Hành trình phát triển kì diệu của em bé sinh non: Mọi nỗ lực của ba mẹ đều xứng đáng

An Chi | 17-11-2023 - 11:30 AM

(Tổ Quốc) - Đó là những hành trình dài đầy nước mắt nhưng cũng chan chứa niềm hy vọng của bố mẹ và em bé.

Cha mẹ nào cũng mong con khỏe mạnh, đủ ngày đủ tháng chào đời. Thế nhưng không phải ai cũng có được may mắn ấy, nhất là những người mẹ không may có con sinh non vì nhiều lý do. Đó là một hành trình gian nan, mệt mỏi, nhiều nước mắt nhưng cũng tràn đầy tình yêu thương và hy vọng. Có lẽ, chỉ có những người mẹ đã trải qua hoàn cảnh này mới thấu được những vất vả của những cặp vợ chồng có con sinh non. 

Hành trình giành lại sự sống của cậu bé sinh non, có lúc ngỡ như hết hy vọng

Chị Vũ Ngọc Nhi (sống tại Gia Lai) đã có một trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời khi sinh con trai vào tuần thứ 33. Khi sinh ra, bé Cốm chỉ nặng vỏn vẹn 2kg. Vì sinh non nên Cốm mắc rất nhiều bệnh. Sau 3 tháng nằm viện ròng rã, niềm vui chưa được bao lâu thì bác sĩ lại chẩn đoán cậu bé bị bệnh nền là viêm phổi. Hai vợ chồng chị Nhi cùng con trai lại tiếp tục những tháng ngày ở viện.

"Lúc sinh ra con đã suýt nữa thì không được gặp ba mẹ. Đến bây giờ do viêm phổi mà con lại tiếp tục nằm viện. Mỗi ngày cơ thể bé nhỏ phải chịu mười mấy mũi kim lấy ven vào người. Mẹ biết con đau lắm, do con nhỏ nên ven khó lấy, bởi vậy con phải lấy cả trên đầu. Từng ngày nhìn thấy con phải chịu đựng như vậy, mẹ chỉ muốn mình là người đau để con được khỏe mạnh mà thôi", chị Nhi gửi gắm đến con trai Cốm.

Sau đó, vợ chồng anh chị lại chuyển con vào bệnh viện lớn và một lần nữa sét đánh ngang tai khi bác sĩ kết luận bé bị bệnh tim bẩm sinh cần phải mổ gấp. Thời điểm đó, Cốm mới 4 tháng tuổi và chỉ nặng có 2,5kg. Con còn quá nhỏ để mổ nhưng không còn cách nào khác, chị Nhi sợ sẽ mất con nên quyết định ký giấy mổ gấp cho bé.

Chú bé Cốm dũng cảm

"Mình sợ, chúng mình chỉ khóc vì thương con. Cơ thể bé nhỏ ấy phải trải qua biết bao nhiêu ngày nằm viện. Biến cố cứ xảy đến và mình xót con vô cùng. Con bị hở 15mm ống động mạch, con không được bú mẹ mà chỉ truyền dịch thôi. Mẹ biết con đói và lạnh nhưng không thể mặc được quần áo vì khắp người con toàn là dây dợ chằng chịt. 

Cảm ơn bác sĩ và cảm ơn con trai mẹ vì cuộc đại phẫu đã thành công. Sau đó con tiếp tục phải trải qua một cuộc tiểu phẫu nữa vì mắt con quá yếu. Con trai của mẹ còn bị giãn thận trái nữa nhưng mẹ biết con mạnh mẽ, khát khao được sống và được gặp bố mẹ đúng không. Dù con ăn là nôn hết, kháng sinh nhiều con chẳng lên cân được, nhưng con là chiến binh của bố mẹ mà", chị Nhi nhớ lại những ngày tháng khó quên trong cuộc đời.

Sau chuỗi ngày chỉ biết khóc, lo lắng nhưng cũng không ngừng hy vọng, bé Cốm đã khỏe mạnh trở lại.

"Mình nhớ khoảng thời gian con được 1 tháng và ở trong viện Nhi, đang trong lúc chiếu tia chống vàng da thì con ngừng thở. Bố con phát hiện gọi bác sĩ đến và bác lắc đầu, giây phút ấy quá khủng khiếp. Thế nhưng may mắn phép màu đã đến, Cốm bất ngờ hồng hào trở lại khiến ai cũng phải ngạc nhiên. 

Hi vọng câu chuyện của mình sẽ lan tỏa năng lượng tích cực đến những bà mẹ có cùng hoàn cảnh. Chỉ cần luôn cố gắng thì may mắn sẽ mỉm cười", chị Nhi tâm sự.

Bé gái sinh non gầy guộc, da đen nhẻm, chỉ hơn 2 tháng sau nhìn bé ai cũng ngỡ ngàng 

Chị Võ Ngọc Thúy (hiện đang sống tại Kiên Giang) tâm sự, quá trình mang thai của chị không được suôn sẻ như các bà mẹ khác. Chị bị nghén từ khi biết mình có em bé đến lúc sinh con là 35 tuần. Bị nghén nặng nên chị Thúy không ăn uống được gì, bác sĩ có kê thuốc cho uống nhưng cũng không cải thiện.

Khi đi siêu âm, chị Thúy còn phát hiện mình ít nước ối, bé bị dây rốn quấn cổ 2 vòng nên cũng khá nguy hiểm. Mẹ không ăn uống được nên thiếu chất, em bé không có chất dinh dưỡng để hấp thu. May mắn là chị bổ sung đầy đủ các loại vitamin, sắt, DHA... nên thai nhi vẫn ổn.

"Gần 35 tuần thì mình bị cạn ối và suy dinh dưỡng bào thai. Bác sĩ cho nhập viện để cố gắng nuôi dưỡng bé thêm trong bụng được ngày nào hay ngày đó. Nhưng trong quá trình dưỡng thai ở bệnh viện thì em bé lại giảm 200g, từ 2kg xuống còn 1,8kg và có thể mất tim thai bất cứ lúc nào nên bác sĩ chỉ định mổ gấp. 

Lúc đó mình và chồng khóc rất nhiều vì bác sĩ có nói gia đình chuẩn bị trước tâm lý. Nhưng may thay ca mổ diễn ra thành công. 

Khi được đưa ra ngoài, con rất nhỏ, trơ xương như một chú khỉ con vì bị suy dinh dưỡng. Nhưng trộm vía bé rất khỏe, sau khi được bác sĩ kiểm tra xong thì bé được đưa về ấp mẹ. Hai mẹ con được da kề da, con bú rất giỏi. Sau 4 ngày thì mình và em bé được xuất viện", chị Thúy nhớ lại hành trình sinh con của mình.

Sau khi về nhà 10 ngày thì chị Thúy bị cảm nhẹ, em bé ở gần mẹ suốt, lại có sức đề kháng yếu nên lây bệnh từ mẹ và bị viêm phổi, phải nhập viện truyền kháng sinh liên tục 1 tuần.

Nhìn con đã gầy guộc, nhỏ bé lại bị ốm, chịu đau đớn, chị Thúy stress vô cùng, luôn cố gắng tìm hiểu, tham khảo bác sĩ, sách, internet và các diễn đàn về cách chăm sóc con sinh non, mong sao làm được những điều tốt nhất cho bé.

"Nhìn con ngày càng khỏe mạnh, phát triển tốt như vậy, đối với người làm mẹ như mình thật không có gì hạnh phúc bằng", chị Thúy bày tỏ. 

3 tháng kỳ diệu của bé gái sinh non ở tuần 24 chỉ nặng 700g 

Chị T.N (34 tuổi, Nghi Lộc) có tiền sử hiếm muộn. Chị đã chọn phương pháp hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm. Hạnh phúc với niềm vui chuẩn bị lần đầu làm bố, làm mẹ, vợ chồng chị N. cố gắng dưỡng thai tối đa. Tuy nhiên, bình yên được hơn 24 tuần thai kỳ, chị phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng có dấu hiệu dọa sinh non.

Khả năng giữ thai thêm trong cơ thể mẹ không còn, cần chuyển sinh ngay. Việc đảm bảo được cuộc chuyển sinh "mẹ tròn con vuông" là rất khó. Nguy hiểm đe dọa sinh mạng 2 bé ngay khi chào đời. 

2 bé sơ sinh cực non yếu, 1 trai, 1 gái chào đời sau 24 tuần 5 ngày trong dạ mẹ, với cân nặng chỉ 600g và 700g. Sau sinh, 2 bé không khóc, không có phản xạ, nhịp tim chậm. Các bác sĩ phải áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp đồng bộ, như thở máy qua nội khí quản, bơm Surfactant, nằm lồng ấp, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, kháng sinh, thuốc vận mạch… qua catheter tĩnh mạch rốn, đồng thời đặt động mạch rốn để theo dõi huyết áp liên tục...

Hành trình phát triển kì diệu của em bé sinh non: Mọi nỗ lực của ba mẹ đều xứng đáng - Ảnh 3.

Tuy nhiên, do sinh cực non và rất nhẹ cân, sức khỏe của bé trai vô cùng yếu, sau 2 ngày cầm cự, tình trạng bé chuyển biến xấu nhanh chóng, không thể duy trì sự sống. Với bé gái, các bác sĩ đã áp dụng cùng lúc nhiều phương pháp hiện đại với các trang thiết bị dành cho trẻ sơ sinh non yếu. Bên cạnh đó, các chế độ ánh sáng, tiếng ồn, nhiễm khuẩn… được đặc biệt kiểm soát nghiêm ngặt. Hơn 3 tháng tỉ mỉ chăm sóc 24/24, tình trạng của trẻ dần chuyển biến tích cực.

Bé gái dần dần đạt những mốc quan trọng như bé được rút nội khí quản, chuyển qua thở máy không xâm nhập. Dần dần, bé có thể ăn sữa mẹ hoàn toàn qua sonde dạ dày. Rồi, bé được cai máy thở, chuyển qua thở oxy gọng, dinh dưỡng hoàn toàn bằng đường miệng. Sau hơn 3 tháng điều trị, bé phát triển ổn định với cân nặng 2,4 kg và có thể tự bú mẹ.

"Thời gian đầu con mới sinh, tôi lo lắng, sợ hãi đến mức không dám cho vợ lên bệnh viện gặp con. Tôi đã từng không dám tin con gái mình có thể sống. Bao lần nhìn con bé bỏng "thập tử nhất sinh" trong lồng ấp, nay đã có thể âu yếm con yêu trong vòng tay, nhìn vợ cho con bú, tôi nghĩ là điều kỳ diệu", vợ chồng chị N. tâm sự.

Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non là một sự kiện được tổ chức vào ngày 17 tháng 11 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức và mối quan tâm của con người về trẻ sinh non trên toàn thế giới. Ước tính mỗi năm, thế giới có khoảng 150 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó, có đến 1/10 trong số này là trẻ sinh non. Những em bé sinh non có nguy cơ mắc nhiều bệnh, tuy nhiên nếu được chăm sóc chu đáo thì có nhiều khả năng sẽ phát triển tốt như các bạn đồng trang lứa.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Xnumx Amino: Giải pháp hỗ trợ phục hồi toàn diện cho phụ nữ sau sinh

(Tổ Quốc) - Phụ nữ sau sinh cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để phục hồi sức khỏe và tái tạo năng lượng sau khi trải qua giai đoạn đầy khó khăn của quá trình sinh nở. Việc bổ sung các acid amin thiết yếu là vô cùng quan trọng. Xnumx Amino là giải pháp giúp phụ nữ sau sinh phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng và hiệu quả.