Lời tòa soạn: Đối với người hâm mộ Việt Nam, đến tận ngày nay, HLV Nguyễn Thành Vinh vẫn là cái tên rất đỗi quen thuộc, khi ông thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với nhiều góc nhìn, bình luận về những diễn biến của bóng đá nước nhà.
Là người gắn bó cả đời với trái bóng tròn như ông, bóng đá đã thuộc về tình yêu, về số phận. Đã có những thời điểm ông Vinh muốn bỏ bóng đá, nhưng rồi định mệnh lại đưa ông trở lại với nó.
Lắng nghe những câu chuyện của ông, ta như đang được xem vào một bộ phim dài tập, với những gam màu đen trắng của cuộc sống bom đạn, khó khăn thời bao cấp khi xưa; rồi tiếp đến là những thước phim màu nhập nhòe thời bóng đá nước nhà chập chững lên chuyên nghiệp đầu những năm 2000; và gần hơn nữa là những sự cố từng gây rúng động cả nền bóng đá Việt Nam cách đây chưa lâu.
Xin gửi tới độc giả loạt bài viết về chân dung HLV Nguyễn Thành Vinh, người mà khi đọc những câu chuyện về ông, những lát cắt lịch sử bóng đá Việt sẽ dần dần hiện ra trước mắt ta. Chân thật và trần trụi nhất.
ĐÁ BÓNG DƯỚI "MƯA BOM BÃO ĐẠN", MỖI LẦN ĐI LÀM LÀ LẠI CHÀO NHAU NHƯ VĨNH BIỆT
"Ngày xưa đang học cuối cấp 2 thì tôi được tuyển vào đội bóng Thanh niên Nghệ An. Hồi ấy tuyển chọn đa phần cũng đều "cứng" tuổi rồi, chứ không phải từ khi còn bé lúc 11,12 tuổi như các lò đào tạo bây giờ đâu. Chúng tôi trước đó cũng chỉ đá bóng ở vỉa hè, đường phố hay sân bãi ở thị xã. Lứa năm đó được khoảng 22,23 người vào đội bóng và đội bắt đầu tập trung từ ngày 1 tháng 3 năm 1963, vừa tập đá bóng vừa học văn hóa", HLV Nguyễn Thành Vinh mở đầu cuộc trò khi kể về cơ duyên đưa mình đến với nghiệp quần đùi áo số.
Theo lời ông Vinh, đội Thanh niên Nghệ An ngày ấy cũng chỉ là đội bóng non trẻ. Tập trung được độ hơn 1 năm thì chiến tranh leo thang, đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc. Thế là trong đội hình đó, một số bạn bè của ông xung phong đi bộ đội, số khác thì chuyển sang làm công nhân.
"Không khí ngày đó sôi sục lắm, cả nước lên đường ra tiền tuyến. Bản thân tôi cũng làm đơn xung phong nhập ngũ, nhưng lãnh đạo bên trên nói vì cậu là con trai một nên không đi được. Rồi tôi cùng phần đông anh em trong đội được chuyển ra khu Gang thép Thái Nguyên, vừa lao động, vừa đá bóng. Thực tế trước đó, đội bóng Quân khu 4 đang đá giải A1, hay Công an tỉnh Nghệ An cũng muốn lấy tôi và một số cầu thủ khác về đội
Ra Thái Nguyên ngày đó thì đường đi gian nan lắm. 12,13 anh em vác ba lô đi bộ mất 2 ngày từ Vinh ra Thanh Hóa thì mới có tàu đi Hà Nội. Chúng tôi ngày đi, đêm ngủ dọc đường. Chiến tranh mà, phải vậy thôi. Đến Hà Nội thì lãnh đạo khu Gang thép lại mua vé tàu cho để chúng tôi đi tiếp lên Thái Nguyên".
Ông Nguyễn Thành Vinh (ngồi, thứ tư từ phải sang) cùng tập thể đội Thanh niên Nghệ An.
Giống như tất cả các cầu thủ ngày ấy, ông Vinh và đồng đội chưa được ăn tập riêng như bây giờ mà vẫn phải vừa đi làm công nhân, vừa đá bóng. Ngoài mức lương công nhân 45 đồng, các cầu thủ "chỉ có thêm một chút đường sữa chứ không có gì hơn".
Ngày đó, Gang thép Thái Nguyên cũng có phong trào khá mạnh. Bản thân các cầu thủ từ đội Thanh niên Nghệ An ra Bắc cũng đều có tiếng cả. Cựu danh thủ Lê Mai Tú, sau này một thời vang bóng ở sân Hàng Đẫy với các chân trái của mình cũng chính là xuất phát từ tập thể này. Cũng nhờ thế mà nhiều tuyển thủ như Trần Duy Long, Lê Thế Thọ, Phùng Mạnh Ngọc… đều cùng đội lên Thái Nguyên thi đấu giao lưu. Tuy nhiên, mọi việc cũng không duy trì được lâu.
"Bước sang năm 1965, địch bắn phá rất ác liệt và ở khu gang thép Thái Nguyên thì thực sự rất nguy hiểm. Chúng ta đi làm buổi trưa mà chào nhau như vĩnh biệt vậy. Ai cũng sợ nhà máy bị máy bay đánh phá, bởi trước đó địch đã đánh vào một cây cầu ở Thái Nguyên làm rất nhiều người thiệt mạng.
Tình hình như thế, phía Gang thép họ cũng khó duy trì được đội nữa nên gửi chúng tôi về lại Nghệ An. Anh em về vừa tập luyện, vừa làm công tác phong trào. Đến sau năm 1972 thì tỉnh có chủ trương đưa những ai có trình độ trên lớp 10 ra Bắc học trường Thể dục thể thao ở Từ Sơn".
Và thế là vào năm 1973, ở tuổi 27, cầu thủ Nguyễn Thành Vinh được cử đi học lớp Huấn luyện viên. Hoàn thành xong khóa học vào năm 1977, ông Vinh chính thức cầm sa bàn và bước vào hướng rẽ mới trong sự nghiệp của mình.
HLV Nguyễn Thành Vinh (áo xanh) khi dẫn dắt SLNA vào năm 1989.
CHIẾN TÍCH ĐẦU TIÊN VÀ CHUYỆN THƯỞNG THỜI BAO CẤP
Tất nhiên, học xong ra trường chưa phải điều kiện đủ để ông Vinh được trao quyền nắm đội ngay mà phải đảm nhận công tác đào tạo trẻ trong 2 năm.
Đến năm 1980, HLV Nguyễn Thành Vinh bắt đầu nắm đội 1 của Đội bóng đá Sông Lam. Từ đây, mặc dù là một đội bóng còn non trẻ khi so sánh với những Thể Công, Cảng Sài Gòn, Công an Hà Nội… nhưng với những nỗ lực của HLV và các cầu thủ, đội bóng Sông Lam đã bắt đầu được chuỗi thành tích, cũng như một lối đá đặc trưng của riêng mình, sánh vai với các đội bóng tên tuổi.
"Học HLV trở về, tôi cũng mất 2 năm làm công tác đào tạo trẻ, tuyển chọn các cháu và cũng chính lứa đó có nhiều cầu thủ tốt sau đã giúp Sông Lam lên hạng A1.
Tôi bắt đầu được giao ghế HLV trưởng dẫn đội Sông Lam từ năm 1980, khi đó đang đá giải A2. Có mùa giải đội chơi tốt, cũng có lúc gặp khó khăn nhưng rồi cuối cùng cũng thăng được hạng vào năm 1984, cùng với các đội Hải Phòng, Thanh Hóa và TP.HCM".
Kể về câu chuyện nhận thưởng khi đưa Sông Lam lên hạng, HLV Nguyễn Thành Vinh nhớ lại:
"Tỉnh có thưởng cho thành tích đó, tất nhiên không phải nhiều như bây giờ. Chúng tôi được cử đoàn ra đón về Ủy ban tỉnh, báo cáo tổng kết rồi ăn mừng. Ngày ấy việc thưởng ra sao thì cũng tùy từng địa phương. Với chúng tôi thì có bằng khen, giấy khen, còn thưởng vật chất thì ít lắm. Thời điểm đó kinh tế cũng còn khó khăn. Ai thật xuất sắc thì được kết nạp Đảng, vào biên chế nhà nước. Đó cũng là cách để quản lý cầu thủ và giúp các cháu yên tâm về con đường sau khi đá bóng xong.
Lúc bấy giờ mọi thứ đều khó khăn. Cầu thủ thì cũng chỉ có lương như cán bộ công nhân viên chức thôi. Nhiều gia đình vợ con trông chờ cả vào đồng lương đó. Bản thân tôi thì cũng thế thôi. Về sau này được tỉnh quan tâm hơn thì có chính sách hỗ trợ, cho các cháu được suất đất. Tôi với tư cách Chủ tịch Công đoàn đi xin đất cho các cháu, tất cả đều rất phấn khởi.
Còn về lương cụ thể, tôi nhớ là đầu những năm 90 thì cầu thủ ở Nghệ An được mức lương 300.000 đồng. Còn một số người khác tôi lấy từ nơi khác về như anh Hạnh từ Phú Yên ra, anh Nguyễn Văn Dũng từ Nam Định vào thì nhận lương gấp 3, cỡ 900.000 đến 1 triệu đồng".
HLV Nguyễn Thành Vinh (áo trắng, thứ 3 từ phải sang) gắn bó với rất nhiều thế hệ cầu thủ SLNA.
"VĂN QUYẾN, QUỐC VƯỢNG 18 TUỔI TÔI CHO ĐÁ V.LEAGUE, HƯỞNG LƯƠNG NHƯ CÁC ANH LỚN HẾT"
Nói về triết lý huấn luyện của mình, HLV Nguyễn Thành Vinh luôn luôn tâm niệm phải chú trọng vào việc xây dựng, đào tạo thế hiện kế cận cho đội bóng. Đã có những trường hợp, vì nhận thấy tài năng của các cầu thủ trẻ mà ông không ngại dốc sức, dốc lòng hỗ trợ, từ tập luyện đến chuyện kinh tế gia đình.
"Lúc tôi làm thì nhiều cháu có năng khiếu tốt lắm, tôi cũng sẵn sàng đôn lên đội một nếu nhận thấy đủ khả năng. Trước lứa Văn Quyến thì có Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Hùng. Ba anh em họ tôi phải tìm mọi cách đưa cả gia đình từ Thanh Hóa về Nghệ An, rồi giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cháu tập luyện.
Lúc đó gia đình nhà anh Văn Sỹ Chi khó khăn lắm. Thậm chí cả nhà còn phải chờ vào đồng lương tập luyện của các cháu. Tôi đã đề nghị bên bộ phận phụ trách đào tạo trẻ cho các cháu tập luyện và được hưởng chế độ một ngày vài ngàn. Nên nhớ lương tháng khi đó cầu thủ lớn cũng có 300.000 đồng thôi. Nhờ khoản tiền ăn đó mà cháu có thể hỗ trợ gia đình.
Nhiều cháu nếu khó khăn, tôi và anh Nguyễn Hồng Thanh đến từng nhà thăm hỏi, động viên. Tôi cũng trao đổi với Chủ tịch tỉnh Hồ Xuân Hùng để xin đất cho các cháu, giúp cầu thủ không phải gặp khó khăn trong cuộc sống".
Đó là câu chuyện khi bóng đá còn ở thời kỳ bao cấp. Còn đến khi lên chuyên nghiệp, ông Vinh vẫn tiếp tục có những cách làm để tạo điều kiện tối đa cho các cầu thủ trẻ phát triển, mà Văn Quyến hay Quốc Vượng là những cái tên được ông nhắc đến trong câu chuyện.
"Sau này lên chuyên nghiệp mọi chuyện khác hơn, nhưng về chuyện lương cho các cháu thì tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất. Có những trường hợp cầu thủ trẻ như Văn Quyến, Quốc Vượng và một số người nữa, dù mới lên đội một thôi nhưng tôi chủ động đề nghị đội bóng rằng cháu nào được thi đấu chính thức đều hưởng mức lương như các anh lớn hết. Vì tôi quan niệm các cháu trẻ đủ khả năng để ra sân thi đấu được như các anh thì tại sao lại lương thấp? Điều này cầu thủ họ rất ủng hộ.
Bản thân tôi rất chú trọng việc đôn cầu thủ trẻ lên đội một và tạo động lực cho họ phát triển. Ví dụ như có đội Đà Nẵng chẳng hạn, năm trước vô địch nhưng năm sau lại xuống hạng. Vậy nguyên nhân vì đâu? Là bởi các cầu thủ lớn tuổi qua năm tháng bị giảm sút thể lực, kéo đội bóng đi xuống.
Thành ra ở SLNA hàng năm tôi đều đôn lớp trẻ lên. Các cháu được huấn luyện, thi đấu nên trưởng thành nhanh lắm. Như Văn Quyến, Quốc Vượng 18 tuổi là tôi đã cho lên đá V.League rồi. Đơn giản vì nhận thấy họ có năng khiếu, lại đá tốt, giúp SLNA vô địch giải trẻ. Văn Quyến, Quốc Vượng, Hải Nam hay nhiều cầu thủ SLNA khác cũng được lên đội Olympic Việt Nam từ năm 2002. Quốc Vượng được cho mượn tới HAGL đã góp công giúp đội vô địch V.League, Hải Nam vào Đà Nẵng đá cũng tốt. Nói chung các cầu thủ trẻ Nghệ An được rất nhiều nơi khen ngợi".
Ông Vinh và cậu học trò Văn Quyến chụp ảnh cùng nhau trong lần tham dự ASIAD 14.
"Tất nhiên khi từ đội trẻ lên thì các cháu chưa quen với lối chơi của lớp trên, nơi trình độ cao hơn. Đặc biệt về vấn đề thể lực. Đá với các anh lớn thì phải đủ sức để chạy được. Việc di chuyển, phối hợp, tổ chức phòng ngự, tấn công ra sao cũng phải được chỉ đạo cặn kẽ để họ tiếp thu được. Quan điểm của tôi là khi cầu thủ có đủ trình độ thể lực rồi thì các cháu có thể đủ điều kiện phát huy những tố chất khác của mình.
Cũng nhờ thế mà những năm cuối 90, đầu 2000, khán giả đến sân xem SLNA rất đông. Trời nắng mà 12h trưa họ đã có mặt ở sân rồi. Mà đâu phải chỉ ở Vinh, nhiều người từ các huyện xa như Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông, Quỳnh Lưu, Yên Thành… cũng lặn lội đường xa đến cổ vũ cho đội. Sân Vinh trở thành một chảo lửa thực sự, nức tiếng cả nước".
RỜI SLNA SAU 24 NĂM VÀ CHỌN ĐIỂM ĐẾN MỚI VÌ "MỘT QUẺ Ở ĐỀN ÔNG HOÀNG MƯỜI"
"Năm 2002, tôi đang đưa đội Olympic Việt Nam đi tập huấn thì anh Nguyễn Bá Thanh mời ăn cơm tối và bảo tôi đến dẫn đội Đà Nẵng. Nếu chưa về hưu để đi được thì cứ xin nghỉ đi, vào đây anh ấy sẽ hỗ trợ nhiều thứ. Rồi còn bảo cả việc đưa cháu Công (Nguyễn Thành Công, con trai út HLV Nguyễn Thành Vinh - PV) vào tập rồi sau đảm nhận công tác huấn luyện ở Đà Nẵng luôn cũng được", HLV Nguyễn Thành Vinh kể.
"Anh Bá Thanh thực sự rất nhiệt tình. Cuối buổi, anh ấy bảo chẳng lẽ tôi ngồi 3 tiếng với anh, mời anh về mà anh lại không có ý kiến gì.
Tôi bảo tôi chưa nhận lời được với anh vì có mấy lý do. Một là tôi hiện nay chưa đến tuổi về hưu, mới 56 tuổi thôi, chưa đi được. Và lúc ấy tôi cũng đang làm đội tuyển nữa, không thể bỏ đi để vào làm cho Đà Nẵng.
Rồi anh Đoàn Nguyên Đức cũng rất quan tâm, muốn tôi về HAGL. Nhưng tôi cũng không nhận lời được. Thời điểm đó cả Bình Dương, Hải Phòng và nhiều CLB khác cũng đều có lời mời".
Rõ ràng vào thời điểm đó, một HLV có năng lực, giàu kinh nghiệm như ông Vinh là người được nhiều CLB săn đón. Trong câu chuyện của mình, bản thân ông cũng thừa nhận "làm ở SLNA, cuộc sống cùng vợ nuôi 3 người con cũng có nhiều vất vả", nhưng có lý do riêng khiến ông từ chối nhiều lời mời hậu hĩnh để ở lại SLNA đến tận năm 2004.
"Sau SEA Games 2003 (ông Vinh là trợ lý số 1 cho HLV Alfred Riedl - PV), các anh bên Thường vụ Tỉnh ủy có đến tận nhà gặp tôi, vì biết tôi có ý định xin nghỉ. Họ động viên, bảo thôi anh Vinh giúp cho tỉnh thêm 1 mùa nữa. Khi đó tôi 58 tuổi rồi, nghĩ mình cũng có trách nhiệm của một viên chức đang biên chế nhà nước, nên đồng ý.
Khi ở SLNA, quan trọng mình là Đảng viên, đang biên chế nhà nước thì mình không thể đi được. Mà tính tôi chỉ khi nào được cho phép đi thì tôi mới nhận lời, chứ không thể cứ nhận ở chỗ khác trước rồi về xin phép tỉnh sau.
Sang mùa 2004, SLNA cũng đoạt thành tích khá cao, nếu toàn đội nỗ lực hơn nữa thì có thể vô địch rồi. Đến cuối năm đó, anh Đặng Phước Dừa mới nhậm chức Chủ tịch CLB Ngân hàng Đông Á (đội vừa xuống hạng) ra đặt vấn đề với tôi.
Lúc đầu tôi cũng đắn đo và bảo khó mà giúp anh được. Anh ấy mới bảo thôi đằng nào cũng ra đến Nghệ An rồi, để tôi bắt taxi ra Đền Ông Hoàng Mười, xin một quẻ xem thế nào. Đi về thì anh ấy phấn khởi lắm, bảo tôi xin và được cho rồi. Nhắc đến chuyện tâm linh, tôi cũng có phần suy nghĩ và rồi quyết định nhận lời".
Và quả thật trong lần Nam tiến ấy, ông Vinh dẫn đội rất mát tay và ngay lập tức giành vé thăng hạng. Nhưng cuộc đời vốn đâu ai biết được chữ ngờ.
ĐỘI BÓNG GIẢI THỂ VÀ HƠN 1 NĂM BỊ TẠM GIAM VÌ "ĐẠI ÁN HỐI LỘ TRỌNG TÀI"
Giữa năm 2005, bóng đá Việt Nam rúng động khi vụ việc có một đường dây trọng tài nhận tiền để tác động lên kết quả trận đấu bị phanh phui. Lãnh đạo CLB Ngân hàng Đông Á được xách định có liên quan. Bản thân HLV Nguyễn Thành Vinh cũng phải nhận lệnh tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
13 tháng bị tạm giam cũng là lúc giấc mơ của ông Vinh về việc xây dựng một đội bóng mới sau khi rời SLNA tan vỡ. Dù sau đó được cơ quan điều tra miễn trách nhiệm hình sự, nhưng những sự việc xảy ra khiến CLB Ngân hàng Đông Á bị mất quyền lên hạng và giải thể vào cuối năm 2005.
"Như sự biến ở CLB Ngân Hàng Đông Á, tôi bị tạm giam để phục vụ điều tra nhưng cũng không quá lo lắng bởi mình thực sự không có vấn đề gì cả. Sau rồi khi mọi chuyện được điều tra rõ ràng, tôi cũng được trả lại sự trong sạch. Mọi thứ về Đảng, chế độ của tôi đều được phục hồi hết. Mà hơn 1 năm trong tù tôi cũng làm được một việc được ghi nhận.
Chuyện là có một người từng làm cán bộ, vì vào tù mà trầm cảm rồi tự tử. Khi phát hiện ra đưa xuống, tôi và một người nữa cố gắng sơ cứu. Một hồi thấy không khả quan, người kia bảo chắc thôi không cứu được rồi anh Vinh ơi. Nhưng tôi bảo cứ cố gắng lên, một tí nữa thôi, chờ bác sỹ họ đến. Và may sao một lúc sau thì ông ấy tỉnh lại. Về sau tôi ra Hà Nội dẫn đội Hòa Phát, vợ con anh ấy đến gặp tôi, nói cảm ơn nhiều lắm", HLV Nguyễn Thành Vinh kể lại ký ức về những ngày phải ngồi sau song sắt của mình.
Cũng bởi sự việc này này mà ông Vinh đã tính đến chuyện nghỉ bóng đá. Sau khi từ chối lời mời của đội Quân khu 4, ông sang CH Czech sống 6 tháng với gia đình người con gái lớn.
Nhưng rồi trong những ngày ở nơi xứ người, ông vẫn dõi theo các trận đấu của Olympic Việt Nam. Trái tim tưởng như đã nguội lạnh với bóng đá cứ thế nóng dần lại. Và rồi khi về nước, ông Vinh quyết định nhận lời gây dựng Hòa Phát Hà Nội từ hạng Nhất.
Lần này, thành công đã đến, nhưng ngờ đâu ông vẫn không thoát được cảnh đội bóng của mình bị giải thể.
GIẢI THỂ, GỘP ĐỘI, XIN NGHỈ VÀ RỒI ĐỘI LẠI GIẢI THỂ
"Thực ra tôi là con người lớn lên cùng bóng đá. Từ cầu thủ rồi làm HLV, tình yêu với bóng đá rất lớn. Khi Hòa Phát mời năm 2009, tôi quyết định nhận lời và rồi đưa họ thăng hạng lên V.League. Ngay cả với Ngân hàng Đông Á, nếu không có sự cố hối lộ trọng tài kia thì tôi cũng giúp đội lên hạng được. Tôi tự hào vì trong thời gian làm chuyên môn, tôi luôn rất cố gắng để làm cho đội bóng mình cầm quân được tốt.
Tất nhiên, trong giai đoạn đó phải nói rằng Hòa Phát Hà Nội cũng chỉ giữ mức đầu tư vừa phải cho bóng đá. Được cái lãnh đạo họ tin tưởng và giao toàn quyền cho tôi".
Đó là những trải lòng của HLV Nguyễn Thành Vinh về quãng đời tiếp theo khi trở lại cầm sa bàn. Tiếc rằng lại một lần nữa, chuyện trọng tài làm đội bóng của ông giải thể.
Ấy là ở giai đoạn cuối V.League 2011, Hòa Phát Hà Nội của ông bị trọng tài "đè ngửa" ra bắt trong trận gặp Hải Phòng, khi đó đang rất cần điểm để trụ hạng. Quá bức xúc, ông Vinh lên án gay gắt vụ này trên truyền thông và khi ban tổ chức giải kết luận tổ trọng tài "cơ bản hoàn thành nhiệm vụ", ông cũng không ngại lên tận VFF đòi làm rõ trắng đen.
Tiếc rằng đến khi mọi thứ được kết luận lại, rằng trọng tài đã sai thì cũng là lúc các ông bầu của Hòa Phát Hà Nội quá chán bóng đá và quyết định giải thể đội. Ông Vinh một lần nữa "mất đội bóng" và cũng đã tính đến chuyện nghỉ hẳn.
Nhưng rồi được bầu Kiên thuyết phục, ông đồng ý dẫn dắt CLB Hà Nội (hợp lại từ Hà Nội ACB của bầu Kiên và thành phần của Hòa Phát Hà Nội vừa giải thể). Tiếc thay đội bóng được hợp nhất ấy có quá nhiều vấn đề. Ông Vinh xin nghỉ giữa chừng và không lâu sau thì đội bóng cũng lại giải thể vì bầu Kiên vướng vào vòng lao lý.
"Khi dẫn CLB Hà Nội, tôi cảm thấy không thành công và phải xin bầu Kiên nghỉ trước. Tôi cảm thấy mình không quản lý được.
Anh Kiên rất yêu thích bóng đá nhưng đội ACB trước đó vốn cứ lên hạng lại xuống hạng, cầu thủ có những vấn đề riêng. Giờ gộp với Hòa Phát thành CLB Hà Nội, tôi cảm thấy mình là thầy mà không giúp được đội tốt lên thì tôi đi.
Đó cũng là cái dở của quản lý bóng đá hiện nay khi nhiều lãnh đạo can thiệp vào. Tất nhiên người ta quan tâm, nhưng quá thì lại không hay, phải để HLV người ta quyết định về chuyên môn, con người, kỷ luật ở đó ra sao".
Vậy là sau hơn 30 năm gắn bó với nghiệp huấn luyện, ông Vinh quyết định "rửa tay gác kiếm". Nhưng lần này khi về nghỉ, ông cảm thấy mọi thứ rất nhẹ nhàng.
"Khi quyết định về nghỉ năm 2012, không biết người khác thế nào chứ tôi thấy trong lòng rất thoải mái. Tôi lúc ấy 66, 67 tuổi, về nghỉ ngơi đi gặp mặt bạn bè, câu cá, tỉa cây cảnh và vẫn theo dõi bóng đá nước nhà. Tôi thấy rất thích chứ không có gì ấm ức cả. Và sau đó tôi thấy mình nghỉ là đúng đắn. Sau quãng đời dài gắn bó với bóng đá, bản thân tôi thấy mình có thể yên tâm mà nghỉ ngơi được rồi. Ai cũng phải có điểm dừng, chứ không thể quá tham được.
Đời tôi gặp không ít khó khăn khi làm việc nhưng cũng có nhiều may mắn giúp đỡ. Sự may mắn luôn rất quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Tôi tự hào vì mình đã lao động, cống hiến thực sự và giờ có thể thanh thản với cuộc sống của mình".
Nhưng những câu chuyện của HLV Nguyễn Thành Vinh bên tấm sa bàn vẫn còn rất nhiều điều chưa kể hết. Mời đọc giả đón đọc tiếp phần 2 với tiêu đề: "1 triệu của bầu Đức, chiếc khăn tang trước giờ bóng lăn và chuyện chưa kể về U23 Việt Nam".
Bài viết nằm trong loạt bài
SỬ THI BÓNG ĐÁ VIỆT. Xem thêm
tại đây!