Hôm 20 tháng 11 năm 2021, trang Facebook Bang Hawaii (The State of Hawaii) với gần 58 nghìn người theo dõi đã đăng một bài với nội dung rằng chính quyền bang đảo này xúc tiến quá trình nhập khẩu 174 con cá sấu nước mặn từ Úc về. Mục đích của hành động này – giống như "các cụ nhà ta" đã nói, là dĩ độc trị độc, bởi người ta tin rằng đám cá sấu nước mặn có thể giúp tiêu diệt những con cá mập địa phương nguy hiểm.
Nội dung bài đăng như sau:
"Chúng tôi đang nhập khẩu 174 con cá sấu nước mặn trưởng thành từ Úc. Trong vài năm qua, ở khắp tiểu bang chúng ta đã có nhiều vụ cá mập tấn công gây ra thương tích và tử vong, chúng ta cần phải làm gì đó để ngăn chặn chúng.
Các nghiên cứu ở Úc đã chỉ ra rằng trong 40 năm qua, không ghi nhận một vụ cá mập tấn công nào xảy ra gần các bãi biển nơi có cá sấu nước mặn sinh sống. Cá mập không thích cá sấu. Vì vậy, chúng tôi hy vọng việc đưa những con vật oai vệ này đến vùng biển Hawaii sẽ đem lại kết quả tương tự, giúp các bãi biển ở Hawaii trở nên an toàn hơn.
Cá sấu nước mặn là loài đặc hữu của vùng đông bắc nước Úc - nơi có khí hậu rất giống với Hawaii, chúng tôi kỳ vọng chúng sẽ phát huy hiệu quả tốt ở đây.
Chúng tôi đang mang đến nhiều cặp để lai tạo và hy vọng rằng trong vài năm tới, chúng sẽ sinh sản và cho phép chúng ta phát triển một bầy cá sấu khỏe mạnh. Những con cá sấu sẽ được pháp luật bảo vệ giống như chúng ta bảo vệ hải cẩu Hawaiian Monk và Rùa Ghế Xanh (Green Seat Turtle). Việc săn bắt, ăn hoặc giam giữ chúng sẽ là bất hợp pháp.
Nhân cơ hội này chúng tôi cũng muốn nhắc nhở mọi người tôn trọng động vật hoang dã và đừng cố nuôi hoặc cho những con cá sấu nước mặn ăn."
Với lượng người theo dõi lên đến gần 58000, bài đăng này nhanh chóng được chia sẻ hơn 12000 lần và thu hút hơn 25000 bình luận và được nhiều người dùng Facebook Việt Nam đăng tải lại trên nhiều hội, nhóm.
Phân tích
Chúng ta đang sống trong thời đại tin giả lên ngôi nên khi thấy những thông tin "lạ tai" thì đều cần kiểm chứng trước khi ấn chia sẻ. Dạo một vòng trên Facebook thì không khó để thấy rằng đây không phải là lần đầu tiên bài đăng với nội dung như thế này xuất hiện trên internet. Trước đó, bài tương tự đã được chia sẻ bởi hai trang Facebook là CnC Honolulu vào ngày 30 tháng 5 năm 2019 và chính trang The State of Hawaii này một năm sau đó.
Bản thân sự ra đời và tồn tại của trang The State of Hawaii này cũng có một số điểm đáng ngờ.
Phần "Giới thiệu" (About) của nó tự nhận mình là "The Official The State of Hawaii Page." (Trang Chính thức của Bang Hawaii), đồng thời tuyên bố rằng tên chính thức của chính phủ và tiểu bang là "State of Hawaii", không có từ "the" ở đầu tiên. Nghe thực sự mâu thuẫn phải không?
Bên cạnh đó, chỉ với hai dòng giới thiệu mà đã có cả đống lỗi chính tả - vốn không phù hợp với một trang thông tin của chính phủ, và dù có hơn 57.000 người theo dõi nhưng trang này cũng không được gắn tích xanh của Facebook.
Ngay trong nội dung bài đăng khá giật gân cũng có nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp mà người nước ngoài như chúng ta cũng không khó để phát hiện ra như cách sử dụng dấu phẩy (,) ngắt câu tùy tiện, thiếu dấu chấm câu (.), không chia động từ (will be protectED), hay như từ bầy (herd) trong bầy cá sấu thì lại viết là heard (phân từ 2 của động từ nghe – hear) khiến nhiều người có tra từ điển mỏi mắt cũng không thấy.
Kết luận
Như vậy, một em học sinh cấp II của Việt Nam nếu chăm chú đọc và vận dụng kiến thức được trang bị trên lớp cũng không khó để lật tẩy tin giả bằng tiếng Anh, thậm chí là phát hiện ra một trang Facebook giả mạo mặc dù có số lượng người theo dõi và like khủng. Các bạn đã thấy lợi ích của việc học tiếng Anh chưa nhỉ?
Xin được nhắc lại một câu chưa bao giờ lỗi thời: Chia sẻ tin giả là tiếp tay cho tội ác!
Chúc các bạn vui vẻ!