Sau thông tin về ca nhiễm COVID-19 thứ 17 ngày 7/3, diễn biến dịch cúm bắt đầu lây lan nhanh trở lại. Kéo theo đó, tâm lý hoang man khiến người dân tăng cường đi mua hàng dự trữ từ mì tôm, gạo, sữa… đến sản phẩm vệ sinh cá nhân, khẩu trang.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình bán hàng cũng như kế hoạch nguồn cung trong giai đoạn này, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail – quản lý vận hành hệ thống siêu thị BigC cho hay: "Trong ngày 7/3, chúng tôi đã làm việc với các Nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng, huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa; mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn đến 11h đêm, và thậm chí mở cửa hoạt động đến khi hết khách hàng.
Nhờ đó, đến ngày 8/3/2020, tại các siêu thị Big C khu vực Hà Nội, hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, đã tăng cường rất dồi dào".
Hôm nay ngày 9/3, theo bà Phương nhờ sự vào cuộc truyền thông, vận động nhanh chóng, quyết liệt của Chính quyền các cấp, đặc biệt là đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ Công Thương, hoạt động mua sắm của người dân tại Hà Nội đã bình thường trở lại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh còn nhiều phức tạp, Big C tiếp tục cam kết không tăng giá hàng hóa. Như vậy, những ngày tới, người dân có thể yên tâm mua sắm tại Big C.
Trước đó, thông tin từ Liên hiệp HTX Thương mại Tp.HCM cho biết, hàng hóa Saigon Co.op dự trữ cho riêng dịch bệnh được so sánh tương đương với lượng hàng dự trữ cho dịp Tết Nguyên Đán vừa qua. Các mặt hàng này có thể kể như: gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa… Đặc biệt, các mặt hàng đặc thù dành riêng cho phòng chống bệnh về đường hô hấp như gel rửa tay, khẩu trang… được đặc biệt chú trọng và luôn sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán.
Ngay khi thị trường có đột biến, các tổng kho của Saigon Co.op đã nhanh chóng đưa hàng về kho miền Bắc; tất cả các nhà cung cấp cũng được yêu cầu vận chuyển hàng về Hà Nội.
"Người dân không nên quá lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn mà chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hoá rất dồi dào và ổn định", đại diện Saigon Co.op chia sẻ.
Hệ thống cũng lên phương án đảm bảo bình ổn giá với nguồn cung hàng hóa ổn định, bằng việc chủ động đặt hàng, ưu tiên chuyển hàng về các siêu thị có nhu cầu mua sắm lớn từ các nhà cung cấp lớn và uy tín.
Hay hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart , từ những thời gian đầu khi nhận được thông tin về diễn biến dịch bệnh đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp hàng hóa để đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa và ưu tiên các hàng hóa thiết yếu; phục vụ nhu cầu người dân.
Với các mặt hàng đặc biệt như khẩu trang y tế, nước rửa tay: VinMart, VinMart đã truyền thông tới khách hàng với lượng mua định mức mỗi khách hàng chỉ mua được 2 đơn vị sản phẩm (hộp, gói...) trong 1 lần giao dịch; để đảm bảo không xuất hiện tình trạng mua quá nhiều dẫn đến tình trạng khan hiếm.
100% cơ sở kinh doanh của VinMart, VinMart cam kết không có hiện tượng găm hàng đẩy giá. "Quý khách hàng không cần phải lo lắng, ồ ạt đi mua đồ dự trữ, hay di chuyển khỏi nơi cư trú. Những điều này hoàn toàn không cần thiết và chỉ khiến công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn", ghi nhận trong thư ngỏ của bà Dương Thị Thanh Tâm - Phó Tổng giám đốc Vincommecre.