Cũng như hàng trăm sinh viên ngành thiết kế khác tại Ý, chàng du học sinh Julian Lechner làm bạn với cà phê qua mỗi mùa deadline. Trung bình, hàng ngày anh có thể uống tới… 6 ly espresso để giữ mình tỉnh táo và tập trung cho các đồ án. Cà phê với anh chàng lúc đó đơn giản là ngon và gây nghiện, cho tới khi cuộc trò chuyện định mệnh với một người pha chế địa phương diễn ra.
Sau một thời gian uống cà phê như nước lã, Julian nổi hứng tò mò, hỏi người pha chế rằng họ làm gì với lượng bã sau khi pha xong. "Còn làm gì được nữa, dĩ nhiên là vứt đi rồi!". Câu trả lời thẳng thắn của tay pha chế nọ đã mở ra một thực tế phũ phàng trước mắt Julian: Mỗi ngày, cửa hàng này thải ra trung bình 6kg bã cà phê, và 6 ly espresso của anh cũng góp phần không nhỏ trong đó.
Bằng tâm thế sáng tạo cố hữu của một sinh viên thiết kế, Julian quyết biến điều không thể thành có thể: Anh đi xin bã cà phê của các cửa hàng, phơi khô, đóng gói, rồi đem đến một cơ sở tái chế, trộn chúng với bio-polymer (một loại vật liệu xanh khá phổ biến trong công nghiệp tái chế). Không ngờ, thành phẩm là một chất dẻo xốp có khả năng tạo hình tốt như đất sét, cho ra đời những chiếc cốc đẹp, bền – và quan trọng nhất – hoàn toàn "zero waste".
Giá trị hơn cả một sản phẩm tái chế
Thừa thắng xông lên, Julian dần dần mở ra một công ty start-up nhỏ chuyên sản xuất cốc cà phê mang tên Kaffeeform. Anh cung cấp đủ các loại cốc từ cốc dài có nắp để đem đi, đến cốc và đĩa theo bộ sảng chảnh cho các cửa hàng cao cấp hơn. Kaffeeform được vinh danh trong lễ trao giải Red Dot 2018, và ngày càng ăn nên làm ra.
Giá trị lớn nhất của những chiếc cốc này chính là tinh thần "sống xanh", nhưng bên cạnh đó, nó còn đem lại những trải nghiệm tiêu dùng tuyệt vời khác. Vì sử dụng chính bã cà phê tươi, cốc của Kaffeeform có mùi thơm đặc biệt, khi uống sẽ hòa quyện với cà phê bên trong và đẩy hương vị lên một tầng cao mới. Julian còn sản xuất những dòng cốc đặc biệt như "cốc espresso" để uống espresso, "cốc capucchino" dành riêng cho capucchino, đảm bảo đem lại hương vị nguyên chất nồng nàn từ trong ra ngoài – theo nghĩa đen.
Mặt khác, bởi vì đặc tính dẻo và đàn hồi cao, cốc từ bã cà phê không hề mỏng manh như các loại cốc thông thường. Nó rất khó bị nứt, vỡ nếu lỡ đánh rơi, siêu nhẹ và bền, thậm chí hoàn toàn có thể cho vào máy rửa chén!
Hiện tại, Julian chỉ đang cung cấp cốc cho các cửa hàng cà phê tại nước Đức, nhưng Hàn Quốc và Nhật Bản lại là hai nước "năng" nhập khẩu sản phẩm của anh nhất. Trong tương lai, việc phổ biến cốc tái chế ra công nghiệp đồ uống toàn thế giới là hoàn toàn khả thi – và biết đâu một ngày bạn sẽ thưởng thức các món Starbucks trong chính cái cốc cà phê làm từ bã cà phê của… lần uống trước đó!
Source (Nguồn): Kaffee Form