Hình ảnh gây sốc của Phu nhân Thủ tướng và "đội quân thứ 2" với 100 nghìn lính của Armenia

Hoài Giang | 01-10-2020 - 07:52 AM

(Tổ Quốc) - "Vệ binh quốc gia" dự kiến sẽ hoạt động song song với Quân đội Armenia ở những điểm nóng như Nagorno-Karabakh.

Mới đây, trang tin Open Caucasus Media (OC Media) đăng tải bài phân tích nhan đề: "Armenia’s womanly face of war" (tạm dịch: Phụ nữ Armenia đối mặt với chiến tranh) của tác giả Zaruhi Hovhannisyan.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan sau nhiều năm âm ỉ đã tái bùng nổ, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Những bức ảnh "gây sốc" của phu nhân thủ tướng Armenia?

Những bức ảnh gần đây về bà Anna Hakobyan vợ của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, trong bộ quân phục và với khẩu súng trường tấn công AK-74 trên tay đã "gây bão" trên mạng xã hội Armenia.

Ở một đất nước mà "sự nam tính dính liền với quân đội", việc một người phụ nữ cầm súng, hơn nữa người đó là lại còn là phu nhân thủ tướng đã "gây sốc" cho người dân Armenia.

Điều gây bất ngờ không kém là tất cả những hình ảnh này đều do chính bà Hakobyan tiến hành, được cho là một phần của sáng kiến ​​"Phụ nữ vì hòa bình".

Hình ảnh gây sốc của Phu nhân Thủ tướng và đội quân thứ 2 với 100 nghìn lính của Armenia - Ảnh 1.

Bà Anna Hakobyan, phu nhân thủ tướng Armenia trong khóa huấn luyện quân sự tại Nagorno-Karabakh.

Bà Hakobyan và một nhóm phụ nữ đến từ khu vực xung đột Nagorno-Karabakh đã tham gia một khóa huấn luyện quân sự kéo dài một tuần, trong đó họ học sử dụng vũ khí cá nhân, chiến thuật bộ binh và hòa mình vào môi trường sống quân sự.

Vào ngày 19/9, bà Hakobyan cũng đã ra thông báo về việc mở rộng chương trình hợp tác với Bộ Quốc phòng Armenia này trên toàn quốc, hướng tới nữ giới trong độ tuổi từ 18 đến 27 - những người muốn có được các kỹ năng quân sự cơ bản trong 45 ngày huấn luyện

Vì sao bà Hakobyan lại làm điều này và thông điệp gì đang hướng đến người Armenia? Và làm thế nào mà vũ khí và chiến thuật quân sự, thứ đại diện cho chiến tranh lần này lại được sử dụng cho một hoạt động được cho là hòa bình?

Hình ảnh gây sốc của Phu nhân Thủ tướng và đội quân thứ 2 với 100 nghìn lính của Armenia - Ảnh 2.

Các nữ binh sĩ thuộc đơn vị lính dù của Quân đội Armenia trong một cuộc duyệt binh năm 2011.

Tính toán chiến lược?

Cái gọi là Sáng kiến Phụ nữ vì Hòa Bình là "nỗ lực chống chiến tranh" mà bà Anna Hakobyan đã khởi xướng ngay sau cuộc Cách mạng Nhung ở Armenia năm 2018 thể hiện bằng việc biến súng đạn thành trang sức.

"Càng có nhiều phụ nữ tham gia hành động của chúng tôi, càng có nhiều viên đạn sẽ biến mất khỏi mặt đất, chúng sẽ đơn giản biến thành đồ trang sức, và điều này có nghĩa là rất nhiều sinh mạng sẽ được cứu sống", bà Hakobyan nói vào thời điểm đó.

Khi giao tranh nổ ra ở biên giới Armenia-Azerbaijan vào tháng 7/2020, bà Anna Hakobyan đã kêu gọi phụ nữ Azerbaijan kêu gọi Baku chấm dứt các hành động thù địch để "không gây nguy hiểm đến tính mạng của những người con của các dân tộc Azerbaijan và Armenia".

Nhưng vì sao chưa đầy hai tháng sau, bà lại xuất hiện trước công chúng trong bộ quân phục và ôm chặt khẩu AK-74.

Hình ảnh gây sốc của Phu nhân Thủ tướng và đội quân thứ 2 với 100 nghìn lính của Armenia - Ảnh 3.

Trong và sau cuộc Cách mạng Nhung 2018, truyền thông Phương Tây đã tự tin cho rằng phong trào nữ quyền sẽ giúp giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh.

Để hiểu được điều này cần phải nhấn mạnh vào khái niệm "quân phiệt hóa". Đây là hệ tư tưởng dựa trên việc tập trung và lý tưởng hóa quân đội vào khái niệm xã hội và các chính sách công. Điều đáng buồn là Armenia đang chìm trong khái niệm này.

Quốc gia Nam Caucasus này đã luôn trong tình trạng xung đột trong hơn 30 năm qua nên điều này không đáng ngạc nhiên.

Theo nhiều cuộc thăm dò ở cả Armenia và Azerbaijan, người dân 2 nước đều ít thấy khả năng có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nargono-Karabakh. Tâm trạng thất vọng với việc đàm phán bị đình trệ và sự hoài nghi về việc ủng hộ một "giải pháp" quân sự đang lan rộng.

Cuộc xung đột bị "đóng băng" từ năm 1994 và các đợt leo thang trong năm 2016 và 2020 chỉ dẫn tới thương vong và một làn sóng hận thù giữa hai nước. Sự thật nghiệt ngã này khiến nhu cầu tự vệ của người dân ngày càng tăng và trở nên chính đáng.

Đồng thời, hoàn cảnh xung đột để lại dấu ấn sâu sắc trong nhận thức của người dân. Quân đội được coi như "nền móng" của nhà nước, với tất cả các cấu trúc khác đều được xây dựng bởi nó.

Niềm yêu thích quân đội này trở thành cái cớ để các lãnh đạo chính phủ sử dụng an ninh làm cái cớ để "đánh lạc hướng dư luận". Có thể hiểu một cách đơn giản hơn là chừng nào còn xung đột, mọi nguồn lực của đất nước phải ưu tiên cho quân đội.

Trong bối cảnh này, tất cả những gì bà Hakobyan đang thể hiện phải đặt trước một "lăng kính" của quân sự để "khúc xạ" ra thứ mà người dân dễ nhận biết.

Hình ảnh gây sốc của Phu nhân Thủ tướng và đội quân thứ 2 với 100 nghìn lính của Armenia - Ảnh 4.

Một bà lão 106 tuổi bảo vệ ngôi nhà của mình bằng một khẩu AKM ở làng Degh, miền nam Armenia trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh những năm 1990 (Ảnh màu phục dựng từ ảnh đen trắng của Armineh Johannes).

"Đạo quân thứ 2" của Armenia trong xung đột Nagorno-Karabakh?

Sự phổ cập của chủ nghĩa quân phiệt này càng ngày càng rõ ràng hơn với đề xuất hôm 1/9 của Yeveran về việc thành lập lực lượng "vệ binh quốc gia", một đơn vị dân quân tình nguyện được chính phủ hỗ trợ lên tới 100.000 người sẽ hoạt động cùng với quân đội.

Đề xuất về việc công dân Armenia trong độ tuổi từ 18 đến 70 không phân biệt giới tính này gia nhập "vệ binh quốc gia" này đã được đệ trình để thảo luận công khai.

Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội của người Armenia sau những bức ảnh của bà Hakobyan cho thấy mức độ quân phiệt hóa hiện tại đã được đông đảo người dân ủng hộ.

Vấn đề là chủ nghĩa quân phiệt càng phát triển, sự hiện diện quân sự trong mọi lĩnh vực của cuộc sống càng trở nên mạnh mẽ hơn sẽ đẩy Armenia vào một tình huống mà hòa bình chỉ có thể thực hiện được thông qua chiến tranh.

Người tình nguyện gia nhập lực lượng dự bị tụ tập trên đường phố Yeveran, Armenia hôm 27/9.

Trong khi đó, quân đội phát triển đủ lớn để "nuốt chửng" toàn bộ đất nước và một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nagorno-Karabakh ngày càng lùi xa.

Ngay cả những việc cơ bản như việc coi chiến tranh là vô nhân đạo về cơ bản cũng sẽ trở nên bất khả thi. Bạo lực, sẽ trở thành một "trạng thái bình thường mới" và phụ nữ sẽ phải tuân theo tiêu chuẩn của nó mà không thể tránh khỏi.

Trong cuộc xung đột tháng 4/2016, phong trào nữ quyền ở Armenia đã chỉ trích gay gắt chiến tranh nhưng vào năm nay, không có gì xảy ra. Tại sao phụ nữ không lên tiếng vào năm 2020? Tại sao tiếng nói phản chiến và chống quân phiệt hóa của họ lại không được lắng nghe?

Còn quá sớm để trả lời những câu hỏi này khi chiếc micro của phong trào đã được giao cho bà Hakobyan, người đã từng có được niềm tin của thành phần phản chiến trong xã hội Armenia. Không nghi ngờ gì nữa, họ đã kiệt sức.

Hình ảnh gây sốc của Phu nhân Thủ tướng và đội quân thứ 2 với 100 nghìn lính của Armenia - Ảnh 8.

Chừng nào tư duy về một chiến thắng quân sự sẽ đem lại hòa bình còn chi phối một phần xã hội, chừng đó còn chưa thể có hòa bình thật sự giữa hai quốc gia Nam Caucasus.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM