Quá kỳ vọng vào điểm số của con gái nhưng kết quả năm học vừa rồi không như ý, chị Dương Dung (Mai Dịch, Hà Nội) dự định hè này sẽ quyết tâm cho con đi học để lấy lại "vị thế" trong lớp.
"Con tôi hết hè này vào lớp 9. Năm trước, ngoài việc học ở trường, tôi cho cháu đi học thêm các môn Văn, Toán, Anh văn, Hóa học ở trường và trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ. Ngoài ra, buổi tối ở nhà cháu còn được gia sư kèm cặp thêm. Tuy nhiên, kết quả học tập của cháu vẫn không đạt được như mong muốn. Cháu cũng đạt được học sinh giỏi nhưng thứ hạng và điểm số không cao, làng nhàng ở mức điểm 8 hoặc 8,5.
Ngoài ra, cô giáo dạy Toán cho biết là cháu học môn hình học không tốt lắm. Cháu cũng không đạt kết quả như ý trong kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi Toán, tiếng Anh của trường cũng như kỳ thi giải toán qua mạng Internet. Vì vậy, vợ chồng tôi dự định hè này sẽ cho cháu đi học thêm các môn trên, hy vọng sẽ cải thiện kết quả học tập của cháu", chị Dung cho hay.
Là người ủng hộ việc cho trẻ nghỉ hè 3 tháng, song chị Phan Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đau đầu khi nghĩ về việc học của con nếu nghỉ quá dài như vậy.
"Bé út nhà tôi học lớp 5, tôi không quá khắt khe việc con được nghỉ trọn vẹn đợt hè nhưng trong lòng cũng không ít lo lắng bởi các bạn trong lớp ai cũng đi học thêm. Nếu con không học thì sẽ bị tụt lùi lại so với các bạn", chị Thủy giải thích.
Học sinh sợ nghỉ hè vì vẫn phải đi học
Do đó, chị hy vọng thời gian nghỉ hè ngắn hơn, các kỳ nghỉ lễ khác có thể kéo dài hơn một chút để cân bằng. Như vậy con chị không quên hết kiến thức, đồng thời nhà trường cần quy định những học sinh khác cũng không học trước nội dung năm sau quá nhiều.
Về phía các em học sinh, nghỉ hè thời nay không còn là niềm háo hức mong đợi mà đang trở thành "cơn ác mộng" khi lịch học thêm dày đặc đang chờ các em ở phía trước.
Em Nguyễn Q.A (học sinh lớp 8, trường THCS Phụng Thượng, Hà Nội) cho biết: "Mẹ chỉ cho con nghỉ 1 tuần về thăm ông bà còn sau đó sẽ tham gia lớp học Toán, tiếng Anh, ngữ Văn và học đàn. Nghỉ hè khổ lắm, thà bọn con cứ đi học như thường còn hơn. Đi học trong năm còn có bạn bè thân, có người để tâm sự, vui chơi. Còn đi học hè thì kín cả tuần, chẳng có thời gian nghỉ ngơi".
Có thể thấy, câu chuyện có nên hay không cho trẻ học hè luôn trở thành đề tài nóng mỗi dịp kết thúc năm học. Theo các chuyên gia giáo dục, quãng thời gian ba tháng hè vô cùng quý giá, nếu như phụ huynh cứ cố gắng nhồi nhét kiến thức, nhốt con trong bốn bức tường để bảo đảm an toàn cho trẻ thì rất sai lầm.
Chia sẻ trên báo Nhân dân, chuyên gia tâm lý- Ths Lê Thị Lan Anh cho biết, suốt chín tháng, học sinh đã ở trong bốn bức tường của trường học, về nhà lại quay cuồng bởi bài tập. Các em rất thiếu những trải nghiệm từ thực tế. Chính vì vậy, nếu ba tháng hè lại phải tiếp tục cái guồng quay ấy thì những đứa trẻ sẽ bị "đánh mất tuổi thơ".
Cha mẹ hãy để cho trẻ được sống đúng với tuổi thơ trong dịp nghỉ hè
"Không phải chỉ toàn là kiến thức sách vở, Văn, Toán, ngoại ngữ…, các con còn rất nhiều thứ khác có thể học và cần được trang bị trong ba tháng nghỉ hè quý giá - những điều mà trường học hiện nay chưa đủ thời gian để dạy cho các con. Cha mẹ có thể tìm cho con các khóa học về kỹ năng sinh tồn, tự chủ, kỹ năng tự phục vụ bản thân, các khóa học MC, học kỳ quân đội, kỹ năng chống xâm hại, bạo lực, các khóa âm nhạc, múa, vẽ, võ, học bơi… để trẻ bộc lộ cá tính, năng lực và điểm mạnh. Đó cũng là một cách giúp các con phát triển toàn diện", chị Lan Anh nói.
Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học - tâm lý giáo dục Hà Nội thì cho rằng, kỳ nghỉ hè nên để cho trẻ tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi… Phụ huynh nên đặt mục tiêu làm thế nào để con mình có một tuổi thơ đẹp, một tâm hồn và thể chất khỏe mạnh, trong sáng chứ đừng nặng về kiến thức và học lực.
"Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt ra kỳ nghỉ hè dài cho học sinh. Đây cũng không phải quy định của riêng nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, kỳ nghỉ hết sức có nghĩa này hãy để cho các em nạp năng lượng chuẩn bị bước vào một năm học mới", TS Lâm nói.