Hé lộ 3 thất bại tình báo lớn trong xung đột ở Nagorno-Karabakh: Mỹ bị tới 3 phía qua mặt?

QS | 16-11-2020 - 13:02 PM

(Tổ Quốc) - Bộ Ngoại giao và Cộng đồng tình báo Mỹ dường như đã hoàn toàn bất ngờ trước những gì diễn ra ở Nagorno-Karabakh.

Tại Nagorno-Karabakh, tiếng súng đã lắng xuống khi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tới thực hiện nhiệm vụ dọc đường ranh giới ngừng bắn. Ở thủ đô Washington, D.C, dư luận đang bị chi phối nhiều hơn bởi cuộc tranh cãi xung quanh kết quả bầu cử Tổng thống.

Tuy nhiên, theo học giả Michael Rubin tại Viện American Enterprise, Quốc hội Mỹ có những trách nhiệm rộng lớn hơn việc chỉ đứng ra bảo vệ lợi ích của các đảng phái. Do đó, khi cuộc bầu cử đã lắng xuống, các ủy ban tình báo của Thượng viện và Hạ viện Mỹ nên tập trung điều tra 3 thất bại tình báo lớn được phơi bày qua cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh.

Đầu tiên: Tại sao Mỹ không biết trước rằng cuộc xung đột sẽ bùng nổ? Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan không còn là điều gì mới nhưng cuộc xung đột bùng phát hồi cuối tháng 9 vừa qua có mức độ lớn hơn bất cứ cuộc giao tranh nào kể từ chiến tranh Nagorno-Karabakh 1988-1994.

Nhìn lại thì rõ ràng Baku đã phối hợp các kế hoạch chiến tranh của mình với Ankara. Ngày 26/3/2020, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã ký quyết định bãi bỏ Mục 907 của Đạo luật Hỗ trợ Tự do. Quyết định này chứng nhận rằng Azerbaijan cam kết giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng phương thức ngoại giao để tiếp tục nhận được viện trợ từ quân đội Mỹ.

"Phải chăng ông Biegun và Bộ Ngoại giao Mỹ giấu diếm điều gì? Hay Azerbaijan đã qua mặt tất cả? Tại sao Đại sứ quán Mỹ ở Baku không hề hay biết gì?" – Ông Rubin đặt câu hỏi.

Hé lộ 3 thất bại tình báo lớn trong xung đột ở Nagorno-Karabakh: Mỹ bị tới 3 phía qua mặt? - Ảnh 1.

Mỹ đã bị Nga, Thổ và cả Azerbaijan qua mặt trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh? Ảnh: Daily Express

Thứ hai, chủ trương của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) là giải pháp ngoại giao. Ngoài ba nước đồng chủ tịch là Nga, Pháp và Mỹ, nhóm Minsk còn có 54 quốc gia thành viên, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Azerabijan.

Trải qua hơn ¼ thế kỷ tồn tại, Nhóm Minsk từng vạch ra một khuôn khổ cơ bản để giải quyết tranh chấp:

- Trao quyền tự trị cơ bản cho Nagorno-Karabakh.

- Chấm dứt tình trạng thù địch giữa Armenia và Azerbaijan [có vẻ sẽ được xúc tác bởi việc mở cửa biên giới giữa Armenia với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan].

- Trả lại dần các địa hạt của Azerbaijan nằm bên ngoài Nagorno-Karabakh hiện bị lực lượng Armenia chiếm đóng để đổi lấy hòa bình và sau đó, nền hòa bình này sẽ được lực lượng gìn giữ hòa bình Scandinavia duy trì.

Tuy nhiên, những gì Nga đã thể hiện làm dấy lên nhiều câu hỏi: Phải chăng Điện Kremlin đơn thuần xem đây là cơ hội để đưa quân đội Nga vào Nagorno-Karabakh và chiếm quyền kiểm soát? Hay họ sử dụng tư cách thành viên trong Nhóm Minsk như một chiến lược tác chiến phi đối xứng nhằm đánh lạc hướng hoặc trói buộc Mỹ bằng chính sách ngoại giao không thành thực?

Thứ ba là sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi giới phân tích và quan chức ngoại giao xem xét các sự kiện, một trong những yếu tố không chắc chắn nhất là các giao dịch "hậu trường" giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Những gì được công khai là hai nhà lãnh đạo đã đi đến một thỏa thuận ngừng bắn cơ bản trong một cuộc điện đàm riêng và sau đó phổ biến lại cho Tổng thống Azerbaijan Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.

Điều vẫn chưa chắc chắn được là liệu thỏa thuận Nga-Thổ có bất cứ khoản mục nào khác khiến Kremlin trông giống như từ bỏ Armenia hay không.

Trên thực tế, theo ông Rubin, ngày càng có nhiều đồn đoán tại Armenia rằng, hai nhà lãnh đạo có thể đã đánh đổi lợi ích của họ ở Syria:

Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo lợi ích tối cao của Nga ở Idlib để đối lấy sự ủng hộ của Nga đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ một vai trò nhất định trong trung tâm gìn giữ hòa bình liên hợp trên lãnh thổ mà Armenia kiểm soát, cũng như thiết lập một hành lang xuyên Armenia để cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thâm nhập trực tiếp vào Caucasus và Trung Á.

Kết cục của xung đột Nagorno-Karabakh đã làm suy yếu đáng kể lợi ích của Mỹ. Cuộc cách mạng dân chủ của Armenia đang bị đe dọa, làn sóng người tị nạn mới làm gia tăng căng thẳng khu vực, trong khi ảnh hưởng của Nga tại Azerbaijan vẫn tiếp tục phát triển.

Bên cạnh đó, chính quyền chống Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công đưa bản thân nước này và đội ngũ lính đánh thuê của họ vào khu vực.

Ông Rubin cho rằng, Bộ Ngoại giao và Cộng đồng tình báo Mỹ dường như đã hoàn toàn bất ngờ trước những gì đã diễn ra. Do đó, Quốc hội và các cơ quan giám sát của Mỹ cần phải sớm xác định được rõ lý do tại sao lại như vậy.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM