Đó là chia sẻ của ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam tại Chương trình gặp gỡ "Ngành gỗ vì một Việt Nam xanh" diễn ra tại Tp.HCM chiều 9/11.
Ông Lập chia sẻ, giờ này khi chúng ta đang ngồi đây thì hàng nghìn hộ gia đình ở khu vực Miền Trung vẫn đang vật lộn từng ngày, từng giờ với những hậu quả của bão lũ. Ít nhất 235 gia đình, họ hàng, làng xóm láng giềng đã mất đi những người thân yêu của mình; trên 201 nghìn hộ gia đình đã không còn nhà để ở; giao thông tê liệt; thiệt hại kinh tế trên 17.000 tỷ. Đây là các con số thống kê vừa được Chính phủ công bố. Hậu quả không chỉ dừng lại ở các con số này mà có thể tác động đến tương lai của ngàn em nhỏ đang trong độ tuổi tới trường.
Hậu quả này là kết quả của việc loài người chúng ta ứng xử với thiên nhiên.
Nghị trường Quốc hội và xã hội đang nóng bởi những tranh luận về nguyên nhân gây ra lũ lụt, lở đất. Các nguyên nhân được nêu tên bao gồm thủy điện, chuyển đổi rừng sang cây công nghiệp, gỗ lậu, phát triển rừng trồng, quản lý lâm nghiệp chưa hiệu quả…
"Điều chúng ta cần làm là thay đổi cách ứng xử của chúng ta, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp trong ngành nói riêng và toàn xã hội nói riêng, với thiên nhiên, đặc biệt với tài nguyên rừng tại Việt Nam hiện nay", ông Lập nhấn mạnh.
Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng hiện nay. Độ che phủ gần 42%. Độ che phủ tiếp tục tăng, chủ yếu là do mở rộng diện tích rừng trồng. Tuy nhiên, chất lượng của rừng tự nhiên vẫn tiếp tục giảm.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, trong các diện tích rừng hiện tại của Việt Nam chỉ có 15% là giàu về trữ lượng, trong khi có tới 35% trong tổng số diện tích là rừng nghèo kiệt.
"Hầu hết hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các Hiệp hội chúng ta ở đây không phải là nguyên nhân gây ra mất rừng và suy thoái rừng. Sản phẩm của chúng ta sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp. Chúng ta không trực tiếp là những người gây ra các hậu quả tiêu cực về lũ lụt, lở đất", Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Lập nhấn mạnh, chúng ta có vai trò gián tiếp. Hàng năm, nguồn gỗ tự nhiên, bao gồm cả nguồn gỗ khai thác lậu và gỗ nhập khẩu rủi ro cao vẫn được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Thói quen sử dụng gỗ tự nhiên, bao gồm các loại gỗ quý vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ những người lắm tiền nhiều của, những người muốn phô trương.
Quỹ "Việt Nam xanh" thể hiện trách nhiệm và cam kết của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, hoạt động sản xuất và thương mại hợp pháp, bền vững về mặt lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.
"Chúng ta ngồi đây chưa dành mối quan tâm thích đáng cho thị trường nội địa. Chúng ta chưa thực sự quan tâm tới nguồn tài nguyên rừng trong nước, đặc biệt là các diện tích rừng tự nhiên còn sót lại. Chúng ta bỏ qua sự mất mát to lớn của nguồn đa dạng sinh học. Chúng ta cũng chưa có sự đồng cảm sâu sắc với các cộng đồng đồng bào dân tộc sống dựa vào nguồn tài nguyên rừng. Và điều này đã và đang tiếp tục làm cho hình ảnh của ngành gỗ chúng ta trở nên xấu xí trong mắt nhiều người dân. Theo đó, các DN trong ngành cần đồng lòng hỗ trợ xây dựng một ngành gỗ có trách nhiệm, một ngành lâm nghiệp bền vững", Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam chia sẻ.
Cũng tại chương trình này, các Hiệp hội gỗ cũng ra mắt quỹ "Việt Nam xanh – hành trình vì hình ảnh nhân văn ngành gỗ". Quỹ "Việt Nam xanh" được thành lập bởi các Hiệp hội ngành gỗ: VIFOREST, HAWA, FPA Bình Định, BIFA, DOWA, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Thanh hóa; Chi hội Gỗ Dán và Chi hội Dăm gỗ với sứ mệnh thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về ngành gỗ thông qua các hoạt động cụ thể mà Quỹ tài trợ. Đồng thời sự vận hành của Quỹ trong tương lai cũng thể hiện trách nhiệm và cam kết của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, hoạt động sản xuất và thương mại hợp pháp, bền vững về mặt lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.
Theo đại diện Hiệp hội gỗ và Lâm sản, ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam đã trở thành một ngành quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn về khía cạnh xã hội và môi trường từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, cách nhìn chung của cộng đồng về ngành chưa tương hợp, khi cho rằng sự phát triển của ngành gắn liền với suy giảm trữ lượng rừng, gây nhiều hệ lụy về môi trường lẫn xã hội, là nguyên nhân chủ yếu của những biến cố thiên tai, lũ lụt nặng nề vừa qua.
Mục tiêu của Quỹ là thay đổi nhận thức xã hội về ngành theo hướng bền vững về xã hội, môi trường và kinh tế. Quỹ sẽ xác định các mảng hoạt động chiến lược trực tiếp góp phần làm thay đổi hình ảnh của ngành. Tài chính từ Quỹ sẽ được sử dụng để tài trợ kinh phí để thực hiện các hoạt động mang tính chất chiến lược này. Nguồn kinh phí của Quỹ Việt Nam xanh được vận động từ đóng góp của trực tiếp các doanh nghiệp trong ngành gỗ, và từ các nguồn tại trợ khác.