Hiểu sao cho đúng về chỉ số tăng trưởng GDP của các nước?

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện ĐT&NC BIDV | 09-09-2020 - 17:55 PM

(Tổ Quốc) - Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cách tính toán GDP và "nội hàm" số liệu GDP mỗi nước có sự khác biệt nhất định...

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo nghiên cứu về tăng trưởng GDP của các nước trong đó chỉ ra sự khác biệt trong phương pháp thống kê về GDP. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn báo cáo để quý độc giả tiện theo dõi:

--------

Đến nay, hầu hết các nước đã công bố chính thức kết quả tăng trưởng GDP quý 2/2020 của mình, theo đó hầu hết đều nhận định tăng trưởng GDP quý 2 giảm sâu, đặc biệt là các nước lớn (từ -10% đến hơn -20%, so với cùng kỳ năm trước). Có ý kiến nêu GDP quý 2/2020 của Mỹ suy giảm -31,7%. Liệu mức suy giảm có thực sự cao như vậy? Việc các nước công bố các chỉ số tăng trưởng GDP so với các mốc và quãng thời gian khác nhau có ý nghĩa gì? Báo cáo sẽ giúp tìm hiểu về cách tính GDP của một số nước và đưa ra lưu ý về sự khác biệt trong phương pháp thống kê cũng như ý nghĩa của nó, nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu đúng và vận dụng chuẩn hơn.

Cách tính tăng trưởng GDP của các nước

Hiện nay, số liệu GDP các nước được các cơ quan chức năng từng nước tính toán và công bố theo hàng quý, năm để phản ánh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy vậy, do cách tính tăng trưởng GDP và "nội hàm" của số liệu có khác nhau, nên cần phải hết sức lưu ý khi so sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước.

Tốc độ tăng trưởng GDP được công bố hàng quý thường là so sánh giá trị GDP của quý này với giá trị GDP của quý liền trước. Kết quả so sánh này được hiểu là tốc độ tăng trưởng GDP theo quý (GDP growth quarter-on-quarter, QoQ). Vì số liệu quý hay bị tác động bởi yếu tố mùa vụ, nên thống kê tăng trưởng GDP của các nước đều được hiệu chỉnh theo mùa vụ cho cả giá trị và tốc độ tăng trưởng.

Đối với các nước như Trung Quốc, Việt Nam,…v.v. số liệu GDP hàng quý công bố được tính so với cùng kỳ của năm trước (không hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ). Đây cũng là cách tính và công bố của hầu hết các nước (trừ Mỹ, Canada, Nhật Bản… theo cách tính sẽ trình bày bên dưới). Theo cách tính này, tăng trưởng GDP trong kỳ được tính như sau:  

Hiểu sao cho đúng về chỉ số tăng trưởng GDP của các nước? - Ảnh 1.

Thí dụ: GDP so sánh quý 2/2019 của Trung Quốc là 218.585 trăm triệu NDT, GDP quý 2/2020 là 225.496 trăm triệu NDT; do đó tăng trưởng GDP quý 2/2020 của Trung Quốc so với cùng kỳ năm trước (Q2, %yoy) là:

Hiểu sao cho đúng về chỉ số tăng trưởng GDP của các nước? - Ảnh 2.

Như vậy, Cục thống kê Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP quý 2/2020 là 3,2%.

Đối với Mỹ, Canada, Nhật Bản, IMF, WB; số liệu GDP hàng quý công bố được hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ (QoQ theo SAAR – Seasonally Adjusted Annualised Rate). Tại Mỹ, số liệu GDP được công bố lần đầu vào cuối tháng đầu tiên ngay sau quý gần nhất trên cơ sở ước tính xu hướng và đánh giá các chỉ tiêu sản xuất và thu nhập của 2 hoặc 3 tháng trong kỳ báo cáo; sau đó sẽ công bố lại lần 2 hoặc lần 3 khi có số liệu đầy đủ (vào cuối tháng thứ 2 hoặc tháng thứ 3 của quý liền kề). Số liệu GDP hàng quý được công bố bởi Cục Thống kê kinh tế Mỹ (BEA) là thay đổi của GDP quý này so với quý liền trước đó (QoQ - quarter over quarter) và được điều chỉnh để phản ánh mức tăng trưởng theo kỳ 1 năm. Theo BEA, công thức tính tăng trưởng GDP hàng quý được hiệu chỉnh chỉnh yếu tố mùa vụ như sau:

Hiểu sao cho đúng về chỉ số tăng trưởng GDP của các nước? - Ảnh 3.

Thí dụ: GDP quý 4/2003 của Mỹ là 10.597,1 tỷ USD, GDP quý 3/2003 là 10.493,1 tỷ USD; do đó tăng trưởng GDP của quý 4  so với quý 3 (QoQ) được tính bằng:

Hiểu sao cho đúng về chỉ số tăng trưởng GDP của các nước? - Ảnh 4.

Khi đó, tăng trưởng GDP theo quý (có hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ) (GDP QoQ theo SAAR) được tính bằng:

Hiểu sao cho đúng về chỉ số tăng trưởng GDP của các nước? - Ảnh 5.

Theo cách tính như vậy, BEA công bố tăng trưởng GDP quý 2 (có hiệu chỉnh yếu tố thời vụ) sẽ là 4,02%.

Khái niệm mùa vụ và phương pháp hiệu chỉnh mùa vụ được áp dụng phổ biến tại các nền kinh tế có quy luật thay đổi theo chu kỳ năm của các chuỗi số liệu. Tại các nước đó, nhiều hoạt động kinh tế thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, tập tục văn hóa (nghỉ lễ, tết, …), nên số liệu thường biến động đáng kể giữa các tháng, quý. Một trong những cách loại bỏ ảnh hưởng của yếu tố "mùa vụ" là so sánh số liệu ở một thời điểm trong năm với thời điểm cùng kỳ năm trước (year-on-year, y.o.y).

Tuy nhiên, nhiều nước sử dụng số liệu so sánh quý này với quý trước (QoQ) và sử dụng công cụ kinh tế lượng để hiệu chỉnh tác động của yếu tố "mùa vụ". Điển hình như Cục Thống kê lao động Mỹ áp dụng X12-ARIMA; Canada áp dụng X11-ARIMA; IMF áp dụng X13-ARIMA,… được phát triển và ứng dụng từ cuối những năm 1980; Eurostat, NHTW châu Âu (ECB), NHTW Bỉ, Đức,… áp dụng JDemetra (là phương pháp kết hợp của 2 phương pháp nêu trên)…v.v.

Hiểu theo cách tính như vậy, trong thực tế năm 2020, với công bố của BEA về tăng trưởng GDP quý 2/2020 của Mỹ được hiệu chỉnh yếu tố thời vụ theo năm là -32,9% (công bố lần 1) và -31,7% (công bố lần 2), tương đương mức tăng trưởng theo quý (QoQ) là -9,5% (theo công bố lần 1) và -9,1% (theo công bố lần 2). Số liệu trên có nghĩa là không phải nền kinh tế Mỹ đã suy giảm 31,7% trong quý 2/2020 mà nếu nền kinh tế tiếp tục suy giảm ở mức tương tự như quý 2/2020 (-9,1%) thì cả 4 quý (kỳ từ 01/4/2020-31/3/2021) mức suy giảm sẽ là -31,7%.

Căn cứ số liệu công bố của cơ quan thống kê các nước, có thể "tính lại" và so sánh tăng trưởng GDP quý 2/2020 của một số quốc gia như sau.

Hiểu sao cho đúng về chỉ số tăng trưởng GDP của các nước? - Ảnh 6.

Với phương pháp có hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ, tăng trưởng GDP theo quý sẽ được phản ánh tương đối nhất quán với tăng trưởng GDP theo năm, đồng thời loại bỏ được yếu tố "mùa vụ" làm sai lệch bản chất dữ liệu (theo BEA). Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP thực tế các quý có thể rất khác so với "hiệu chỉnh"; và đặc biệt đối với quý có biến động mạnh sẽ khiến cho mức tăng trưởng hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ này cao hơn rất nhiều ("bị khuếch đại") so với mức tăng trưởng thực tế hàng năm. Bên cạnh đó, theo IMF, việc hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ cũng có thể dễ đến hiểu nhầm về mức độ tăng trưởng GDP ước tính cả năm và do đó phương pháp này không được khuyến cáo sử dụng chính thức.

Hàm ý đối với các nhà hoạch định chính sách

Thứ nhất, cách tính toán GDP và "nội hàm" số liệu GDP mỗi nước có sự khác biệt nhất định. Đối với các nước công bố tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm trước (y.o.y), GDP sẽ phản ánh xu hướng tăng trưởng hay suy giảm của nền kinh tế so với cùng kỳ năm trước. Cách tính này phù hợp với các nước có mức độ biến động GDP hàng quý ở mức cao (khi đó số liệu tăng trưởng GDP hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ theo năm sẽ ở mức cao, không phản ánh đúng bản chất tăng trưởng của nền kinh tế).

Đối với các nước lựa chọn công bố tăng trưởng GDP theo quý (QoQ), số liệu sẽ phản ánh mức độ tăng trưởng hay suy giảm của nền kinh tế của quý này so với quý trước, qua đó phản ánh "xu thế" tăng trưởng ngắn hạn. Một số ít quốc gia có hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ theo năm (Annualized, SAAR) mang tính dự báo cao hơn đối với tăng trưởng GDP của 3 quý tiếp theo, phù hợp với các nước có mức tăng trưởng GDP theo quý tương đối ổn định.

Thứ hai, việc đánh giá mức độ suy giảm hay tăng trưởng kinh tế cần được xem xét trên cùng một hệ quy chiếu (so với quý trước đó - QoQ hoặc so với cùng kỳ năm trước – y.o.y). Việc sử dụng các số liệu tăng trưởng GDP trong các báo cáo, phân tích cần phải được nêu rõ về bản chất (tăng trưởng so với cùng kỳ hoặc so với quý trước) để người đọc nắm bắt được vấn đề, tránh hiểu sai về tăng trưởng GDP của các nước.

Thứ ba, đối với Việt Nam, hiện nay TCTK công bố số liệu GDP theo quý và so sánh với cùng kỳ năm trước (y.o.y) là phù hợp với điều kiện hiện tại. Việt Nam nên xem xét tính toán, công bố cả số liệu về tăng trưởng GDP quý này so với quý trước (QoQ) để có thể so sánh tố độ tăng trưởng kinh tế đối với các quốc gia có sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên, việc tính toán và công bố số liệu tăng trưởng GDP hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ theo năm (Annualized, SAAR) cần thận trọng do có thể phóng đại mức tăng trưởng GDP của Việt Nam (thí dụ, tăng trưởng GDP quý 2/2020 hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ theo năm là 149,7%). Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách, cơ quan báo chí truyền thông cần thận trọng khi sử dụng các số liệu trên để đánh giá, so sánh tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia, và nên so sánh trên cùng hệ quy chiếu (QoQ hoặc y.o.y).


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.