Dự báo của các nhà kinh tế đối với tăng trưởng kinh tế năm nay của thành phố này kể từ hồi đầu tháng 2 đã giảm hơn 1%, sau khi đã giảm 1,2% vào năm 2019. Mức sụt giảm này sẽ đánh dấu tình trạng lao dốc mạnh hơn và quá trình phục hồi chậm chạp hơn so với thời điểm Hồng Kông chịu ảnh hưởng bởi dịch SARS năm 2003, khi hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại sau khi sự lây lan được khống chế.
Vốn đã chịu ảnh hưởng từ những cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng - yếu tố khiến khách du lịch hạn chế đến Hồng Kông, doanh thu ngành bán lẻ lao dốc, giờ đây thành phố này cũng không thể trông chờ vào việc giao thương và khách đến từ đại lục để vực dậy nền kinh tế. Ở thời điểm này, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang gặp khó khăn trong việc tái khởi động hoạt động sản xuất, sau khi tạm đóng cửa một loạt nhà máy, doanh nghiệp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Dong Chen, nhà kinh tế cấp cao tại Pictet Wealth Management, nhận định: "Khả năng phục hồi nhanh chóng là rất thấp trong thời điểm này. Cả môi trường kinh tế toàn cầu và tình hình chính trị ở Hồng Kông đều là nguyên nhân."
Điều này thể hiện rằng triển vọng đối với Hồng Kông trong năm 2020 thực sự u ám, khi chính quyền thành phố đang chuẩn bị cho bản dự toán ngân sách hàng năm, công bố vào ngày 26/2. Giờ đây, Trưởng đặc khu Carrie Lam phải đảm bảo việc đáp ứng nhu cầu của ngành dịch vụ và một hệ thống chăm sóc sức khoẻ ngày càng gặp nhiều khó khăn, cùng nhiều vấn đề đã có từ rất lâu, bao gồm tình trạng thiếu hụt nhà ở kinh niên, để xoa dịu căng thẳng chính trị.
Theo ước tính trung bình của các nhà kinh tế gia được khảo sát bởi Bloomberg kể từ tháng 2, tăng trưởng kinh tế Hồng Kông sẽ giảm 1,2% trong năm 2020. Sự lây lan của virus corona đã hạ mức dự đoán tăng trưởng của 2 quý đầu năm và tốc độ phục hồi ở quý IV cũng chậm chạp. Samuel Tse, kinh tế gia tại DBS Bank, cho hay: "Tác động từ virus corona đối với nền kinh tế sẽ là rất nghiêm trọng trong quý đầu tiên. Tiêu dùng của người dân, chiếm hơn 60% GDP của thành phố này, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất."
Sau dịch SARS, kinh tế Hồng Kông có thể phục hồi nhanh chóng phần lớn là do chi tiêu du lịch từ nền kinh tế Trung Quốc đang bùng nổ. Tuy nhiên, tình hình hiện tại ở Trung Quốc rất khác so với năm 2003. Những đợt biểu tình bạo lực ở Hồng Kông trong những tháng gần đây cũng khiến khách du lịch đại lục né tránh thành phố này, ngay cả khi nỗi lo về Covid-19 giảm bớt.
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc đã giúp trung tâm tài chính Hồng Kông hưởng lợi trong nhiều năm từ sự giàu có và lối chi tiêu không tiếc không tiếc tay của người dân đại lục, từ sự phát triển của các trung tâm mua sắm cao cấp cho đến việc nâng giá trị bất động sản lên gấp 6 lần, những khoản đầu tư dồi dào qua liên kết giao dịch chứng khoán và trái phiếu.
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu Hồng Kông có thể chứng kiến lượng khách du lịch đại lục trở lại tăng lên mức kỷ lục (hơn 5 triệu người/tháng) từ trước khi các cuộc biểu tình diễn ra hay không. Khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 70-80% tổng lượng khách đến thành phố này.
Theo số liệu sơ bộ trong tháng 2 của Tổng cục Du lịch Hồng Kông, lượng khách trung bình hàng ngày đến Hồng Kông giảm mạnh xuống mức dưới 3.000 người, tương đương 99% so với năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp tăng 3,4% trong tháng 1 trong tháng thứ 4 liên tiếp. Alicia Garcia Herreno, kinh tế gia trưởng của Natixis SA tại châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, điều này tạo ra một môi trường tiêu dùng rất khó khăn khi chính phủ đưa thêm gói kích thích.
Tuy nhiên, trong tuần này, bà Lam đã tuyên bố rằng chính quyền thành phố sẽ xin phê duyệt từ cơ quan lập pháp về khoản tiền gần 28 tỷ HKD (3,6 tỷ USD) nhằm giảm bớt thiệt hại do virus corona. Trong khi đó, Hồng Kông cũng tung gói kích thích với khoản tiền tương tự để vực dậy nền kinh tế khi chịu ảnh hưởng do các cuộc biểu tình vào năm ngoái và tung thêm 10 tỷ HKD thực hiện các biện pháp hỗ trợ việc làm hồi tháng 1.
Hôm Chủ Nhật, Bộ trưởng Tài chính Paul Chan, phát biểu rằng Hồng Kông đang phải đối mặt với những "cú shock" như "sóng thần" và áp lực chi tiêu từ những gói kích thích được tung ra liên tiếp, các khoản chi phí định kỳ không ngừng tăng có thể dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách kỷ lục vào năm tài khoá tiếp theo.
Giá nhà ở Hồng Kông dường như đang ở trạng thái ổn định. Giá nhà tại các khu dân cư đã có người ở tăng 1% trong khoảng thời gian từ ngày 19/1 đến 9/2, theo số liệu của Centaline. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của 10 thương vụ bất động sản lớn nhất trong 3 tuần kể từ dịp Tết Nguyên đán giảm tới 38% so với năm trước. Nếu mức giá tiếp tục giảm sâu, thì đó chắc chắn là một đòn giáng mạnh hơn nữa đối với nền kinh tế Hồng Kông.
Theo Moody's Invester Service, trong khi hệ thống tài chính phần lớn không bị ảnh hưởng vì các cuộc biểu tình, thì tình trạng suy thoái kéo dài hơn trong bối cảnh dịch bệnh lây lan sẽ khiến các nhà cho vay gặp rủi ro lớn hơn. Mới đây, HSBC cho biết virus corona có thể khiến tổn thất cho vay tăng lên.
Tham khảo Bloomberg