Đầu tiên, đợt bùng phát ban đầu đã buộc nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa gần ba tuần và khiến nguồn cung từ Trung Quốc cho nhà máy tại Việt Nam bắt đầu cạn kiệt. Sau đó, khi virus lây lan sang Hàn Quốc, việc hạn chế đi lại đã ngăn cản công nhân của họ quay trở lại làm việc tại nhà máy, nằm ở thành phố cảng Hải Phòng.
Bây giờ, một công ty, từ chối được nêu tên để giữ kín các mối quan hệ kinh doanh, đang xem xét sự gián đoạn trong hoạt động của nhà máy ở trung tâm công nghiệp Gumi, cách Daegu, tâm dịch coronavirus của Hàn Quốc chưa đầy một giờ lái xe.
Ngoài những khó khăn với việc tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc liên tục diễn ra, nhà cung cấp các bộ phận màn hình điện thoại thông minh và mô-đun camera cho các công ty LG đã tỏ ra lo ngại khi một số công nhân bị cách ly và dự đoán cho tương lai trước mắt thậm chí còn tồi tệ hơn - những vấn đề có thể xảy ra với khách hàng cuối cùng bao gồm cả Apple.
"Virus đã tạo ra ảnh hưởng domino đối với các nhà cung cấp", một giám đốc điều hành cấp cao của một công ty đã chia sẻ với Reuters. "Tôi chỉ biết nhìn lên trời và thở dài."
Những tác động tiêu cực của nó cho thấy cuộc khủng hoảng coronavirus đã làm rung chuyển cả một chuỗi cung ứng điện tử châu Á vốn vẫn đang phải chật vật trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc và vai trò không thể thiếu của hệ thống các nhà máy của Trung Quốc. Các vấn đề cũng cho thấy chiến lược đầu tư mạnh vào Việt Nam của các công ty Hàn Quốc đã không được chứng minh là một hàng rào an toàn để chống lại rủi ro ở Trung Quốc.
Được dẫn dắt bởi các tập đoàn quốc gia như LG và Samsung, các công ty Hàn Quốc đã xây dựng sự hiện diện của họ tại Việt Nam trong nhiều năm do chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng lên, cùng với rủi ro chính trị và lo ngại về hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ.
Mặc dù Trung Quốc vẫn là địa điểm sản xuất tốt nhất cho nhiều bộ phận và vật liệu và là cơ sở cho các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc và các khách hàng lớn như Apple, nhưng Việt Nam lại trở thành một lựa chọn hơp lý để khắc phục rủi ro.
Các công ty Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 4.000 hoạt động kinh doanh trong nước. Sự phụ thuộc lẫn nhau diễn ra sâu sắc: Chỉ riêng Samsung đã chiếm một phần tư lượng xuất khẩu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc cũng như là nguồn nhập khẩu lớn thứ năm của Hàn Quốc.
Các hoạt động kinh doanh được tạo điều kiện bởi một lượng lớn khách du lịch. Có khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch từ Hàn Quốc đến Việt Nam vào năm 2018, một bước nhảy vọt 44% so với một năm trước đó. Các hãng hàng không Hàn Quốc và Việt Nam đã bay các tuyến giữa hai nước 538 lần một tuần vào năm ngoái.
Vì vậy, khi Việt Nam bắt đầu cắt giảm các hoạt động du lịch, kế hoạch kinh doanh đã bị xáo trộn. Hầu hết các chuyến bay giữa hai quốc gia hiện đang bị tạm dừng và bắt đầu từ Chủ nhật, người Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ phải trải qua 14 ngày cách ly.
"Chúng tôi đang có một thời gian khó khăn, bởi vì chúng tôi không thể làm việc ở đó", giám đốc điều hành của một nhà cung cấp khác cho LG, cũng từ chối nêu tên.
Một công ty sản xuất thiết bị tự động hóa cho các hệ thống định vị ô tô được sử dụng bởi Honda Motor, BMW và Hyundai Motor và cũng có trụ sở tại Gumi, lo lắng sẽ phải trì hoãn việc lắp đặt thiết bị vì không thể gửi các kỹ sư đến Việt Nam.
Hai tuần trước, mối quan tâm lớn nhất liên quan đến virus đối với các công ty công nghệ Hàn Quốc là giữ cho các nhà máy ở Việt Nam hoạt động. Khi Việt Nam tạm thời đóng cửa biên giới với Trung Quốc thì nguồn cung linh kiện lại gặp vấn đề. Samsung đã nhanh chóng giải quyết các vấn đề hậu cần, bao gồm sử dụng vận tải hàng không cho hàng hóa khẩn cấp thay vì các tuyến đường bộ, theo một nguồn tin tin cậy chia sẻ với Reuters.
Những vấn đề đó đã giảm bớt, nhưng sự bùng phát virus ở Hàn Quốc gây ra mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn nếu hàng loạt công nhân bị cách ly và các nhà máy bị ngừng hoạt động. Trong những tuần gần đây, Samsung đã tạm thời ngừng sản xuất tại nhà máy điện thoại thông minh của mình ở Gumi, trong khi LG Display và LG Innotek cũng tạm dừng công việc trong vài ngày.
Đó là mối quan tâm của Samsung, hãng đã khuyến cáo các công nhân nên tránh đi chơi cuối tuần với gia đình và bạn bè, yêu cầu họ đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách hơn 2 mét khi nói chuyện với nhau.
"Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu các tác động đến hoạt động của mình", Samsung cho biết trong một tuyên bố.
Apple mua màn hình từ LG Display, các mô-đun camera từ LG Innotek và các sản phẩm bao gồm chip nhớ và màn hình từ Samsung, đã đưa ra những ý kiến của mình.
"Tôi nghĩ rằng dịch coronavirus trong vài ngày qua đã lan từ Trung Quốc sang Hàn Quốc và Ý, vì vậy tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là phải xem điều gì xảy ra ở đó và liệu có điều gì mới từ đó hay không", CEO Tim Cook cho biết một cuộc phỏng vấn với Fox News tuần trước.
Ông nói thêm: "Chuỗi cung ứng của chúng tôi có tỉ trọng tương đối lớn ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi có các doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc và chúng tôi có các nhà cung cấp ở Hàn Quốc cũng như các nhà cung cấp ở Ý cũng đang kinh doanh rất tốt."