Trong mắt cha mẹ, cách giáo dục tốt nhất là giúp trẻ có được điểm số xuất sắc và công việc tốt trong tương lai. Tuy nhiên, đối với những nhà giáo dục, khả năng tư tuy của trẻ mới thực sự quan trọng, chứ không phải biến các em thành những cỗ máy học tập.
Triết lý giáo dục này được phản ánh trong hành động của nhiều đời hiệu trưởng Đại học Harvard và Đại học Yale, Mỹ.
Những hiệu trưởng nổi tiếng này cũng nhất trí, cách giáo dục tốt nhất cho một đứa trẻ là để chúng thành thạo ba kỹ năng sau đây:
1. Khả năng nhìn thế giới
Là nữ chủ tịch duy nhất trong lịch sử ĐH Harvard, Drew Gilpin Foster từng khẳng định rằng: "Tìm hiểu thế giới là một khoá học bắt buộc đối với mọi đứa trẻ".
Chủ tịch nữ duy nhất của ĐH Harvard, Drew Gilpin Foster
Theo bà câu nói này nghe có vẻ cường điệu nhưng trong yêu cầu phẩm chất của nhân tài ở thế kỷ 21, việc có một vốn kiến thức phong phú từ lâu đã trở thành điều kiện cần thiết.
Chỉ khi được nhìn thấy thế giới, trẻ mới thực sự áp dụng những kiến thức từ sách giáo khoa vào thực tế cuộc sống. Đây cũng là kinh nghiệm giáo dục riêng của Drew Gilpin Foster. Mỗi năm dù bận rộn đến đâu, bà cũng đưa các con đến một nơi mới lạ để chúng được trải nghiệm những phong tục tập quán và học thêm kiến thức nhân văn khác.
"Chỉ khi trẻ nhìn thấy một thế giới khác, chúng mới có tầm nhìn dài hạn và không bị giới hạn bởi những gì trước mắt", Drew Gilpin Foster khẳng định. Bằng cách này, khả năng đương đầu với nghịch cảnh của trẻ sẽ cải thiện đáng kể, chúng dễ dàng thích nghi và hòa nhập với xã hội sau này.
2. Sự tò mò
Năm 2004, Harvard đã từ chối 164 sinh viên có điểm SAT hoàn hảo. Khi đó nhiều người không hài lòng và đặt ra những câu hỏi tại sao. Trước những hoài nghi đó, hiệu trưởng ĐH Harvard chỉ đưa ra một câu: "Con bạn chẳng có gì ngoài số điểm hoàn hào".
Theo cách giáo dục truyền thống, trẻ em một số nước châu Á chỉ biết học kiến thức để phục vụ thi cử, điều này trái ngược với triết lý giảng dạy của Harvard.
Tại diễn đàn giáo dục năm 2010, Chủ tịch của ĐH Harvard khi đó là bà Drew Gilpin Foster đã phát biểu: "Chúng ta phải biết liệu một sinh viên học nhiều có sự sáng tạo hay không, liệu anh ta có tò mò và động lực mạnh mẽ để khám phá các lĩnh vực mới hay không; anh ta có mối quan tâm rộng rãi đến các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực chuyên ngành của mình hay không".
Theo vị này, giáo dục trước tiên nên nuôi dưỡng tư duy độc lập và kích thích sự tò mò của trẻ. Chỉ những đứa trẻ luôn tò mò và muốn khám phá về mọi thứ mới có hứng thú học tập.
"Trẻ em cần được tạo động lực học tập thay vì bị cha mẹ ép buộc", Drew Gilpin Foster khẳng định.
3. Khả năng tư duy linh hoạt
Richard Levine, Chủ tịch Đại học Yale trong 20 năm từng nói: "Yale cam kết đào tạo ra các nhà lãnh đạo. Cốt lõi của giáo dục đại học là đào tạo khả năng tư duy phản biện và độc lập cho sinh viên, đồng thời đặt nền tảng cho việc học suốt đời".
Theo nhà giáo dục này, mục đích của giáo dục là để trẻ có được sự phản biện rõ ràng và khả năng suy nghĩ độc lập chứ không đơn thuần là để sinh viên có được công việc tốt sau khi ra trường. Điều quan trọng hơn cả là rèn cho các em khả năng suy nghĩ độc lập.
Richard Levine, Chủ tịch Đại học Yale
Đồng quan điểm với Chủ tịch Levine, trong bài phát biểu năm 1917, Hiệu trưởng ĐH Bắc Kinh, Thái Nguyên Bồi cũng cho rằng: "Trường đại học không phải là một tổ chức cung cấp sinh viên đã tốt nghiệp cho những nhà tuyển dụng, càng không phải là một tổ chức truyền đạt kiến thức cố định, mà chúng tôi là tổ chức nghiên cứu cách học tập".
Vị hiệu trưởng này nhận định, nếu trẻ chỉ biết học thuộc một lượng kiến thức khổng lồ, chúng sẽ trở thành cái máy học và rất nhanh mất hứng thú với việc học. Vì thế khả năng tư duy linh hoạt là điều cần thiết.
Theo Aboluowang