Hậu COVID-19: "Gió Đông" đã nổi, Ấn Độ có làm được điều quan trọng đã biến TQ thành "công xưởng thế giới"?

Lâm Vy | 05-05-2020 - 18:06 PM

(Tổ Quốc) - Một số cường quốc kinh tế ở châu Á đã bắt đầu khuyến khích các doanh nghiệp dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

"Làn gió mới" thổi về Ấn Độ

Trong bài viết đăng trên tạp chí Diplomat, hai nhà phân tích Akshobh Giridharadas và Vaman Desai cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động chưa từng thấy trên nhiều phương diện liên quan đến sức khỏe cộng đồng, an ninh quốc gia và nền kinh tế toàn cầu.

Kể từ dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, chưa có đại dịch nào khiến các cường quốc kinh tế rơi vào tình trạng bế tắc như vậy.

Thậm chí ngay trong những giai đoạn đầu, khi COVID-19 chỉ được nhìn nhận một cách thiển cận như vấn đề của riêng Trung Quốc, thì nó vẫn là một câu hỏi hóc búa mang tính toàn cầu – bởi đúng như câu ngạn ngữ trong giới tài chính: “Khi Trung Quốc hắt hơi, phần còn lại của thế giới sẽ bị cảm lạnh” [ám chỉ Trung Quốc nắm giữ vị thế như một công xưởng của thế giới].

Chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bị gián đoạn đồng nghĩa chuỗi cung ứng trên toàn thế giới cũng bị gián đoạn. Một tập hợp các công ty đa ngành nghề đã bị ảnh hưởng tới mức độ đáng kinh ngạc khi mạng lưới sản xuất và phân phối gặp vấn đề.

Tuy nhiên, trong lúc các ngành công nghiệp bị đình trệ giữa bối cảnh đại dịch ấy, có thể có một hình thái gián đoạn khác hình thành. Theo cách cắt nghĩa được dùng ở Thung lũng Silicon thì đó là sự biểu thị của một làn gió mới. Vậy làn gió mới nào đang thổi về phía Ấn Độ?

Hậu COVID-19: Gió Đông đã nổi, Ấn Độ có làm được điều quan trọng đã biến TQ thành công xưởng thế giới? - Ảnh 2.

Nhiều công ty toàn cầu đang muốn đa dạng hóa các cơ sở sản xuất ra ngoài Trung Quốc. (Ảnh: Một cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Nguồn: CNBC)

Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014 và màn ra mắt hoành tráng của sáng kiến sản xuất “Make in India” được xem như bước ngoặt đánh dấu thời kỳ bùng nổ đối với tiềm năng sản xuất của Ấn Độ.

Tuy được nhìn nhận vì có cách tiếp cận đầy tham vọng nhưng sáng kiến này lại chung chung và thiếu trọng tâm chính sách. Khi dịch chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế dịch vụ trong những năm 1990, Ấn Độ đã bỏ qua một thành tố sản xuất quan trọng, chính nó đã đưa Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới.

Mặc dù sáng kiến “Make in India” đã tìm cách đưa Ấn Độ trở thành một “điểm đến sản xuất” thay thế Trung Quốc nhưng việc đầu tư vào một dự án diện rộng, gồm 25 lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất da cho tới các thiết bị không gian, sẽ đồng nghĩa với việc chỉ tập trung vào bức tranh lớn mà hy sinh chi phí của những lĩnh vực cụ thể hơn.

Ngoài ra, chính sách này chưa tính đến đầy đủ các lợi thế mang tính cạnh tranh của Ấn Độ. Kết quả là, Việt Nam và Bangladesh đã tận dụng được tối đa các cơ hội sản xuất nảy sinh, đặc biệt là vào thời điểm chi phí sản xuất tại Trung Quốc gia tăng khi Bắc Kinh chuyển sang nền kinh tế dựa trên mức tiêu thụ.

Ấn Độ nắm giữ nhiều lợi thế

Trung Quốc thấy mình đang phải đối mặt với sự dò xét trên toàn cầu kể từ khi COVID-19 [từ dịch bệnh trở thành đại dịch] bùng phát ở Vũ Hán.

Trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh vẫn liên tục xích mích với nhau, kéo dài cuộc chiến thương mại vốn tiếp diễn trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, nhiều doanh nghiệp toàn cầu buộc phải đẩy nhanh những kế hoạch chiến lược nhằm đa dạng hóa các cơ sở sản xuất ra ngoài Trung Quốc, họ xem đó là một cách để đối phó với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Một số cường quốc kinh tế ở châu Á cũng bắt đầu khuyến khích các doanh nghiệp dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhật Bản thậm chí còn dành một quỹ 2,2 tỷ USD để khuyến khích các nhà sản xuất của nước này làm điều đó.

Hậu COVID-19: Gió Đông đã nổi, Ấn Độ có làm được điều quan trọng đã biến TQ thành công xưởng thế giới? - Ảnh 5.

Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc trở thành "công xưởng" của thế giới? (Nguồn: sourcingjournal.com)

Nền kinh tế đang mở rộng và tầng lớp trung lưu đông đảo của Ấn Độ mang lại một thị trường sinh lợi, trong khi nguồn lao động lành nghề và bán lành nghề làm tăng năng lực của nước này trong việc hỗ trợ xử lý, lắp ráp và sản xuất hàng loạt các sản phẩm.

Bên cạnh đó, bờ biển phía đông của Ấn Độ [vốn không được chú ý tới] thực chất lại có vị trí chiến lược để kết nối các thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một lợi thế giúp tối ưu hóa các chuỗi cung ứng và giảm thiểu chi phí vận chuyển.

Chưa hết, các lợi thế chi phí của Ấn Độ còn đi liền với cơ chế dân chủ của nước này, trong đó nhấn mạnh vào tính minh bạch và trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. Việc Ấn Độ sẵn lòng đáp ứng các nghĩa vụ của nhà cung cấp mà không vũ khí hóa thương mại đã mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu môi trường hoạt động thương mại minh bạch và công bằng.

Vậy Ấn Độ có thể làm gì để tận dụng những lợi thế và cơ hội này? Theo nhà phân tích Akshobh Giridharadas và Vaman Desai, chính phủ Ấn Độ nên áp dụng một chiến lược chia theo giai đoạn, trong đó ưu tiên một số thành phần ở giai đoạn ngắn hạn, trung và dài hạn.

Chẳng hạn như, trước mắt New Delhi nên đưa ra những kế hoạch hấp dẫn để thu hút các công ty tới đầu tư sản xuất ờ bờ đông và tại các cụm sản xuất truyền thống của Ấn Độ. Trong 6-8 tháng tiếp theo, Ấn Độ nên tập trung giành được các thỏa thuận đầu tư lớn ở những lĩnh vực mà nền kinh tế nước này có chuỗi cung ứng nội địa.

Về dài hạn, Thủ tướng Modi, trong quãng thời gian đương nhiệm còn lại của nhiệm kỳ 2, nên đặc biệt chú trọng tới ngoại giao thương mại Ấn Độ, tăng cường sức mạnh ngoại giao trong những nhiệm vụ quan trọng để thu hút các nhà lãnh đạo doanh nghiệp…

Người ta thường nói Ấn Độ tái thiết với một cuộc khủng hoảng, đúng như những gì họ từng tiến hành vào năm 1991, khi xảy ra cuộc khủng hoảng Cán cân thanh toán.

Theo hai nhà phân tích Giridharadas và Desai, mặc dù nền kinh tế Ấn Độ ở thời điểm này đã tốt hơn nhiều so với khi đó nhưng chính phủ của Thủ tướng Modi vẫn có cơ hội tận dụng làn sóng địa chính trị đang thay đổi để thúc đẩy tiềm năng sản xuất của quốc gia Nam Á này.

Hậu COVID-19: Gió Đông đã nổi, Ấn Độ có làm được điều quan trọng đã biến TQ thành công xưởng thế giới? - Ảnh 8.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM