Cụ thể bài đăng của Hoa hậu Thu Hoài như sau:
Chuyện đưa ra yêu cầu khi tuyển dụng nhân sự là điều hết sức bình thường. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy nhiều người tỏ ra "hoảng hốt" khi đọc những kỹ năng mà Hoàng Thuỳ mong muốn ở một người trợ lý.
Tất cả chúng đều là những kỹ năng cần thiết một trợ lý cần phải có. Từ ngoại ngữ, giao tiếp cho tới gu thẩm mỹ, cách sắp xếp công việc... một người trợ lý bắt buộc phải có đầy đủ những khả năng trên. Bởi họ sẽ thay mặt khách hàng của mình giải quyết những vấn đề của cá nhân họ, đại diện cho khách hàng trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều người đã thắc mắc: "Giỏi như thế thì đi làm ông chủ rồi còn gì?" Thật ra thì tôi nghĩ, có những tuýp người rất giỏi, nhưng vị trí phù hợp nhất của họ không phải là quản lý, mà là hỗ trợ. Giống như những trợ lý chủ tịch nước, trợ lý tổng bí thư chẳng hạn. Họ rất giỏi và đứng đầu trong nhiều lĩnh vực, nhưng vị trí của họ lại là ở phía sau.
Tất nhiên, yêu cầu cao cũng sẽ phải đi đôi với mức đãi ngộ cao. Đó mới là vấn đề cần bàn trong câu chuyện này. Nếu như những yêu cầu tuyển dụng cao chót vót kia đi kèm với mức lương 2-3 triệu, đó mới là một câu chuyện đáng cười.
Còn khi cô ấy tuyên bố "lương theo thoả thuận", tức là người ứng tuyển sẽ có cơ hội đòi nhận được đãi ngộ xứng đáng với khả năng của mình. "Thuận mua - vừa bán", đây là một chuyện quá đỗi bình thường mà? Ai cũng có quyền đưa ra yêu cầu và trả giá để có được những gì mình muốn.
Bản thân tôi vẫn đang tìm kiếm một trợ lý riêng từ rất lâu. Và những yêu cầu tôi mong muốn cũng không khác mấy so với Hoàng Thuỳ. Người trợ lý tôi cần cũng sẽ phải hơn tôi ở nhiều mặt, chứ không thể kém cỏi hơn tôi. Bởi nếu vậy, tôi sẽ tự làm chứ đâu cần tới họ?
Cuộc sống bây giờ phát triển hơn nhiều lắm. Người trợ lý không phải là người giúp việc, mà phải giống như cánh tay phải của khách hàng. Họ nhận được đãi ngộ ngang bằng thân chủ và mức tiền lương tính trên những hợp đồng.
Đừng thắc mắc tại sao lại yêu cầu cao tới thế ở một người trợ lý, hãy nhìn những người trợ lý cực kì thành công phía sau các siêu sao. Họ là một nửa sức mạnh của khách hàng, chứ không phải người xách đồ hộ như trong suy nghĩ của nhiều người về nghề trợ lý!