Khi số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu vượt qua con số 2 triệu người, thật khó có thể chấp nhận rằng virus SARS-CoV-2 đã nhảy từ động vật sang người và ban đầu chỉ lây nhiễm một người duy nhất.
Chúng ta không bao giờ có thể quay ngược thời gian để tìm ra chính xác nơi nào hoặc người đầu tiên nào đã nhiễm COVID-19. Nhưng chúng ta biết virus nhảy từ động vật sang người vốn là điểm khởi đầu cho những dịch bệnh, từ cúm, HIV cho đến Ebola, SARS và bây giờ là COVID-19.
Một trong số chúng, chẳng hạn như bệnh dại, chỉ gây ra những đợt bùng phát lẻ tẻ. Những căn bệnh này có tỷ lệ tử vong cao nhưng sẽ thường tự biến mất sau khi giết chết phần lớn vật chủ mà chúng lây nhiễm.
Một số căn bệnh khác sẽ lây lan rộng trên toàn cầu và trở thành đại dịch. Một số chủng virus động vật sẽ liên tục đột biến và lây nhiễm lại cho con người, tạo nên các dịch bệnh lặp đi lặp lại, chẳng hạn như cúm.
Và cũng có những chủng virus được coi là "bất tử", khi chúng không thể bị đánh bại và vẫn là một gánh nặng thường nhật đối với con người, lấy ví dụ điển hình nhất là HIV.
Vậy chủng SARS-CoV-2 đang gây ra đại dịch COVID-19 sẽ thuộc vào nhóm nào? Các nhà khoa học cho biết nó rất giống với SARS-CoV, chủng virus đã gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp tính SARS năm 2003. SARS đã bị tuyệt chủng sau khi gây tử vong cho gần 10% những người nhiễm nó.
Nhưng với COVID-19, các nhà khoa học cho biết chủng virus này đã thông minh hơn khi chỉ giết chết khoảng 1-2% những người nhiễm bệnh. Một số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 còn không có triệu chứng, vì vậy, có khả năng nó sẽ ở lại với chúng ta và lưu hành vĩnh viễn giống virus cúm.
Dù thế nào đi chăng nữa, các nhà dịch tễ học dự đoán rằng làn sóng virus tràn từ động vật sang người sẽ vẫn chưa dừng lại. Các chủng virus, được gọi là virus zoonotic sẽ còn tiếp tục đột biến để lây nhiễm chúng ta.
Với quá trình đô thị hóa, xâm chiếm môi trường sống của động vật và khai thác những vật nuôi để làm thức ăn hàng ngày, con người đang tạo ra ngày càng nhiều cơ hội cho dịch bệnh. Giữa bối cảnh đó, sẽ rất quan trọng để mỗi người dân chúng ta trang bị những kiến thức cần thiết và lọc bỏ hiểu lầm về những căn bệnh zoonotic này.
Olivier Restif, một giảng viên dịch tễ học tại Đại học Cambridge sẽ nói cho bạn biết đâu là những gì khoa học biết về những căn bệnh lây từ động vật sang người:
1. Thịt động vật hoang dã và những khu chợ ẩm ướt
Tiếp xúc gần gũi với động vật hoang dã thường được cho là điều kiện cần khiến các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật bùng phát, chẳng hạn như Ebola hoặc COVID-19.
Các hoạt động của con người như săn bắn, giết mổ và buôn bán thịt động vật hoang dã có nguy cơ cao đặt chúng ta vào nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, nhưng chúng ta không biết xác xuất lây lan từ những tiếp xúc ấy là bao nhiêu?
Ở một số quốc gia Châu Phi và Châu Á, dơi là loài động vật có nguy cơ lây truyền virus nhất sang cho con người. Một số những con dơi có thể nặng hơn 300g và chúng sống thành đàn.
Hàng ngàn con dơi có thể cùng đậu trên một cây lớn (và một hang động có thể chứa nửa triệu con dơi). Do đó, những người săn dơi có nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn, mặc dù có rất ít bằng chứng cho thấy chính những người thợ săn có thể là nguồn gốc của dịch Ebola trong quá khứ.
Ở một số quốc gia, truyền thống tiêu thụ động vật sống khiến chúng được bày bán công khai ở các khu chợ ẩm ướt. Đó là nơi có khả năng trung chuyển những virus zoonotic từ rừng vào thị trấn.
Quần thể dơi tại một hang động ở Myanmar
Tuy nhiên, các khảo sát ở Trung Quốc và Việt Nam đã chỉ ra rằng thịt động vật hoang dã chủ yếu được ăn trong các nhà hàng, và thịt đó chủ yếu lại là từ lợn rừng, dê, hươu và chim được nuôi – chứ không phải săn bắt giống như những gì xảy ra ở Châu Âu.
Đối với những con dơi được bán với số lượng hàng chục ngàn con ở Ghana, chúng đã chết, bị phát hiện và hun khói trước khi đến được các quầy hàng ở chợ. Do đó, nguy cơ lây nhiễm virus cho người tiêu dùng là rất thấp.
2. Trung gian truyền bệnh
Những con đường lây truyền bệnh zoonoctic phổ biến hơn không yêu cầu bạn phải tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã. Nhiều căn bệnh mới nổi thực ra đã được truyền qua côn trùng, đóng vai trò là loài trung gian mang mầm bệnh giữa những vật chủ.
Ví dụ, bệnh Lyme đây lây lan trên người ở Bắc Mỹ và Châu Âu trong 30 năm qua, thực ra có nguồn gốc từ động vật có vú hoang dã. Nhưng chúng đã lây sang người nhờ những con bọ ve.
Mặc dù sự gia tăng của căn bệnh thường được gán cho hoạt động săn bắn hươu hoang dã. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết sự gia tăng đột biến của các loài thú có vú nhỏ, khi những loài thú lớn hoang dã là kẻ săn mồi tự nhiên của chúng biến mất, cũng là một nguyên nhân gây ra sự gia tăng của dịch bệnh.
Một số căn bệnh khác được phát tán thông qua phân và nước tiểu của động vật, làm ô nhiễm nước uống hoặc cây trồng cho người và động vật chăn nuôi trong trang trại. Điều này đã được ghi nhận ở Bangladesh, nơi những con dơi uống nước và đi tiểu vào các máng lấy nhựa cọ. Điều này được cho là đã làm bùng phát dịch virus Nipah trong cộng đồng địa phương.
3. Vật nuôi
Mặc dù đúng là động vật hoang dã đang truyền những virus zoonotic sang con người, nhưng trong đời sống hàng ngày, chúng ta lại thường xuyên tiếp xúc với động vật nuôi nhiều hơn, tạo ra nhiều cơ hội cho bệnh lan truyền hơn.
Trong 20 năm qua, gia cầm thường truyền bệnh cúm sang người, với các đợt bùng phát (thường gây ra tỷ lệ tử vong cao) của các chủng H5N1 hoặc H7N9.
Mặc dù ít gây chết người hơn nhưng các vi khuẩn như salmonella và campylobacter thường được tìm thấy trên động vật trang trại, cũng đã gây ra hàng ngàn trường hợp ngộ độc thực phẩm chỉ tính riêng ở Anh.
Ngay cả những vi khuẩn vô hại thông thường cũng có thể có được các gen kháng kháng sinh trong các trang trại lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Bên ngoài Châu Âu, kháng sinh thường được thêm vào thức ăn chăn nuôi như chất kích thích tăng trưởng, nhưng chúng cũng có khả năng nuôi dưỡng các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc.
4. Làm thế nào để ngăn chặn dịch bệnh từ động vật?
Không có giải pháp đơn giản nào để ngăn chặn sự bùng phát của virus động vật, nhưng các nhà nghiên cứu trong dự án Bat-One-Health của Olivier Restif đang nghiên cứu cách củng cố ba tuyến phòng thủ cụ thể cho loài người.
Thứ nhất là phải bảo tồn được hệ sinh thái và phục hồi môi trường sống tự nhiên cho động vật hoang dã. Điều này khiến chúng không tràn vào khu vực sinh sống của con người như các thành phố, thị trấn hay trang trại để kiếm thức ăn – làm giảm nguy cơ con người phải tiếp xúc với mầm bệnh.
Thứ hai, đó là tư vấn và thúc đẩy các chính sách cho chính phủ. Chẳng hạn như, nếu chúng ta muốn giảm thiểu hoạt động khai thác động vật hoang dã để bán dưới dạng thực phẩm hoặc nguyên liệu y tế, chúng ta phải từng bước đảm bảo được kế sinh nhai cho những người đang tham gia vào ngành công nghiệp này.
Quan trọng nhất, chính phủ cũng phải đầu tư vào y tế công cộng và hoạt động giám sát dịch bệnh. Các nghiên cứu cũng cần được tiến hành liên tục. Bởi hiểu virus lây từ động vật sang người như thế nào có thể giúp chúng ta chặn đứng các dịch bệnh trong tương lai.
Tham khảo Thenextweb