tích, nghiên cứu sơ bộ về tác động thực tế của coronavirus đến ngành cũng như các kiến nghị nhằm phục hồi một ngành kinh tế quan trọng của quốc gia sau dịch bệnh.

Đối với các công ty quản lý điểm đến và các doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM, Hà Nội và Hạ Long, Hội đồng ghi nhận mức giảm khoảng 50% khách so với cùng kỳ năm ngoái. 

Mảng MICE (hội nghị, hội thảo, triễn lãm) bị thiệt hại nặng nhất do nhiều công ty quốc tế lớn cấm cán bộ, nhân viên của họ đi nước ngoài. Các doanh nghiệp khách sạn ở Cam Ranh/Nha Trang cho biết tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn chuyên đón du khách Trung Quốc giảm tới 98%, còn các khách sạn phục vụ đa dạng đối tượng khách thì bị hủy đặt buồng trung bình 50% và số lượng đặt buồng tương lai bị hủy tới 70%. Các thị trường tốt nhất tại thời điểm này chủ yếu là Vương quốc Anh, Châu Âu và Úc, với mức sụt giảm đặt buồng mới chỉ cỡ 20%, trong khi thị trường Mỹ bị giảm 40% và Nga giảm 50%.

Các hãng hàng không Việt Nam bị thiệt hại rất nặng vì các chuyến bay đến Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan đã bị hủy hoàn toàn hoặc bị hạn chế đáng kể, với mức sụt giảm khoảng 50% đối với số lượng đặt chỗ chuyến bay quốc tế khu vực và 40% đối với đặt chỗ chuyến bay nội địa. Điểm sáng hơn duy nhất là các thị trường đường dài, nơi nhu cầu thị trường mới chỉ giảm khoảng 20%.

Các điểm tham quan du lịch và điểm đến du lịch lớn đều bị thiệt hại. Ví dụ, trong dịp Tết và vào các ngày thường, vịnh Hạ Long thường đón 7.000 đến 8.000 khách mỗi ngày, nhưng hôm thứ Hai ngày 12/2, số khách chỉ còn 2.300, đa phần là khách châu Âu. Các chủ cửa hàng và gian hàng tại các chợ ở TP.HCM và các thành phố khác cho biết nhìn chung tình hình kinh doanh giảm 50% vì không còn khách Trung Quốc, trong khi khách Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã vắng hơn nhiều.

Hội đồng Tư vấn Du lịch hiến kế cho Thủ tướng với 4 kịch bản, 10 giải pháp giúp du lịch Việt Nam phục hồi từ coronavirus  - Ảnh 1.

Hồi dịch SARS bùng nổ năm 2013, có tới 400.000 khách du lịch nước ngoài hủy tour đến Việt Nam. Tuy nhiên, ngành du lịch hồi đó có quy mô nhỏ hơn nhiều và tỷ lệ đóng góp trực tiếp của nó vào GDP Việt Nam ít hơn nhiều (dưới 4%). 

Ngày nay, ngành du lịch đã đóng góp tới 9,2% GDP Việt Nam và đóng góp gián tiếp và lan tỏa vào GDP Việt Nam có thể lên đến 18%. Bên cạnh đó, ngày trước, chúng ta còn có thể đa dạng hóa thị trường về địa lý, vươn tới Úc, châu  Âu, Hàn Quốc thay vì tập trung vào Nhật Bản. Vì thế, Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng dịch Covid-19 có tác động nặng hơn nhiều đối với ngành du lịch Việt Nam trong năm nay.

Căn cứ vào kết quả thảo luận giữa các thành viên TAB, Hội đồng có một số kiến nghị cho các hành động của ngành và của Chính phủ:

Các kịch bản kế hoạch tương ứng với bốn cấp độ dịch bệnh và các hành động Hội đồng đề xuất định hướng cho toàn ngành.

Hội đồng Tư vấn Du lịch hiến kế cho Thủ tướng với 4 kịch bản, 10 giải pháp giúp du lịch Việt Nam phục hồi từ coronavirus  - Ảnh 2.

Kịch bản 1:

Tình huống: Tình hình không quá nghiêm trọng, có thể kiểm soát được, Chính phủ công bố chỉ một ít vùng bị dịch với một ít ca nhiễm.

Hành động: Khuyến cáo khách du lịch lưu ý khi đi du lịch đến những vùng có dịch.

Kịch bản 2:

Tình huống: Tình hình tương đối nghiêm trọng, Chính phủ công bố một số vùng bị dịch với tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng và số ca nhiễm bệnh được xác nhận ít hơn 20.

Hành động: Đóng cửa tất cả các điểm du lịch trong nhà tại các vùng bị dịch; Khuyến cáo khách du lịch lưu ý khi đi đến các vùng có dịch.

Kịch bản 3:

Tình huống: Tình hình nghiêm trọng, Chính phủ công bố nhiều vùng bị dịch với tình trạng lây lan trong các cộng đồng, một số người bị tử vong do dịch và số ca nhiễm bệnh được xác nhận nằm trong khoảng 20 đến 1.000.

Hành động: Đóng cửa tất cả các điểm du lịch tại các vùng bị dịch; đóng cửa tất cả các điểm du lịch trong nhà ở các vùng khác; Khuyến cáo cấm khách du lịch đi đến các vùng bị dịch và khuyến cáo khách du lịch lưu ý khi đi đến các vùng khác.

Kịch bản 4:

Tình huống: Tình hình rất nghiêm trọng, Chính phủ công bố nhiều vùng bị dịch, nhiều ca tử vong do dịch tại vùng bị dịch. Bệnh dịch lan tràn trong nhiều cộng đồng với số ca nhiễm bệnh được xác nhận quá 1.000.

Hành động: Đóng cửa tất cả các điểm du lịch; Khuyến cáo cấm khách du lịch đến các vùng bị dịch và hạn chế khách khách du lịch đến các vùng khác.

Phân kỳ và các hành động được khuyến cáo cho ngành du lịch Việt Nam

Giai đoạn 1: Chống dịch

Từ nay đến khi Việt Nam công bố ngăn chặn hoàn toàn dịch Covid-19:

Hành động: Thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ để bảo vệ người dân và cộng đồng. Tùy thuộc kịch bản (như trên), truyền thông rõ ràng tới các thị trường nguồn và chúng ta có thể thực hiện tăng cường hoạt động quảng bá ở một số thị trường nguồn cụ thể (chủ yếu là thị trường đường dài). Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Giai đoạn 2: Từ khi Việt Nam ngăn chặn được dịch đến khi cả thế giới hết dịch

Từ khi Việt Nam công bố ngăn chặn được dịch Covid-19 đến khi các nước còn lại trên thế giới công bố đã ngăn chặn được dịch.

Hành động: Tập trung xúc tiến quảng bá cho thị trường nội địa và thị trường đường dài.

Giai đoạn 3: Sau khi toàn cầu hết dịch

Sau khi Trung Quốc công bố ngăn chặn được dịch Covid-19

Hành động: Tung công suất và đẩy mạnh các chương trình quảng bá tại Trung Quốc và Đông Nam Á. Tiếp tục quảng bá ở thị trường nội địa và thị trường đường dài.

Hội đồng Tư vấn Du lịch kiến nghị Chính phủ áp dụng càng sớm càng tốt 10 biện pháp:

1. Miễn thị thực và kéo dài thời hạn lên 30 ngày, cho phép trở lại bất kỳ lúc nào đối với các thị trường ổn định nhất là Vương quốc Anh, châu  Âu, Úc, New Zealand và Canada. Chính sách miễn thị thực này bước đầu có thể cho giai đoạn đầu 12 tháng.

2. Cần có cơ quan cung cấp thông tin cho những người dự định đến Việt Nam về những quy định hiện hành liên quan đến kiểm tra sức khỏe tại cửa khẩu, yêu cầu về kiểm dịch... Cần có một trang web thường xuyên cập nhật những thông tin trên, ít nhất bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

3. Biên soạn một tài liệu nêu những kinh nghiệm tốt để các khách sạn, hãng hàng không, sân bay, các ga tàu hỏa và bến xe áp dụng nhằm bảo vệ nhân viên, du khách và cộng đồng khi dịch bệnh bùng phát cao điểm.

4. Giảm ngay thuế GTGT du lịch từ 10% xuống 5%. Cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng không bị phạt. Việc nộp thuế chậm có thể áp dụng đối với các khoản thuế GTGT của Q4, 2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cho năm 2019.

5. Bên cạnh đó, Hội đồng tư vấn cũng kiến nghị một số biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành du lịch như sau:

Chúng tôi đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chỉ thị hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19  và việc một số ngân hàng giảm lãi suất cho các khoản vay đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và giãn trả nợ vay. Tuy nhiên, chúng tôi thiết tha đề nghị không cung cấp các khoản trợ cấp và các khoản vay khẩn cấp cho các tập đoàn, tổng công ty lớn vì việc đó sẽ tạo ra sự đối xử không công bằng và méo mó trên thị trường. Chúng tôi cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực hơn nữa trong việc ban hành các biện pháp hỗ trợ để có thể được áp dụng ngay trong thời gian rất khó khăn này.

Một số biện pháp khác có thể xem xét như miễn các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến khi dịch virus kết thúc.

Đề nghị giảm tiền sử dụng đất 50% cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và công viên chủ đề cho năm tài chính 2020 và 2021.

6. Chỉ đạo các cơ quan nhà nước giảm bớt các cuộc thanh, kiểm tra không cần thiết cho các doanh nghiệp trong ngành. Các cuộc thanh, kiểm tra tiêu tốn rất nhiều thời gian, nguồn lực của các doanh nghiệp vốn đang rất mỏng manh dễ vỡ.

7. Giải ngân cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia để thực hiện kế hoạch hành động tiếp thị và quảng bá thông qua các nền tảng của TCDL và Tổ công tác Marketing của TAB (cổng thông tin Vietnam.travel và các Văn phòng đại diện Visit Việt Nam). Sớm thực hiện các kiến nghị trước đây của TAB về việc triển khai Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

8. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của Chính phủ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ tăng trưởng trong tương lai. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, nâng cấp các sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Bài và Đồng Hới, xây dựng mới sân bay Chu Lai và thúc đẩy mở rộng sân bay Nội Bài. Chúng ta cũng cần sớm hoàn thành đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ và một số đoạn của đường cao tốc Bắc - Nam.

9. Đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép cho các doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với ngành du lịch như hàng không, sân bay và các doanh nghiệp hàng không chung.

10. Khuyến khích chính quyền các tỉnh có các điểm đến quan trọng nâng cao và duy trì ở mức cao các tiêu chuẩn vệ sinh và hành vi thân thiện giữa người dân địa phương và khách du lịch, tránh phân biệt đối xử dưới mọi hình thức với bất kỳ nhóm người nào. Nguyên tắc này cần phải duy trì ngay cả sau khi dịch bệnh ngăn chặn hoàn toàn.

Hội đồng Tư vấn Du lịch hiến kế cho Thủ tướng với 4 kịch bản, 10 giải pháp giúp du lịch Việt Nam phục hồi từ coronavirus  - Ảnh 4.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM