Mới đây, Sputnik đã đăng tải bài phân tích nhan đề: "Одной только храбростью солдат победу не куют: военные ошибки Армении в Карабахе" (Chiến thắng không đạt được chỉ nhờ sự dũng cảm của người lính: Những sai lầm của quân đội Armenia ở Karabakh).
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn tương đối khách quan (tác giả bài viết là nhà phân tích người Nga Alexander Khrolenko) về vai trò của UAV trong xung đột Karabakh và cái gọi là "chiến tranh không người lái" tương lai, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Truyền thuyết về "Bayraktar"
Phần lớn các bài viết phân tích về xung đột Nagorno-Karabakh tập trung vào những thành công của Azerbaijan trong "chiến tranh không người lái" và "lỗ hổng công nghệ" của quân đội Armenia.
Máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có thể mang 150 kg đạn dược thông minh được gọi là "Smart Micro Munition" (Tên lửa siêu nhỏ chính xác) MAM-L (21,5 kg) hoặc MAM-C (7 kg).
Các vũ khí này đã chứng tỏ năng lực khá tốt khi được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) vận hành trong các Chiến dịch "Lá chắn Euphrates" và "Cành Olive" ở miền bắc Syria.
Hệ thống pháo phản lực tầm xa BM-30 Smerch của Armenia bị UAV Azerbaijan tiêu diệt
Nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng từ những gì đã diễn ra ở Karabakh, không nên phóng đại năng lực chiến đấu của máy bay không người lái chiến thuật tầm trung, sức bền cao (MALE) Bayraktar TB2.
Khí tài này không phải là thứ vũ khí lý tưởng, nó có thể bị radar của các hệ thống tên lửa phòng không (SAM) hiện đại phát hiện và tiêu diệt một cách dễ dàng.
Phía Azerbaijan sử dụng máy bay không người lái (UAV) khá tích cực và thành công chỉ vì quân Armenia không có hệ thống phòng không và các hệ thống tác chiến điện tử (EW) phù hợp để khắc chế chúng.
Một tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn 9K33 Osa của phía Armenia đang được ngụy trang (Nguồn: ANNA News).
Tuy nhiên đây cũng là một sai lầm của phía Armenia, bên tham chiến này có vẻ như đã chuẩn bị cho "cuộc chiến tranh máy bay không người lái" sắp tới, vốn không đòi hỏi ngân sách lên tới hàng tỷ USD như đối thủ của họ - nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Ở Syria và Libya, các hệ thống phòng không tầm ngắn và trung Buk, Kvadrat (tên xuất khẩu của Buk) và Pantsir do Liên Xô và Nga sản xuất đã dễ dàng đối phó với mối đe dọa từ những UAV Thổ Nhĩ Kỳ.
Với hệ thống phòng không hiện đại, Quân đội Arab Syria (SAA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã tiêu diệt hàng chục UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đồng thời, hệ thống Buk-M2E cho thấy chúng là vũ khí phòng không có hiệu quả nhất trong việc chống lại Bayraktar - 20/25 tên lửa được phóng đi đã trúng mục tiêu trên không.
Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2 tấn công UAV Thổ Nhĩ Kỳ trong giao tranh ở tây bắc Syria đầu năm 2020.
Vì sao quân Armenia thảm bại?
Việc sử dụng tích cực các UAV cho mục đích do thám và tấn công trong một chiến dịch quân sự không đảm bảo thành công trên thực địa. Các tuyến phòng thủ được tổ chức hợp lý, có chiều sâu thừa đủ có khả năng "nghiền nát" một số lượng lớn quân địch và khí tài vượt trội hơn hẳn.
Tôi (nhà phân tích Alexander Khrolenko) không thấy điều này ở Nagorno-Karabakh và lòng dũng cảm của cá nhân những người lính không thể thay thế chiến thuật và công tác tổ chức phòng thủ chặt chẽ trong toàn bộ chiều sâu của tuyến phòng thủ.
Sau 40 ngày tổng động viên, vào thời điểm thỏa thuận ngừng bắn hôm 10/11, có 20 vạn quân Armenia ở Karabakh (theo tuyên bố của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan).
Điều ấn tượng là phía Armenia không có phương án phòng ngự, họ hành động tùy theo tình huống.
Trong những ngày đầu, tình báo Armenia không có thông tin chính xác về ý đồ quân sự của địch, quân Armenia trên toàn chiến tuyến Karabakh phải phòng ngự bị động.
Quân Azerbaijan không có ưu thế vượt trội về nhân lực, chỉ khoảng 30 nghìn người tham gia chiến dịch, nhưng họ vẫn hoạt động tích cực đồng thời trên mọi hướng.
Thất bại của phe Armenia có một "công lao" không nhỏ của giới lãnh đạo quân sự-chính trị. Chiến lược và chiến thuật sai lầm sẽ không bao giờ dẫn đến thành công và trên chiến trường chúng còn nguy hiểm hơn hỏa lực của kẻ địch.
Một nhóm lính Azerbaijan bị pháo binh Armenia khai hỏa trúng vị trí ẩn nấp (Nguồn: Twitter).