Tuyển Việt Nam cần tấn công nhiều hơn nữa!
Tuyển Việt Nam đang có chuỗi 3 trận toàn thua ở Vòng loại thứ 3 World Cup - Khu vực châu Á, nhưng nhìn trên góc độ tích cực, thầy trò HLV Park Hang Seo đều cho thấy sự cải thiện qua từng trận đấu.
Từ thất bại 2-3 trước UAE (thua chóng vánh 3 bàn sau 60 phút), đến việc dẫn trước Saudi Arabia và chỉ chịu thua sau thẻ đỏ của Đỗ Duy Mạnh, rồi thi đấu sòng phẳng với Australia trong hiệp 2 và có số tình huống dứt điểm gần gấp đôi đối thủ, tuyển Việt Nam cho thấy sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với từng trận đấu cùng tinh thần cầu thị, học hỏi đáng ghi nhận.
Tuyển Việt Nam cần chủ động tấn công hơn nữa trong trận đấu với Trung Quốc (Ảnh: AFC)
Tuy nhiên, điểm chung của cả ba trận nói trên là triết lý chủ đạo. Tuyển Việt Nam vẫn đặt nặng lối chơi phòng ngự an toàn, cố gắng giữ chắc phần sân nhà, quây rát khu trung tuyến và phản công khi có cơ hội. Đây là lựa chọn hợp lý trước những đối thủ đều ở tầm hàng đầu châu lục, nhưng ngay cả ở cách chơi đã gắn liền với tuyển Việt Nam trong 4 năm, vẫn có những điểm hạn chế.
Điểm yếu trước tiên của đội tuyển là không có nhịp chơi. Tuyển Việt Nam không mạnh dạn kiểm soát bóng, mà chơi phòng ngự tương đối thụ động. Khi giành lại bóng, các cầu thủ thường để mất luôn sau khoảng 3, 4 nhịp chuyền tiếp theo, dẫn đến nhịp chơi bị đứt gãy và bị đẩy vào thế bám đuổi.
Tuyến giữa của ĐTVN đã không thể giữ nhịp trong trận đấu với ĐT Australia
Các tiền vệ Việt Nam không thể phối hợp cầm nhịp để giải tỏa áp lực cho hàng thủ, dẫn đến toàn đội hao tổn thể lực và đuối sức ở quãng thời gian cuối trận. Trong trận gặp UAE ở vòng loại hai, tuyển Việt Nam ghi 2 bàn trong 10 phút cuối, nhưng đó là khi đối thủ chủ động đá chậm và có phần chủ quan - điều khó lặp lại ở vòng loại ba khi đội bóng nào cũng chắt chiu từng phút trên sân.
Ngoài ra, tuyển Việt Nam thiếu những pha phản công sắc nét, khi Nguyễn Tiến Linh, Phan Văn Đức chơi dưới sức. Hiệp 2 trận gặp Australia, HLV Park đã mạo hiểm hơn khi tung vào sân Hà Đức Chinh. Với sơ đồ 3-5-2, tuyển Việt Nam gây áp lực tốt. Đây là minh chứng cho thấy đội bóng của HLV Park không nhất thiết phải đá phòng ngự phản công, mà có thể chủ động đẩy cao đội hình, kiểm soát bóng và chơi thứ bóng đá của mình.
Sự thay đổi và mạo hiểm trong tấn công có thể sẽ giúp cho ĐTVN có điểm
Tuyển Việt Nam càng có lý do để chơi tấn công với mức độ mạo hiểm lớn hơn ở trận gặp Trung Quốc, bởi đối thủ đang gặp vấn đề phòng ngự (mắc nhiều sai lầm ở hai trận đầu) và cũng không xuất sắc trong tấn công. Theo kênh truyền thông Sohu, các cầu thủ phòng ngự Trung Quốc có thể hình tốt, nhưng không giỏi xoay sở trước những tiền đạo nhanh, khéo.
Trong trận gặp Australia, bộ đôi trung vệ Trung Quốc bị Awer Mabil - tiền đạo từng khoác áo U19 Australia đối đầu lứa Công Phượng, liên tục rê bóng qua mặt. Sự chậm chạp, khả năng phối hợp, bọc lót kém của hàng thủ Trung Quốc có thể tạo cơ hội để tuyển Việt Nam chơi tấn công.
Hàng thủ mang tính “chắp vá” của Trung Quốc đã không thể hiện được gì trong 2 trận đấu đầu tiên (Nguồn ảnh: AFC)
HLV Park thường ưu tiên sự vững chãi, nhưng không ít lần, ông áp dụng kiểu chơi “đánh nhanh thắng nhanh” khiến đối thủ choáng váng. Trận gặp Iraq tại Asian Cup 2019 là một ví dụ, khi tuyển Việt Nam chủ động tấn công để ghi 2 bàn ngay trong hiệp 1.
Tuyển Việt Nam cũng đang có nhiều cầu thủ tấn công tạo đột biến. Sự trở lại của Nguyễn Công Phượng giúp ban huấn luyện có thêm lựa chọn, bên cạnh Nguyễn Văn Toàn đang khát khao chứng tỏ. Phạm Tuấn Hải, Đức Chinh cũng là lựa chọn tiềm năng.
Nhìn chung, HLV Park có trong tay các mũi công với những phẩm chất dị biệt, có thể phục vụ nhiều kiểu thế trận khác nhau. Trong trận đấu Trung Quốc nhiều khả năng phải đẩy cao đội hình, nếu tuyển Việt Nam cũng pressing mạnh, chủ động chơi nhanh và có bàn thắng, Quang Hải cùng đồng đội sẽ khiến đối thủ rơi vào “bẫy tâm lý”.
Những vấn đề cố hữu của tuyển Trung Quốc
Tuyển Trung Quốc không chỉ phòng ngự lỏng lẻo, mà còn yếu trong kiểm soát thế trận và tổ chức lối chơi.
Qua hai trận đầu, dễ thấy Trung Quốc chủ yếu đá bóng dài để tận dụng chiều cao của các cầu thủ nhập tịch như Ai Kesen, A Lan, Luo Gufou. Tuyển Việt Nam không lạ với cách chơi này, khi từng đối đầu với những đội bóng cũng có thể hình rất tốt ở Asian Cup 2019 như Iran, Iraq, Yemen, Jordan.
HLV Li Tie đang đau đầu vì một hàng công quá “cùn" và bạc nhược (Nguồn: AFC)
Hàng công Trung Quốc đang là vấn đề đau đầu của HLV Li Tie, với không tình huống dứt điểm trúng đích trước Nhật Bản và Australia. Cựu tiền vệ Everton đang bế tắc trong việc tìm ra lối chơi phù hợp với con người hiện thời, hay giải quyết bài toán hòa hợp cầu thủ nhập tịch với cầu thủ bản địa.
Ngoài ra, sự tự tin cũng là điểm trừ của Trung Quốc ở trận này. Các cầu thủ có nhiệm vụ phải thắng, song việc phải tập luyện, thi đấu khép kín quá lâu ở nước ngoài có thể làm nảy sinh rào cản tâm lý. Tuyển Trung Quốc tập nặng trong 3 tuần vừa qua với chỉ thị phải giành 3 điểm trước Việt Nam bằng mọi giá. Cuộc so tài cũng diễn ra vào kỳ nghỉ lễ của Trung Quốc, nên Ai Kesen và đồng đội càng không được phép thua.
Theo Sohu, khát khao chiến thắng có thể là “con dao hai lưỡi” với đội bóng của Li Tie lúc này. Nếu thế trận trôi theo chiều hướng bất lợi, tuyển Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ.