Hỏi: "Đồng nghiệp đã nghỉ việc hỏi vay tiền, bạn có cho hay không?" Biết cách trả lời EQ cao thì khỏi lo mất cả tiền lẫn bạn

Thuý Phương | 22-11-2021 - 13:09 PM

(Tổ Quốc) - Câu trả lời có sự tính toán, chỉn chu thể hiện EQ cao của ứng viên đã khiến nhà tuyển dụng vô cùng ưng ý. Nếu biết cách trả lời như này thì khỏi lo bị đồng nghiệp đã nghỉ việc hỏi vay tiền.

Trong cuộc phỏng vấn tại nơi làm việc, đa số những câu hỏi phỏng vấn thông thường sẽ tìm hiểu về những phẩm chất cơ bản và thành tích trong quá khứ của người xin việc.

Bên cạnh đó, còn có một số câu hỏi phỏng vấn độc đáo và đặc biệt để kiểm tra khả năng tư duy và phản ứng tại chỗ của người xin việc. Thông qua đó, họ có thể nhận ra cả EQ của mỗi ứng viên có phù hợp với kỳ vọng của mình hay không.

Vì vậy, một số câu hỏi phỏng vấn có vẻ kỳ lạ, nhưng chúng đều ẩn chứa những mục đích nhất định của nhà tuyển dụng.

Anh Chu là người thuộc thế hệ giữa 9x, nhưng mới chỉ gắn bó với 1 công ty trong suốt nhiều năm đi làm. Do đó, khi thực hiện phỏng vấn tìm việc mới, tuy tự nhận thấy mình có đủ kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp nhưng anh Chu vẫn vô cùng hồi hộp, sợ bản thân thể hiện không đủ tốt.

Điều khiến anh ấn tượng nhất trong buổi phỏng vấn chính là một câu hỏi bất ngờ đến từ vị quản lý: “Nếu một người đồng nghiệp đã từ chức cách đây ít lâu, đột nhiên liên hệ và hỏi vay tiền, bạn có cho hay không?”

Trong một suy nghĩ lóe lên lúc đầu, anh Chu định thẳng thừng bày tỏ sự từ chối vì “cho bạn vay tiền là mất cả tiền lẫn bạn”, đây là điều mà mọi người trong xã hội hiện nay đều ngầm hiểu với nhau.

Nhưng khi nghĩ đến mục đích mà nhà tuyển dụng đưa ra, anh Chu đã cẩn thận suy nghĩ lại.

Hỏi: Đồng nghiệp đã nghỉ việc hỏi vay tiền, bạn có cho hay không? Biết cách trả lời EQ cao thì khỏi lo mất cả tiền lẫn bạn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau đó, anh bình tĩnh trả lời: “Tôi sẽ đưa ra câu trả lời dựa trên hai điều. Đầu tiên, tôi chỉ cho 2 kiểu người duy nhất vay tiền. Một là người mà tôi tin tưởng chắc chắn sẽ trả lại tiền đã vay, hai là người mà tôi thậm chí không nghĩ đến việc đòi tiền họ luôn cũng được. Vì vậy, nếu đồng nghiệp đã nghỉ việc hỏi vay tiền là một trong 2 kiểu người này, tôi có thể đồng ý ngay lập tức.”

“Tuy nhiên, nếu người đó chỉ là đồng nghiệp đơn thuần, không thuộc hai kiểu người trên, tôi sẽ phải suy nghĩ kỹ hơn.” Anh Chu nói thêm.

Nhà tuyển dụng hỏi lại: “Nếu người mà anh tin tưởng lại phản bội niềm tin của anh thì sao?”

Anh Chu đáp: “Nếu trường hợp như vậy xảy ra, tôi tự nhận mình mắt kém, không biết nhìn người. Nhưng tri nhân tri diện bất tri tâm, ngoại trừ rút kinh nghiệm và cẩn thận hơn cho lần sau, chúng ta cũng chẳng thể làm gì khác được.”

Nhà tuyển dụng tiếp tục hỏi: “Vậy nếu đồng nghiệp không thuộc 2 kiểu người trên, anh sẽ làm gì?”

Anh Chu cho rằng: “Đây chính là điều thứ 2 tôi muốn nói. Quan hệ giữa đồng nghiệp bình thường với nhau chỉ nên được liên kết bằng công việc, chứ không phải tiền bạc. Do đó, nếu không vì sự tình đặc thù, tôi sẽ tận lực từ chối, không để những rắc rối không đáng có phát sinh. Cho dù họ đã nghỉ việc thì điều này không có nghĩa chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại nhau, cho nên dù là từ chối cũng phải khéo léo một chút.”

“Cá nhân tôi sẽ nói mình cũng đang vay nợ thẻ tín dụng, mỗi tháng phải trả góp khá nhiều nên không dư dả cho vay. Đồng thời, tôi sẽ gợi ý người đó có thể tìm hiểu các loại thẻ tín dụng xem sao.” Anh Chu nói, “Từ chối và gợi ý một giải pháp khác là cách mà tôi thường sử dụng.”

Câu trả lời của anh Chu đã khiến đối phương mỉm cười tán thưởng. Vì nền tảng cơ bản của anh đã khá tốt, cộng thêm ấn tượng từ câu hỏi tình huống, vị quản lý đã đồng ý cho cơ hội tuyển dụng ngay lập tức.

Trên thực tế, câu hỏi này được đề ra để xem xét cách bạn xử lý các mối quan hệ với đồng nghiệp như thế nào. Điều này thể hiện EQ cần có để có thể “đi đường dài” trong mỗi doanh nghiệp.

Hỏi: Đồng nghiệp đã nghỉ việc hỏi vay tiền, bạn có cho hay không? Biết cách trả lời EQ cao thì khỏi lo mất cả tiền lẫn bạn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Gợi ý một số cách từ chối khéo léo khi đồng nghiệp vay tiền

Nói khéo rằng mình đang hết tiền: Khi muốn từ chối một cách nhẹ nhàng, chúng ta có thể lấy lý do vừa đóng tiền điện/tiền nhà tháng này, vừa mua quà sinh nhật cho bạn, vừa đi đám cưới… Đây là những lý do bất khả kháng thường thấy, mọi người đều có thể chấp nhận được. 

Vừa cho người khác mượn tiền: Cách từ chối này thường kèm theo câu “Sao anh/chị không nói sớm?” “Em vừa cho một người bạn mượn tiền trước đó rồi.” Khi từ chối theo cách này, họ sẽ không thể trách bạn “keo kiệt” vì không phải bạn không muốn cho mượn tiền, mà là vì bạn đã cho người khác mượn trước rồi. Tuy nhiên, cách này không thể áp dụng quá nhiều lần.

Gợi ý giúp đỡ theo cách nào khác ngoại trừ tiền: Khi từ chối, nên nói chuyện tìm hiểu lý do mà người đó cần vay tiền để đưa ra một gợi ý hoặc giải pháp có thể giúp đỡ theo cách khác. Nếu họ gặp khó khăn vì thất nghiệp, bạn có thể chỉ ra một vài công ty đang tuyển người, hoặc một vài group tuyển dụng uy tín. Nếu họ có vấn đề sức khỏe, bạn có thể gửi tặng chút hoa quả bổ dưỡng… Điều này sẽ khiến người bị từ chối được an ủi phần nào.

Đang có kế hoạch chi tiêu lớn trong tháng này: Bất kể thứ gì như là máy tính bảng cho bố, bộ quần áo cho mẹ, lo tiền học phí cho con… Hãy nhấn mạnh tầm quan trọng của đồ vật đó để đối phương biết được rằng, khoản tiền của mình đã có mục đích sử dụng và không thể cho vay. Cần lưu ý rằng, các khoản chi không nên quá lớn vì điều này đồng nghĩa với việc bạn đang có nhiều tiền nhàn rỗi trong tay, họ có thể yêu cầu “mượn rồi trả gấp”.

*Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM