Google, Apple và Microsoft là những công ty mà hầu hết mọi người mong muốn được đầu quân. Danh tiếng, công việc đảm bảo và mức lương cao chính là những yếu tố thu hút người tìm việc.
Kinh nghiệm từ cô gái chinh phục Microsoft, Facebook và Google
Hoa Dinh (hay Hanna Dinh) tên thật là Đinh Thị Thanh Hoa. Cô gái 8x sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình. Được 1 trong 3 "ông lớn" Microsoft, Facebook hoặc Google mời làm việc đã khó. Đằng này, Hoa Dinh còn từng "chinh phục" cả 3. Theo đó, 8x từng làm việc cho Microsoft Singapore, Facebook Ireland và tháng 4 năm 2021, cô nhận được lời mời của Google, trụ sở chính tại châu Âu.
Trong một bài phỏng vấn với Nhịp sống Việt, Hanna từng chia sẻ "nhiều bạn hay có suy nghĩ phải học IT mới làm được cho "big tech". Tuy nhiên các tập đoàn công nghệ cũng như bất kỳ công ty nào khác để vận hành vẫn có các phòng ban như Marketing, HR, Finance,... Ngoài ra, họ rất thích những bạn có nền tảng đa dạng. Vì thế mình đã gặp rất nhiều bạn học các ngành khác nhau vẫn xin việc được tại các công ty này".
Từ Microsoft, Facebook đến Google, Hoa Dinh nhận thấy một hồ sơ hoàn chỉnh và đa dạng sẽ là điểm thu hút khiến các ứng cử viên lọt vào mắt xanh của các “ông lớn công nghệ”. Cụ thể, 8x cho hay: "Về hồ sơ bản thân, phần học thuật ngoài bằng truyền thống như Đại học và Thạc sỹ, mình cũng có thêm các chứng chỉ quốc tế như FRM, CFA. Phần kinh nghiệm làm việc, mình cũng đã từng làm ở các công ty đa quốc gia như PwC Việt Nam, dự án tháng ở New Zealand. Ngoài ra mình có tham gia rất nhiều hoạt động cộng đồng, networking và các buổi hội thảo.
Hoa Dinh chỉ ra một mấu chốt giúp các ứng cử viên có thể lọt vào mắt xanh của các "ông lớn công nghệ". Đó chính là công cụ LinkedIn!
Thực tế, có rất nhiều bạn trẻ có thành tích xuất sắc nhưng lại e ngại, không dám nộp đơn vào các tập đoàn lớn. Bởi tâm lý “nhỡ đâu không trúng tuyển”, “trượt thì xấu hổ lắm”,...Từ kinh nghiệm của mình, cô nàng 8x cho rằng các bạn trẻ cần có tâm lý thử thách bản thân. Nếu thành công thì rất tuyệt vời. Nếu chưa thành công thì đây cũng là cơ hội để bản thân rèn luyện miễn phí kĩ năng xin việc, phỏng vấn.
Vậy, để trúng tuyển vào các công ty hàng đầu này, ứng viên cần có gì?
Facebook - Bằng cấp cao không quan trọng
Hiện tại đa phần các ứng viên ứng tuyển vào Facebook đều là những sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí, từ nhiều trường danh tiếng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều tài năng về thiết kế, phát triển phần mềm đang làm việc tại đây đều không trải qua bất cứ trường đại học nào, mà chủ yếu thông qua tự học.
"Đôi khi, những nhà thiết kế không trải qua các khóa đào tạo hay trường lớp nào lại đưa ra những sáng kiến bất ngờ và hiệu quả. Đó là những tài năng mà chúng tôi thực sự mong muốn", bà Zhuo trao đổi với Business Insider.
Sẽ không có ý nghĩa gì nếu như ứng viên không có khả năng làm việc theo nhóm dù họ có tài năng đến đâu. Trong suốt quá trình phỏng vấn và thử trải nghiệm công việc, mỗi ứng viên sẽ được làm việc cùng 2,3 ứng viên khác. Những người này sau đó sẽ đưa ra đánh giá, phản hồi về phong cách làm việc cũng như khả năng của ứng viên.
Google tìm kiếm những người ham học hỏi
Giám đốc quản lý sản phẩm của Google Lilian Rincon không bao giờ tuyển một nhân viên mắc bệnh ngôi sao cho dù họ có thực lực đến mức nào.
Cô chia sẻ với Busines Insider: “Thật lòng mà nói tôi không thích những người khoe khoang hay quá tự tin vào bản thân và những gì họ làm, và khi tôi hỏi sâu về điều đó thì tôi nhận ra là họ thực sự chẳng có kinh nghiệm. Tôi thích những người khiêm tốn hơn, những người biết tầm khả năng và kinh nghiệm của mình”.
Cô nói thêm: “Ở Google, người ta thuê những người phù hợp với tập thể hơn là một người ngạo mạn trong một lĩnh vực cụ thể”.
Đối với Rincon, tìm ai đó phù hợp với văn hóa của Google quan trọng hơn việc người đó học trường nào và lĩnh vực công nghệ của người ấy. Cô ấy nói cô rất may mắn khi được làm việc với những người không chỉ thông minh mà còn rất khiêm tốn và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, và đó chính là những phẩm chất cô tìm kiếm khi phỏng vấn ứng viên của mình.
Microsoft ưu tiên ứng viên biết rõ đam mê của bản thân
Theo CNBC, Lauren Gardner, người đứng đầu bộ phận tuyển dụng nhân sự toàn cầu của Microsoft khẳng định bà ưu tiên những ứng viên có mục tiêu rõ ràng. Bà đã đánh giá hàng nghìn ứng viên trong quá trình 31 năm làm công việc tuyển dụng cho gã khổng lồ công nghệ.
Gardener đã chia sẻ với CNBC về xu hướng mắc một sai lầm lớn trong quá trình tìm việc của các ứng viên. Theo Gardner, điều tồi tệ nhất mà một ứng viên mắc phải là "rải đơn xin việc”.
Bà giải thích: “Họ sẽ gửi hàng nghìn hồ sơ xin việc và hy vọng một trong số đó sẽ thành công. Tôi không khuyên bạn chỉ nên gửi một hoặc hai đơn, nhưng khi bạn gửi quá nhiều, mọi người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi bạn thực sự đam mê điều gì”.
Thay vào đó, Gardner khuyên các ứng viên nên có mục tiêu tìm kiếm việc làm của mình, bắt đầu với danh sách 10-15 công ty bạn quan tâm và mở rộng tìm kiếm nếu bạn không thấy kết quả. “Bạn hãy đảm bảo mình có thể thể hiện sự quan tâm thực sự đến nhiều công ty”, bà bổ sung.
Tổng hợp